Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

NHÌN NHẬN SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

 

Đường lối và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là hai vấn đề cực kỳ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng. Và như vậy, sẽ có hai nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền, một là, sai lầm về đường lối; hai là, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhận thức rõ điều này, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn và bồi dưỡng, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn dân thực hiện đường lối, nhiệm vụ cách mạng. Chính vì vậy, từ trước đến nay, đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu hơn 35 năm đổi mới vừa qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy vậy, hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau, ngày càng nghiêm trọng. Trong Văn kiện Đại hội khóa X, khóa XI của Đảng chỉ ra tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Hiện nay "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…[1]. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên diễn ra từ chỗ trước đây chỉ có ở "nhiều", "không ít" hoặc “một bộ phận” thì hiện nay đã và đang diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ”, diễn ra ở "những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp". Những hiện tượng này nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ có tác hại rất nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng và do đó, quyết định đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG - ST, HN, 2012, tr. 22.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét