Năm 1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta nhằm bàn về vấn đề hỗ trợ Việt Nam kháng chiến và “thăm dò” về vấn đề Liên Xô. Lúc ấy, phía Trung Quốc mang theo một người phiên dịch nói tiếng phổ thông để dịch lại lời nói của Diệp Kiếm Anh vốn là người Quảng Đông. Nhưng, Bác Hồ nhanh chóng cất lời bằng tiếng Quảng Đông: “Ai da, chúng ta là người nhà quê với nhau” bằng tiếng Quảng Đông và khiến người phiên dịch của phía Trung Quốc ngỡ ngàng. Diệp Kiếm Anh ra hiệu cho phiên dịch lui về phía sau và đáp lại bằng tiếng Quảng Đông với một tâm thế rất hào hứng.
Câu nói “chúng ta là người nhà quê với nhau” được Diệp Kiếm Anh đánh giá rất cao vì nó mang nhiều hàm nghĩa đặc biệt. Đầu tiên, đó là việc nhắc rằng “những người cộng sản là anh em”, xuất thân đơn giản ở tầng lớp công - nông và luôn hỗ trợ cho sự nghiệp của nhau. Thứ hai, câu này mang hàm nghĩa nhắc lại việc Đảng Cộng sản Việt Nam được cấu thành ban đầu ở những địa điểm thuộc tỉnh Quảng Đông và như là một sự gợi nhớ tri ân không quên những ngày đầu. Thứ ba, đó là việc Bác có thời gian hoạt động ở Quảng Đông và Bác coi Quảng Đông như là một nơi quê quán giống như Diệp Kiếm Anh.
Một câu chuyện khác, hồi năm 1956, Bác tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai và chủ động nhận Chu Ân Lai là người anh trai, đáp lại, Chu Ân Lai nhận Bác là “người anh cả chỉ đường dẫn lối”. Rõ ràng, “anh trai” chưa chắc đã là “anh cả”, “anh cả” ở một vị thế cao hơn. Chính việc chủ động nhún nhường của Bác trong khi Bác nhiều tuổi hơn khiến cho Thủ tướng Chu Ân Lai cảm giác rất thịnh tình.
Chính Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh là hai trong số những lãnh đạo Trung Quốc rất thiện cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng góp rất lớn vào việc Trung Quốc cung cấp viện trợ, hỗ trợ cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Những năm 1940 - 1950, Việt Nam là một nước bé, không có tiếng tăm trên thế giới, Bác Hồ gửi thư cho Stalin nhiều lần nhưng không được hồi đáp. Tháng 01/1950, Bác dựa vào quan hệ với Mao Trạch Đông đánh tiếng đến Stalin về việc sẽ cùng với Mao Trạch Đông đến Liên Xô để thông báo về cách mạng Việt Nam. Sau đó, Bác khéo léo ngoại giao đề nghị Liên Xô hỗ trợ cách mạng Việt Nam như hỗ trợ cách mạng Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao… Một nước Việt Nam nhỏ bé đã được cả hai quốc gia cùng giúp đỡ là như thế.
Những năm 1950 - 1960, Bác Hồ đã thi hành chính sách ngoại giao cân bằng. Phái đoàn Việt Nam đi thăm Trung Quốc thì đồng thời báo cho phía Liên Xô và ngược lại. Bác luôn tránh việc đưa ra quan điểm về các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Liên Xô. Bên cạnh đó còn ngăn được tư tưởng xét lại như Liên Xô hay việc đấu đá quyền lực như tại Trung Quốc. Năm 1959, tại Bắc Kinh, Bác còn làm phiên dịch viên cho Mao Trạch Đông và Nikita Khrushchev, đó là một cuộc phiên dịch căng thẳng vì vào thời điểm đó hai quốc gia có những rạn nứt nhất định. Đứng ở giữa, Bác phải điều dẫn và phiên dịch sao cho khéo léo, tránh leo thang căng thẳng và cũng giữ được sự cân bằng. Dĩ nhiên là Bác đã làm hoàn hảo.
Năm 1960, hội nghị các Đảng Cộng sản diễn ra đúng lúc Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn. Sợ rằng việc này sẽ khiến cho “buổi bình minh” của cuộc kháng chiến của Việt Nam bị ảnh hưởng, Bác có bài phát biểu tôn vinh cả 2 Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc đều “có tầm quan trọng đặc biệt” với cách mạng thế giới. Đặc biệt, trong hội nghị ấy không có một chính đảng nào dám đưa cả hai đảng trên vào chung. Bài phát biểu ấy khiến cả 2 đảng cùng đưa ra tuyên bố chung và giữ quan hệ tốt hơn với phía Việt Nam.
Năm 1963, Trung Quốc coi Liên Xô là “nơi xuất phát của chủ nghĩa xét lại” và gửi thư cho phía Việt Nam đề nghị không gửi thư chúc mừng sinh nhật Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev. Nghe theo Trung Quốc thì sẽ mất lòng Liên Xô, không làm theo thì mất lòng Trung Quốc, nhưng Bác Hồ đã nghĩ ra một cách. Bác tổ chức buổi tiệc ăn cơm ở Phủ Chủ tịch mừng dịp Tết Hàn Thực sớm và trong ly rượu đầu tiên, Bác Hồ nâng ly chúc mừng sinh nhật đồng chí Nikita Khrushchev tròn 70 tuổi. Tình cờ thay, sinh nhật Nikita Khrushchev (15/04/1894) chỉ diễn ra trước Tết Hàn Thực đúng 1 ngày.
Sự việc này khiến đại sứ Sherbakov bất ngờ và rất vui vì Việt Nam “không chọn phe Trung Quốc”, còn phía Trung Quốc “mừng như mở cờ” vì Việt Nam đã làm theo đề nghị từ trước đó là không gửi thư chúc mừng.
Năm 1965, Liên Xô muốn lập cầu hàng không viện trợ đến Việt Nam, Trung Quốc không đồng ý nhưng cũng không tiết lộ rõ nguyên nhân. Nhằm xoa dịu hai cái đầu nóng, Bác Hồ khéo léo nói phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ vận chuyển an toàn hàng hóa, đi bằng đường bộ sẽ vận chuyển được nhiều hơn. Vừa đề cao vai trò Trung Quốc, vừa cải chính thông tin Trung Quốc không cản trở hàng hóa viện trợ, vừa nhắc khéo Trung Quốc không nên can thiệp vào hàng hóa viện trợ thông qua vài chữ “vận chuyển được nhiều hơn”.
Từ năm 1966, ở Trung Quốc diễn ra Cách mạng văn hóa, Liên Xô thăm dò ý kiến Việt Nam nhưng Bác Hồ cho rằng đây là thời gian cuộc kháng chiến tại Việt Nam diễn ra quyết liệt và Bác phải dành nhiều thời gian hơn. Bác cũng cho biết “Cách mạng văn hóa là vấn đề nội bộ của Trung Quốc” và không tham gia phê phán, đả kích. Khi Mao Trạch Đông đề nghị tiến hành cách mạng văn hóa ở Việt Nam, Bác từ chối và cho biết Việt Nam chưa làm cách mạng văn hóa được vì còn đang bận giải phóng đất nước. Mao Trạch Đông gật gù đồng ý.
Năm 1969, Liên Xô tổ chức Hôi nghị 75 Đảng Cộng sản nhằm mục đích khai trừ Đảng Cộng sản Trung Quốc và gửi lời mời Việt Nam. Việt Nam từ chối tham gia với lý do cách mạng Việt Nam đang quyết liệt và sức khỏe của Bác không tốt. Cùng với lý do tương tự, Việt Nam từ chối tham gia các thảo luận lên án Liên Xô với phía Trung Quốc. Hai quốc gia trên rất nể Bác nên lúc Bác sức khỏe yếu, họ đều ân cần và không nói đến vấn đề về đối phương.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh, không đề cao bên nào hơn bên nào, Bác Hồ nhất quán với chủ trương không sử dụng binh lính Liên Xô - Trung Quốc trực tiếp tham gia chiến trường miền Nam Việt Nam. Cách mạng Việt Nam và vấn đề thống nhất phải do người Việt Nam trực tiếp thực hiện, nợ ân tình vật chất thì có thể trả, nhưng nợ máu thì không bao giờ.
Liên Xô và Trung Quốc là hai quốc gia quan trọng nhất với Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến từ năm 1954 - 1975. Hai quốc gia có những mâu thuẫn gay gắt với nhau và Việt Nam phải “đu dây” trong một thời kỳ đầy biến động: vừa chiến tranh lạnh, vừa mâu thuẫn Trung Xô và vừa phải làm nhiệm vụ thống nhất đất nước.
Nhưng với những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, Việt Nam đã tạo ra một thế trận ngoại giao cân bằng hoàn hảo giữa hai cường quốc của thế giới và chính những tư tưởng của Bác đã đặt nền móng cho ngành ngoại giao "cây tre" của Việt Nam hiện tại./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét