Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt được kết quả khả quan với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Giới chuyên gia nhận định nước ta vẫn có cơ hội phục hồi tích cực nếu các chính sách hỗ trợ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế!
Tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và toàn cầu
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%. Đây là điểm sáng ở khu vực và thế giới trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ suy giảm hơn năm trước. Đồng thời lạm phát cũng được kiểm soát tốt với bình quân cả năm tăng 4,16%.
Cũng trong năm qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỉ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỉ USD). Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Nông nghiệp giữ vai trò bệ đỡ và là trụ cột chính của nền kinh tế. Xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng đáng ghi nhận khi giá trị kim ngạch năm 2023 đạt trên 53 tỉ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu gạo có thể lên tới 4,8 tỉ USD, cao nhất từ năm 1989. Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt tới 5,6 tỉ USD, xác lập mức kỷ lục...
Đánh giá về bức tranh cả năm 2023, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê - cho rằng, chúng ta đã đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những thách thức toàn cầu. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt được kết quả khả quan.
Cơ hội phục hồi tích cực hơn trong năm 2024
Nhìn sang năm 2024, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy vậy, nước ta sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế.
"Khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch... Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định" - bà Hạnh nhận định.
Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, thị trường địa ốc sẽ chuyển biến tích cực hơn vào nửa cuối năm 2024 khi những vướng mắc về pháp lý được giải quyết. Niềm tin của người mua cũng sẽ phục hồi nhờ sửa đổi các luật và mặt bằng lãi suất giảm. Một số chủ đầu tư sẽ tung ra nguồn cung sản phẩm mới cho năm 2024 và cả 2 năm tiếp theo. CBRE dự báo mặt bằng giá bất động sản sẽ tăng nhẹ 2 - 3% trong năm sau.
Chung quan điểm triển vọng vĩ mô Việt Nam năm 2024 tích cực hơn, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, CTCP FIDT - nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa lớn để điều hành lãi suất tiền đồng theo hướng có lợi cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên mức 1.360 điểm dựa trên dự phóng tăng trưởng EPS năm 2023 đạt 2% và năm 2024 đạt 15%, tương đương với định giá P/E trượt sẽ phục hồi về mức trung bình (2012 - 2023) là 14,x trong năm 2024.
"Đầu năm 2024, sự kỳ vọng của thị trường sẽ tập trung chủ yếu vận hành của hệ thống KRX, đặc biệt là trong quý I như kỳ vọng. Sự chuẩn bị và triển khai KRX theo đúng tiến độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nâng hạng thị trường từ FTSE vào tháng 9.2024. Đáp ứng các yêu cầu và chuẩn mực này không chỉ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện sự chuyên nghiệp và minh bạch, mà còn mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài trở lại vào cuối năm 2024 sau rút ròng mạnh mẽ khỏi thị trường Việt Nam vào cuối 2023" - vị chuyên gia nêu rõ./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét