Tự hào vị thế Việt Nam
Trong năm 2023, các lãnh đạo cấp cao đã thực hiện 45 chuyến công du nước ngoài; đón gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trải rộng trên tất cả đối tác, các nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống, những khu vực mà nước ta có quan hệ tốt lâu nay và cả một số khu vực mới như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin.
Điều chưa từng thấy
Tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Tập đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, và là lần đầu tiên ông thực hiện riêng chuyến thăm đến một quốc gia kể từ sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/12/2023 tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Bên cạnh nhiều điểm đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với tầm nhìn dài hạn. Hai bên ký kết 36 văn kiện hợp tác trong dịp này, mở ra những cơ hội hợp tác lớn hơn nữa.
“Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay”.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Quan hệ Việt - Mỹ cũng bước sang trang mới. Năm 2015, ít ai có thể tưởng tượng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu một Đảng Cộng sản, có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng. Tám năm sau, vào tháng 9/2023 xuất hiện hình ảnh cũng chưa từng thấy trong lịch sử, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng, để hai bên cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
“Trong nhiều thập kỷ, việc một tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết hướng tới quan hệ hợp tác ở mức cao nhất từng là điều không thể tưởng tượng được”, Tổng thống Biden nói về quan hệ Việt Nam và Mỹ trong bài phát biểu của ông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9/2023 tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh |
Việc Việt Nam đón lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc và Mỹ đến thăm trong cùng năm là điều không phải quốc gia nào cũng thực hiện được.
Hai tháng sau, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Nhật Bản, hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Trong số 193 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia. Việt Nam đã xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện với những quốc gia có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề của thế giới, như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói rằng các chuyến thăm, hoạt động đối ngoại có ý nghĩa lịch sử trong năm nay là minh chứng rõ rệt nhất cho việc triển khai rất hiệu quả định hướng đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng nêu ra, đồng thời cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. “Các đối tác, các nước lớn, đặc biệt là những siêu cường như Mỹ và Trung Quốc, đều coi trọng Việt Nam, coi trọng tiếng nói, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam. Vì vậy mới có những chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử như vậy đến đất nước chúng ta”, TS Sơn nói.
Theo ông Sơn, đó cũng là những đối tác rất quan trọng với Việt Nam về phát triển và an ninh. Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ hay đưa khuôn khổ quan hệ với các quốc gia này vào chiều sâu, bền vững, ngày một toàn diện hơn sẽ góp phần ổn định quan hệ với các đối tác mang tính quan trọng chiến lược. Điều đó giúp định vị Việt Nam vững chắc, mở ra những cơ hội để chúng ta thu hút thêm nguồn lực từ các quốc gia này.
Coi trọng láng giềng, bạn bè truyền thống
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều yếu tố nhạy cảm, biến động, Việt Nam tiếp tục coi trọng việc gìn giữ và củng cố quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống.
Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith diễn ra vào tháng 9/2023, tiếp nối cuộc gặp đầu tiên hồi năm 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, truyền thống lịch sử đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa 3 đảng là tài sản quý giá, là sức mạnh to lớn quan trọng nhất, cần được vun đắp, gìn giữ cho các thế hệ sau.
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ truyền thống hữu nghị đoàn kết đặc biệt với Cuba. Tháng 9 năm nay, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, hai nước long trọng kỷ niệm 50 năm ngày Lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền nam Việt Nam. Trong tất cả các cuộc gặp, Việt Nam đều khẳng định luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của Cuba trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và sự nghiệp phát triển đất nước, cũng như những tình cảm đặc biệt của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro dành cho Việt Nam.
Thu hút nguồn lực
Phát huy đường lối “ngoại giao cây tre”, triển khai nghị quyết của Đại hội XIII mà Đảng đề ra, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, để lại dấu ấn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, qua đó góp phần khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế, truyền đi thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng chung tay giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao kinh tế góp phần đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, tích cực vận động, thu hút các nguồn lực phục vụ chủ trương tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao. Những kế hoạch đầu tư trị giá hàng tỷ đô la Mỹ đến với Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm sau đại dịch và nhiều biến động. Đầu tháng 12/2023, tỷ phú Jensen Huang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Nvidia - một trong những tập đoàn chip hàng đầu của Mỹ - thăm Việt Nam và công bố thành lập pháp nhân ở Việt Nam, để Việt Nam trở thành “quê hương thứ hai của Nvidia”.
Ngày 22/11/2023 tại Paris, Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu ủng hộ rất cao. Đây là sự tiếp nối những nỗ lực của ngoại giao trong vận động UNESCO công nhận và tôn vinh các giá trị văn hóa, thiên nhiên của đất nước.
Công tác chăm lo cho kiều bào luôn được quan tâm, góp phần phát huy nguồn lực kiều bào, tạo nên cầu nối trực tiếp giữa Việt Nam với các nước sở tại. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp, hàng ngàn công dân được bảo đảm an toàn, hỗ trợ củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở các địa bàn như Ukraine, Campuchia, Myanmar…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét