Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

XÁC ĐỊNH PHÁT TRIỂN “SỨC MẠNH MỀM” TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 Mục tiêu phát triển sức mạnh mềm: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ duy trì sự cảm thông, chia sẻ,

tạo dựng và củng cố lòng tin của các nước lớn, sự ủng hộ của các nước vừa và nhỏ; sự hấp dẫn

đối với người dân và nhà đầu tư các nước. Đồng thời, gia tăng uy tín quốc tế để đến năm 2045 có

thể dẫn dắt trong một số vấn đề, khía cạnh mà Việt Nam thành công và được cộng đồng quốc tế,

nhất là các nước vừa và nhỏ, đánh giá cao.

Đối tượng sức mạnh mềm Việt Nam hướng tới: Bao gồm: giới tinh hoa, nhà lãnh đạo trẻ, giới

truyền thông, doanh nghiệp, thanh niên và nhân dân các nước. Đây là những lực lượng sẽ tham

gia trực tiếp vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam ở các

nước; trở thành những nhà đầu tư vào Việt Nam; bảo vệ Việt Nam trước âm mưu và hành động

chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Định hướng phát triển sức mạnh mềm: Đến năm 2030, nếu xét về mức độ ảnh hưởng tới quan

niệm của các đối tác, thì trong bốn nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam, chính sách đối ngoại và

cách hành xử trong đối ngoại có ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất; tiếp đến là mô thức, thành

tựu phát triển, văn hóa và lịch sử. Tất cả nguồn sức mạnh mềm này cần được phát triển và biến

chúng trở thành sức mạnh đối ngoại Việt Nam. Để hiện thực hóa được điều đó, chúng ta cần

nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Một là, quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại đối với các đối tác cần tiếp tục

tăng cường tính minh bạch, nhất quán ở cả ba tầng nấc: cá nhân, tổ chức và quốc gia; nghiêm

chỉnh, tuân thủ các cam kết quốc tế, nỗ lực củng cố và tăng cường lòng tin với các đối tác; từng

bước gia tăng mức độ chia sẻ với hệ giá trị tiến bộ của nhân loại, trước hết là thượng tôn luật

pháp quốc tế, từng bước xác lập vị thế trong nhóm các nước đi đầu về thúc đẩy những xu hướng

tiến bộ của nhân loại; đẩy mạnh thực hiện định hướng “đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có

trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” thông qua chủ động, tích cực đóng góp các nguồn lực, kể cả

tài lực, vật lực và nhân lực, vào quá trình giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng khu vực

và quốc tế.

Hai là, mô thức phát triển cần tiếp tục được thiết kế và thúc đẩy theo các tiêu chí chung của nhân

loại (tương tự các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030), vì hạnh phúc của người dân và

lấy người dân làm trung tâm; đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện các thể chế phát triển,

tiếp thu kinh nghiệm thành công trên thế giới, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; cùng với phát

triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người và quan tâm thích đáng đến

bảo vệ môi trường. Nếu Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có cam

kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thì sức hấp dẫn của Việt Nam đối với quốc tế sẽ gia

tăng gấp nhiều lần, các nhà hoạch định chính sách của các nước sẽ có thêm ấn tượng tốt về Việt

Nam, nhiều khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến với Việt Nam.

Ba là, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Để phát triển

sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, nguồn lực văn hóa cần được phát huy trong tất cả các

khâu, từ bảo tồn, phát triển đến quảng bá ra thế giới. Đồng thời, để gia tăng sức hấp dẫn đối với

cộng đồng quốc tế, văn hóa cần có tính đặc sắc và chiến lược để bạn bè quốc tế hiểu và muốn

“thưởng thức” tính đặc sắc đó. Do vậy, bên cạnh việc bảo tồn, phát triển văn hóa, cần tận dụng

các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu

rộng, toàn diện của Việt Nam, để nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, cần nêu cao ý thức của mỗi người dân Việt Nam trong việc gìn giữ những nét đẹp văn

hóa của dân tộc.

Bốn là, tăng cường quảng bá về truyền thống lịch sử Việt Nam đến gần hơn với thế giới; biên

soạn lịch sử Việt Nam phù hợp với từng nhóm độc giả mục tiêu, trước hết là giới lãnh đạo và

tham mưu chính sách; tiếp đó là, thanh niên, sinh viên và nhân dân các nước, những người quan

tâm tới Việt Nam; cách viết và hình thức truyền tải cần phù hợp với từng đối tượng. Xây dựng hệ

giá trị chuẩn mực, những hình tượng đẹp, nhân cách điển hình của con người Việt Nam, nhất là

trong bối cảnh chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Mỗi người

dân Việt Nam phải là một “sứ giả” truyền bá văn hóa, lịch sử, sự chân thành, thân tình, lòng mến

khách của dân tộc Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, chia sẻ

hơn với Việt Nam.

Năm là, lồng ghép các nội dung về xây dựng và phát huy sức mạnh mềm Việt Nam vào chiến

lược, kế hoạch xây dựng con người, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là

cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp đó là cá nhân, tổ chức, cộng đồng có các

hoạt động liên quan đến người nước ngoài, yếu tố nước ngoài, trên cả ba không gian: trong nước,

ngoài nước và trên mạng. Huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần tham gia, sự chung tay của

cả cộng đồng trong việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh Việt Nam. Vai trò chủ lực của các cơ

quan, ban, bộ, ngành, sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, sự kết nối của vai trò mạng lưới

lãnh sự Việt Nam tại hàng trăm quốc gia trên thế giới cũng như mạng lưới du học sinh..., tạo

thành sức mạnh tổng hợp để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần với thế giới và đưa thế giới đến gần

với Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tham gia, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

sẽ “góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, thu hút nguồn

lực chất lượng cao ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét