Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

NHÂN VỤ CHU VINH

Tôi bình thản, không quan tâm đến sự vụ Chu Vinh Olympia cho đến tận khi tôi tranh luận với một người thân của mình xoay quanh vụ việc ấy, và sau đó đọc được vài ý kiến trái chiều, cực đoan có, trung dung có, về Chu Vinh.

Và tôi có vài quan điểm riêng thế này về những khái niệm xoay quanh sự việc này”

1. “Thằng bé” hay “đứa trẻ” là hai khái niệm mà tôi muốn nói đầu tiên. Đúng, 16 tuổi là còn quá trẻ, còn quá non nớt và chúng ta có thể gọi một thiếu niên 16 tuổi là “thằng bé” hay “đứa trẻ” trong tương quan so sánh với tuổi tác của mình. Song, trước xã hội, chúng ta cần sòng phẳng. 16 tuổi là một công dân đã bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự, đã có thời gian ăn học đủ để biết thận trọng dần trong phát ngôn. 16 tuổi có tài khoản ngân hàng, có thẻ ngân hàng, có tài khoản mạng xã hội và thậm chí có khả năng kiếm rất nhiều tiền từ mạng xã hội thì cũng nên có trách nhiệm đủ đầy của một công dân sống trong một quốc gia, xã hội.

Cách đây 2 năm, một cậu trai 16 tuổi giết người ở miền Tây để cướp của. Nguyên nhân cũng chỉ vì nghiện game. Và cách đây gần 15 năm, một cậu 18 tuổi giết gần như cả nhà người ta để cướp. Khi ấy, tuyệt không một ai gọi chúng là “thằng bé” hay “đứa trẻ” cả. Chúng ta dễ thay đổi khái niệm vì tính tác động của hậu quả hành vi quá.

2. Có một khái niệm khác mà tôi muốn nói đến, đó là quyền và nghĩa vụ.

Đúng là quyền bày tỏ, quyền tư duy độc lập cần được tôn trọng. Một công dân 16 tuổi hoàn toàn có quyền như thế và thậm chí, chúng ta nên khuyến khích người trẻ biểu đạt quan điểm của họ. Hiểu được người trẻ chỉ có lợi cho chúng ta hơn mà thôi. Song, như chủ bài đăng TMT nói thì lại là đánh tráo khái niệm. Việc “không tin vào một tổ chức” là lựa chọn riêng, quan điểm riêng của mỗi người. Không một Đảng phái nào ép người khác phải tin vào họ cả mà Đảng phái chỉ cố gắng thu phục lòng tin từ quần chúng mà thôi. Quần chúng có tin hay không là do năng lực của các Đảng viên, do lựa chọn riêng của quần chúng. Song việc không tin tưởng khác hoàn toàn với chuyện quy chụp một tổ chức là “thế lực xấu xa”, là “lừa đảo”. Phát ngôn này lại đến từ một học sinh lớp chuyên, lớp chọn chuyên về ngôn ngữ thì cần xem lại về giảng dạy ngữ văn rồi. Đáng báo động đấy.

3. Đấu tố là một khái niệm nữa mà tôi muốn nhắc đến. Nhiều người nói đại ý “tại sao lại vùi dập một đứa trẻ?” (vâng, lại đứa trẻ). Hãy nhìn sự việc thế này. Gần quốc khánh, xu hướng mạng xã hội cũng liên quan đến quốc khánh rất đậm nét. Chu Vinh lựa chọn đúng dịp quốc khánh để “phát tiết” là có sự chủ ý. Khi Chu Vinh chủ ý chọn mạng xã hội và lại chọn đúng thời điểm xu hướng quan tâm cao để biểu đạt, chắc chắn sẽ có ồn ào. Bạn chấp nhận chọn con đường ồn ào, bạn không thể trách tại sao báo chí truyền thông vào cuộc được. Và chúng ta, cũng không thể chụp mũ ồn ào đó là “đấu tố” được. Muốn người khác tôn trọng quyền biểu đạt của Chu Vinh, ta cũng nên tôn trọng quyền biểu đạt của những người nghĩ khác Chu Vinh chứ tại sao lại vu vạ họ là đấu tố? Như vậy là không sòng phẳng rồi.

Còn về phần xử lý của cơ quan chức năng, đó là việc họ phải làm. Nếu không làm, họ sẽ phải chịu trách nhiệm với bộ máy. Và họ chỉ nhắc nhở thôi là đã nhân văn rồi. Chứ họ xử lý khác đi, nặng lên bằng cách đánh giá tình tiết, coi như Chu Vinh mất hết tương lai. Nhìn vào hướng ấy thì không nhìn, đi mỉa mai cơ quan A, cơ quan B vào cuộc là thực sự thiếu hiểu biết.

4. Vụ của Chu Vinh cho thấy thêm một điểm rất nổi trội ở thời đại mạng xã hội này. Không có hiểu biết đủ đầy về chính trị mà bàn về chính trị là ngu dốt. Và nhiều người trong chúng ta (kể cả già rồi), vẫn sa lầy vào cái ngu dốt này. Các cụ đã dạy, không biết thì dựa cột mà nghe. Chưa lắng nghe, chưa tìm hiểu mà đã bi bô thì phải tự chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình.

Và khái niệm trách nhiệm cũng cần phải được nói tới. Dám nói, dám làm thì dám phải chịu trách nhiệm. Đừng nói là một công dân đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp luật mà chỉ cần một đứa trẻ thôi cũng cần được dạy bảo điều đó. Bênh vực, thương xót khi mà chúng cần tự chịu trách nhiệm chỉ khiến chúng ta không vô can trong việc tạo ra những thế hệ vô trách nhiệm mà thôi.

Ngoài ra, những người lớn tuổi hơn, nếu có quan điểm riêng, niềm tin riêng thì tự biểu đạt, tự chịu trách nhiệm trước đi đã. Đừng mượn chuyện của một người 16 tuổi để đánh đu quan điểm của mình vào đó và cổ xuý nó. Như thế là hại nó đấy ạ. Đời nó còn dài, còn cả tương lai phía trước, để nó tự chiêm nghiệm, tự trải qua đi, đừng “trải chiếu” thay để làm sang cho mình./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét