Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG, LÔI KÉO

Trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, thanh niên luôn là lực lượng đi đầu, chủ yếu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tuổi trẻ có nhiều điều kiện, cơ hội để phát huy năng lực, vươn lên khẳng định mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện mới cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những thách thức, nhất là những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, những tiêu cực xã hội đa chiều, phức tạp. Trong đó, tầng lớp sinh viên, với lợi thế vừa là thế hệ trẻ năng động, nhiệt huyết, vừa là tầng lớp trí thức, là trụ cột tương lai của xã hội, thì các thế lực thù địch cũng đặc biệt tập trung lôi kéo, kích động để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền.

Các thế lực thù địch lợi dụng những đặc điểm của tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình, nhưng nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn chưa đủ độ chín nên chúng tìm mọi cách tuyên truyền, kích động, mua chuộc, tha hóa nhằm băng hoại lực lượng dự bị hùng hậu này của cách mạng. Căn bệnh “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “chán chính trị” (cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc đến 3 cụm từ này trong bài phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI năm 2017) đang là hiện trạng có thật của một số ít người trẻ. Sự bồng bột, dễ dao động, dễ bị lôi kéo, khao khát, nóng vội chứng tỏ bản thân và ảnh hưởng của lối sống thực dụng dẫn đến một bộ phận giới trẻ coi trọng lối sống vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giao tiếp của con người. Đây chính là thời cơ để các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ truyền thông và mạng xã hội để tác động lên tâm lý hòng lôi kéo thế hệ trẻ.

Các tổ chức phản động đã sử dụng mạng Internet để tuyên truyền, lôi kéo, kích động tầng lớp thanh niên nhằm tập hợp lực lượng, tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để tiến đến mục đích cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tiêu biểu là một số thủ đoạn sau:

Một là, thông qua Internet thành lập các hội nhóm “xã hội dân sự” để tác động, lôi kéo tầng lớp sinh viên. Xã hội dân sự ở đây được hiểu là các tổ chức xã hội do quần chúng nhân dân lập ra hoạt động vì quyền lợi và mục đích chính đáng của nhân dân thông qua lực lượng phản biện xã hội góp phần cho nhà nước hoàn thiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lực lượng phản biện xã hội này bao gồm các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau họ có cách nhìn khách quan và đúng đắn về xã hội. Lợi dụng vấn đề này, các tổ chức phản động đã thành lập các hội nhóm “Xã hội dân sự” biến tướng trên mạng Internet để tuyên truyền, tác động, lôi kéo tầng lớp sinh viên.

Vốn là tầng lớp nhạy cảm về vấn đề chính trị và thường xuyên tiếp cận với mạng Internet, các thế lực thù địch tăng cường tiến hành các hoạt động lôi kéo, móc nối với tầng lớp sinh viên tạo thành một lực lượng đối lập trong nước, coi đây là lực lượng nòng cốt để tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” và lật đổ chính quyền khi có thời cơ. Hai là, thiết lập các trang thông tin, diễn đàn liên quan để thu hút sinh viên tham gia. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các Website giờ đây không chỉ là những trang văn bản đơn giản mà có thể chuyển tải thông tin một cách đa dạng kết hợp văn bản, âm thanh, hình ảnh cho đến video. Thực tế, các đối tượng phản động đã thành lập rất nhiều các trang Web có nội dung chống phá nhà nước ta như: www.t*yeunuoc.com, www.y*n.net, www.*gluan.org, www.tal*s.org, www.vi*an.org, v/v hoặc các trang, hội nhóm Facebook với hình thức trình bày sinh động, hấp dẫn, các website đã thu hút được một lượng lớn người sử dụng internet truy cập hàng ngày. Lợi dụng tâm lý tò mò hiếu kỳ của tầng lớp sinh viên, các thế lực thù địch lập những trang thông tin, diễn đàn bàn luận những vấn đề trong xã hội như vấn đề chủ quyền biển đảo, dự thảo pháp luật, phong trào tự do, dân chủ hoặc các chủ đề về văn hóa, lịch sử để thu hút sinh viên tham gia.

Khi đã thu hút đông đảo thành viên, diễn đàn dần đưa ra những luận điệu xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước với vỏ bọc “đa chiều”, “khách quan”; đồng thời, tổ chức thăm dò ý kiến của tầng lớp sinh viên từ đó tuyên truyền, lôi kéo các sinh viên có sự dao động lệch lạc về tư tưởng, chính trị.

Ba là, lợi dụng các khóa học “kỹ năng xã hội”, “tư duy phản biện” để tuyên truyền tư tưởng phản động, huấn luyện kỹ năng kích động, lãnh đạo biểu tình, bạo loạn chống phá chính quyền. Thời gian qua, với ý đồ chấm chọn, lôi kéo phát triển, củng cố lực lượng trong nước, số đối tượng cầm đầu, cốt cán của Việt Tân đã tách ra, điều hành các tổ chức ngoại vi, núp bóng dưới danh nghĩa của các tổ chức phi chính phủ (NGO), độc lập với “Việt Tân”; sử dụng vỏ bọc là các vấn đề “Xã hội dân sự”, “Dân sinh”, “Dân quyền” để lôi kéo, tập hợp người tham gia. Sau khi VOICE bị cộng đồng người Việt ở nước ngoài lên án thì ngay lập tức một tổ chức mới ra đời là “RISE”. Núp bóng dưới danh nghĩa trợ cấp học bổng, hứa hẹn tài trợ kinh phí nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm, đối tượng mà các tổ chức ngoại vi của Việt Tân gồm VOICE và RISE nhằm vào là sinh viên, thanh niên, nhân sĩ, trí thức, chức sắc cực đoan trong các tôn giáo, thành phần cơ hội chính trị, đối tượng chống đối trong nước có tuổi đời dưới 30 tuổi, biết ngoại ngữ. Song thực chất đây lại là những khóa đào tạo, huấn luyện về “xã hội dân sự” nhằm xây dựng thành “hạt nhân” phục vụ mưu đồ chống phá lâu dài của các đối tượng.

Bốn là. Lợi dụng các trang thông tin, diễn đàn để kích động, lôi kéo sinh viên biểu tình, gây rối an ninh, trật tự. Lợi dụng đặc điểm tâm lý của bộ phận sinh viên, khi nhận thấy đủ lực lượng ủng hộ, các thế lực thù địch tiến hành hoạt động tập hợp, móc nối sinh viên tham gia biểu tình.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành địa phương trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động biểu tình, gây rối trật tự công cộng mà các vụ biểu tình, gây rối trật tự công cộng do sinh viên Việt Nam dẫn dắt chưa diễn ra với quy mô đáng kể. Tuy nhiên trong một số vụ bạo loạn, gây rối trật tự công cộng lớn như vụ biểu tình, đập phá các doanh nghiệp, xí nghiệp phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vụ biểu tình, bạo loạn chống Luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng năm 2018, vẫn có sự tham gia của tầng lớp sinh viên. Tóm lại, dưới chiêu bài cập nhật thông tin, giáo dục kỹ năng các thế lực thù địch, phản động vẫn đang hàng ngày, hàng giờ kêu gọi quần chúng nhân dân tham gia các tổ chức của chúng. Đặc biệt, chúng chú ý đến lực lượng sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, lôi kéo thanh niên vào các hoạt động biểu tình, chống Đảng, chống Nhà nước. Tuy nhiên, với tình yêu nước lớn lao, khát vọng, hoài bão ngày ngày vẫn đang mê say rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi đắp kiến thức, trình độ để góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, tin rằng, thế hệ trẻ Việt Nam, điển hình là bộ phận thanh niên sẽ luôn đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động./.

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét