Bản làng no ấm

Ngôi nhà của gia đình anh Hồ Văn No, sinh năm 1988 ở cạnh bìa rừng cao su xanh ngắt trong khu quy hoạch "Khu dân cư kiểu mẫu" thuộc Đội sản xuất số 2, Đoàn KT-QP 79 quản lý. Trong ngôi nhà nghĩa tình quân dân này, anh No chia sẻ câu chuyện thoát nghèo... Tháng 8-2012, Hồ Văn No được Đoàn KT-QP 79 tuyển dụng làm công nhân và biên chế về Đội sản xuất số 2. Vốn quen với rừng núi, suối khe, nay phải chịu sự quản lý về thời gian làm việc, cách giao tiếp, mang mặc khiến chàng trai người Bru-Vân Kiều cảm thấy không tự do, thoải mái như trước. Dần rồi cũng quen, môi trường làm việc với nhiều trải nghiệm thú vị đã làm Hồ Văn No yêu thích, gắn bó với công việc trồng, chăm sóc cao su mà đơn vị đang triển khai thực hiện.

Năm 2014, Hồ Văn No kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1989). Hiện, gia đình anh đang được giao khoán chăm sóc, khai thác 7ha cao su; ngoài ra, anh còn trồng thêm 1,5ha sắn, hơn 3ha keo, tràm, nuôi thêm bò, lợn, gà, vịt mang lại thu nhập trung bình hơn 120 triệu đồng/năm. Năm 2022, được sự hỗ trợ của đơn vị, anh Hồ Văn No cùng vợ xây mới ngôi nhà kiên cố với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. "Nếu không có "bộ đội 79", có lẽ giờ này tôi còn lần tìm kiếm ăn qua ngày trong rừng sâu, khe suối. Đoàn KT-QP 79 cho gia đình tôi sinh kế bền vững, thu nhập ổn định, các con được đến trường ăn học miễn phí. Cuộc sống hơn cả trong mơ đối với một người Bru-Vân Kiều như tôi", Hồ Văn No xúc động chia sẻ.

Theo chân cán bộ Đoàn KT-QP 79 vào cụm Còi, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (khu vực sinh sống của 12 hộ đồng bào BRu-Vân Kiều), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự "thay da đổi thịt" của bản làng nằm giữa thung lũng đá vôi. Nếu như trước đây, cụm Còi được xem là nơi heo hút, khá biệt lập bởi giao thông cách trở, đường nhỏ, dốc, nhiều khe suối thì nay đường bê tông đã vào từng hộ gia đình. Để có được cụm Còi khang trang, khởi sắc là thành quả của sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị LLVT trong đó có Đoàn KT-QP 79.

Với quyết tâm đưa cụm Còi kết nối với khu vực trung tâm xã, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào, Đoàn KT-QP 79 đã đầu tư kinh phí hơn 12 tỷ đồng, huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 2km; xây dựng 3 cầu, cống dân sinh; 1 hồ thủy lợi tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Già làng Hồ Thăm, 86 tuổi cho biết: "Có đường mới bà con đi lại thuận tiện hơn, trẻ nhỏ được đến trường không phải nghỉ học những ngày mưa lớn; bản làng nhờ thế thêm bình yên, no ấm. Thay mặt bà con cụm Còi, tôi gửi lời cảm ơn chân thành cùng tình cảm yêu mến đến "bộ đội 79" và các đơn vị".  

Được biết, Đoàn KT-QP 79 được thành lập ngày 15-10-2005 tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đến tháng 8-2009, theo yêu cầu nhiệm vụ, Đoàn KT-QP 79 chuyển vị trí đóng quân ra xã Ngân Thủy thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP Nam Quảng Bình. Từ vùng đất Tây Nguyên xa xôi, những người lính Đoàn KT-QP 79 hành quân ra khu vực biên giới Tây Nam huyện Lệ Thủy với quyết tâm cùng địa phương, các đơn vị củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống ở địa bàn chiến lược. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trải dài ở 3 xã: Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy, giao thông cách trở, đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, văn hóa, phong tục tập quán địa phương, hạn chế trong giao tiếp với người đồng bào... là những thử thách, áp lực với cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “Kiên định mục tiêu, vượt mọi gian khó, gắn bó với nhân dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng” của đơn vị, Đoàn KT-QP 79 nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, xây dựng doanh trại, ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt để bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.

Trung tá Hoàng Văn Việt, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 79 cho biết, hằng năm, đơn vị thực hiện song song hai nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng các công trình lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển dự án trồng, chăm sóc, khai thác cao su theo kế hoạch đã được cấp trên phê duyệt. Đến nay, đơn vị đã trồng được gần 1.200ha cao su, trong đó có hơn 950ha cao su đã đưa vào khai thác, tạo việc làm ổn định cho 240 lao động, trong đó có 76 lao động người Bru-Vân Kiều với mức thu nhập trung bình hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng...

Ưu tiên lao động người dân tộc thiểu số

Hàng loạt dự án, công trình hạ tầng, dân sinh đậm dấu ấn, nghĩa tình quân dân do Đoàn KT-QP 79 đã và đang triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực đối với nhân dân trong vùng dự án. Để xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, Đoàn KT-QP 79 đặc biệt chú trọng quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao dân trí, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa... Đến nay, đơn vị đã đầu tư xây dựng 7 nhà trẻ với tổng diện tích 1.326m2; lắp đặt nhiều thiết bị, đồ dùng học tập cho các điểm trường; xây dựng 1 bệnh xá quân dân y với tổng diện tích 604m2...

Đặc biệt, Đoàn KT-QP 79 đã nhân rộng mô hình "Gắn kết hộ" với 46 cặp hộ gia đình là công nhân người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, hộ người Kinh giúp hộ dân tộc thiểu số trong thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; hộ đồng bào dân tộc thiểu số giúp hộ người Kinh hiểu thêm về văn hóa bản địa, phong tục tập quán, ngôn ngữ đồng bào... "Đây là mô hình sáng tạo của Binh Đoàn 15 được đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả thời gian qua. Thông qua mô hình, các gia đình coi nhau như anh em ruột thịt, không phân biệt dân tộc, điều kiện kinh tế, cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần, qua đó tạo sự gắn bó mật thiết giữa các dân tộc để hướng tới cuộc sống hạnh phúc, ấm no", Trung tá Trần Văn Hưng, Chính ủy Đoàn KT-QP 79 cho biết.

Để hỗ trợ Đoàn KT-QP 79, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND huyện Lệ Thủy phối hợp triển khai hỗ trợ Đoàn KT-QP 79 đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển dụng, đào tạo, bố trí nơi làm việc, cơ sở vật chất, phục vụ ăn, nghỉ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo kế hoạch tuyển dụng của đơn vị. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết: Với nhiều chế độ ưu đãi như ký kết hợp đồng lao động, thu nhập ổn định, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ nơi ăn, nghỉ, chăm sóc y tế, giáo dục, thăm hỏi, tặng quà... mà con em trên địa bàn xã hiện có cuộc sống ổn định. Đảng ủy xã Ngân Thủy đã đưa nhiệm vụ phối hợp với Đoàn KT-QP 79 tuyển dụng lao động là con em địa phương vào nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội mà còn thể hiện sự đồng hành, tri ân tình cảm sâu nặng, sự giúp đỡ hiệu quả nghĩa tình mà đơn vị đã dành cho địa phương, con em đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.