Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Dư luận quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của Việt Nam"

Tổng Thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt Jean-Pierre Archambault chia sẻ, trong bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", ông tâm đắc với ba nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra cho con đường phát triển của Việt Nam là "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", "không lựa chọn chủ nghĩa tư bản" và "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Theo ông, đó là những lựa chọn đúng đắn, được quyết định từ rất sớm và được duy trì liên tục trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN, ông Jean-Pierre Archambault cho rằng, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã có một nền kinh tế ổn định, thể hiện qua các số liệu thống kê: mức tăng trưởng luôn đạt 6% đến 7%/năm trong 10 năm qua; lạm phát ở mức thấp, tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm. Năm 2010, Việt Nam đã ra khỏi nhóm những nước kém phát triển nhất để gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình (2.100 USD/người/năm)… 

Theo ông Jean-Pierre Archambault, đây là những kết quả vô cùng ấn tượng, nhất là trong bối cảnh những hậu quả của quá khứ vẫn còn đè nặng đối với một đất nước từng trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, công cuộc tái thiết đất nước đã diễn ra trong bối cảnh khắc nghiệt do lệnh bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây. Cho đến nay, sau gần 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, chất độc da cam/dioxin vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới người dân Việt Nam, với hơn bốn triệu người phải gánh chịu hậu quả. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân khác của chất độc da cam/dioxin vẫn đang tiếp diễn.

Tổng Thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt cũng cho rằng, dù đạt được những tiến bộ vượt bậc trong những điều kiện khó khăn, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn; giữ vững lập trường, quan điểm về phát triển bền vững; xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và giảm đến mức thấp nhất những tác động của biến đổi khí hậu. Thời gian tới, theo ông, Việt Nam cần chú trọng phát triển đào tạo nghề, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát huy thế mạnh về y tế.

Về hội nhập khu vực và quốc tế, ông Jean-Pierre Archambault nhấn mạnh Việt Nam đã rất thành công nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ của đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, góp phần tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Với tư cách là Tổng Thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt, ông Jean-Pierre Archambault khẳng định tuy quan hệ hai nước có những vấn đề trong lịch sử, nhưng tình đoàn kết, sự ủng hộ lẫn nhau cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước luôn được duy trì. Hiện tại, phong trào Pháp ngữ ở Việt Nam đang được khôi phục. Ông bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.


Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt.

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Người bệnh gan nào đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19?

 Ngày 10/8, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19". Tuy nhiên, áp dụng trên những người mắc bệnh gan cụ thể như thế nào là điều rất nhiều người bệnh và cả nhân viên y tế quan tâm.

Đối tượng nào được dùng thuốc Remdesivir chữa COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế?

  Các bệnh viện chỉ được sử dụng thuốc Remdesivir chữa COVID-19 sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

THIẾT LẬP “VÙNG XANH” COVID-19 TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

   Thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội, tránh việc người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Nhà nước ta, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một “vùng xanh” trên Internet theo hướng nhận diện tin giả và “vùng xanh”…

     Tin giả độc hại xâm lấn không gian mạng..

   Từ tháng 4/2021 đến nay, lợi dụng diễn biến tình hình phức tạp, khó lường của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, số đối tượng phản động, chống đối và một số cá nhân trong, ngoài nước gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng như: Tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế; bịa đặt thông tin về công dụng, hiệu quả vaccine COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc; bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch.

   Nhiều bài viết xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên Y tế, Công an, Quân đội, những người tham gia phòng chống dịch bệnh, xuyên tạc về tình hình, diễn biến người mắc bệnh, tử vong, người có nguy cơ lây nhiễm. Cùng với đó là thông tin kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, thậm chí kích động chống phá tại khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”.

   Tung tin về việc thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng, gây tâm lý hoảng loạn trong quần chúng nhân dân. Nhiều đối tượng trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng. Các tổ chức thù địch, phản động lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng bố Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều Đại Việt...

   Tin giả (fake news) được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, kể cả được đưa bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống nếu thiếu sự kiểm tra, xác minh nguồn tin. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất.

   Tin giả về COVID-19 được tán phát với nhiều mục đích, ý đồ khác nhau, theo một thống kê thì nó được liệt vào 25 chủ đề tiêu cực, trong đó có 5 loại chủ đề xâm phạm an ninh quốc gia. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xác định khoảng 100 hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, 14.000 chuyên trang Facebook, hơn 80 kênh You Tube chống phá với tần suất cao, khoảng trên 54.000 video vi phạm thường xuyên tán phát tin giả có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, xử phạt hành chính hơn 1.000 đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin chưa chính xác về dịch COVID-19.

   Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng khoảng trống thông tin, còn gọi là “vùng trắng” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề giật gân, câu khách về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, thông tin về tham nhũng, tiêu cực.

   Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các đối tượng đã thực hiện nhiều thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của người tiếp nhận, gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của nhân dân đối với Đảng, gây bất ổn xã hội. Hoạt động chống phá của các đối tượng diễn ra thường xuyên, liên tục, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội nước ta, đặc biệt là những thời điểm nhạy cảm, khó khăn của đất nước như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

     Thiết lập “vùng xanh” COVID-19

   Trên bản đồ COVID, màu xanh dường như đã trở thành một sắc màu mang tới sự lạc quan, niềm tin và hy vọng. Đó là màu xanh từ những “vùng xanh” hay còn được gọi là “vành đai xanh”- vành đai an toàn không COVID-19. Xây dựng “vùng xanh” trong cuộc chiến chống COVID-19 đang là giải pháp nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa bàn an toàn - vùng xanh. Tùy vào đặc thù cụ thể, từng địa phương đã và đang triển khai nhiều cách làm, giải pháp quyết liệt để mở rộng “vùng xanh” với phương châm củng cố, phát triển ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư. Bảo vệ “vùng xanh” ở cấp độ “tế bào” (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là “vaccine cộng đồng”, mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công.

   Tại những cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh thông điệp, phải có cách tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương liên quan hết sức chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”. Nhiều ý kiến đánh giá, mô hình “vùng xanh” cũng như việc phân vùng xanh, đỏ, vàng để có cách thức chống dịch phù hợp, là một cách tiếp cận mới so với trước, để chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhất là khi biến thể Delta có hệ số lây nhiễm R0 rất cao.

   Thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội, tránh việc người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Nhà nước ta, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một “vùng xanh” trên Internet theo hướng nhận diện tin giả và “vùng xanh” như sau:

   Thứ nhất, tăng cường các kênh thông tin chính thống đa dạng phủ sóng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) để người dân có thể nhận diện được thông tin đúng đắn và tạo sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền khác không chính thống trên không gian mạng. Từ đó tạo thói quen có sự tham khảo khi sử dụng thông tin, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.

   Thứ hai, đối với các kênh tin giả, thông qua các kênh thông tin ở “vùng xanh” để giúp người dân có thể nhận diện được các đặc điểm như: Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống.

   Ví dụ: đuôi tên miền “.org” dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục “liên hệ” hoặc “giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: Chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.

   Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh lấy trên mạng rồi chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image” và nguồn gốc, địa điểm, thời gian. Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được thêm thắt, thổi phồng, làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.

   Điều quan trọng nhất là người dân khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, mang tính kích động, gây hoang mang dư luận, có biện pháp tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu độc.  Không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng. Để nắm các thông tin chính trị, kinh tế-xã hội, tình hình dịch COVID -19, người dân cần tham khảo trang thông tin của các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ báo chính thống, có uy tín những thông tin thuộc “vùng xanh”./.

“KỊCH BẢN” ĐƯỢC BÁO TRƯỚC?

 

   Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao tình hình Afghanistan trong bối cảnh lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Phủ tổng thống trong khi Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước.

     Giấc mộng “hồi sinh”..

   Theo tờ The Washington Post, Taliban nổi lên ở Afghanistan trong thập niên 1990, nòng cốt là các tay súng từng chiến đấu chống lại lực lượng nước ngoài chiếm đóng Afghanistan. Taliban cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 cho đến 2001 trước khi bị liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu lật đổ nhằm truy quét mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda liên quan tới cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng 11-9-2001. Kể từ khi bị lật đổ, Taliban vẫn luôn nuôi giấc mộng “hồi sinh” quyền lực.

   Cơ hội thực sự với Taliban được cho là xuất hiện khi Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khởi động tiến trình rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan hồi đầu tháng 5-2021 với lý do đã đạt được các mục tiêu khi đưa quân sang Afghanistan, gồm: Làm suy yếu al-Qaeda và ngăn chặn được các cuộc tấn công tương tự thảm kịch 11-9-2001. Tờ The Guardian cho biết, chỉ vài ngày sau khi lực lượng nước ngoài bắt đầu rút quân, giao tranh ác liệt đã nhanh chóng nổ ra giữa Taliban và lực lượng chính phủ Afghanistan ở tỉnh miền Nam Helmand. Để rồi tới tháng 6, nhiều quận, huyện ở phía Bắc Afghanistan lần lượt rơi vào tay Taliban.

   Sau khi giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn và các cửa khẩu quan trọng, từ giữa tháng 7, Taliban tăng cường đà tấn công của mình, bắt đầu nhắm vào các thành phố lớn đông dân của Afghanistan. Tới đầu tháng 8, Taliban đã chiếm được một số thủ phủ cấp tỉnh đầu tiên. Mặc dù Afghanistan lúc này được đánh giá là ở “bước ngoặt nguy hiểm”, song Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tin tưởng rằng rút toàn bộ binh lính nước ngoài khỏi quốc gia Tây Nam Á sau 20 năm can dự tại đây là quyết định đúng đắn. Và chỉ trong vòng 3 tháng, các tay súng Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul.

     Nhanh hơn dự đoán

   Mặc dù những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong 24 giờ qua vốn là “kịch bản” đã được dự đoán từ trước, song phải thừa nhận rằng điều nó đến sớm hơn so với tính toán, khiến Washington không khỏi ngỡ ngàng.

   Nói như vậy là bởi vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Biden vẫn cho rằng việc Taliban quay trở lại nắm quyền tại Afghanistan “không phải là tất yếu” bởi trong suốt 20 năm qua, Washington đã “cung cấp cho các đối tác Afghanistan tất cả công cụ, huấn luyện và trang thiết bị quân sự hiện đại” và Afghanistan có một quân đội trang bị tốt với 300.000 người, “không thua kém bất cứ quân đội nào trên thế giới” để chống lại 75.000 tay súng Taliban”. Ngay cả tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng tuyên bố việc Taliban có thể nghiễm nhiên giành quyền kiểm soát về mặt quân sự hay không “vẫn chưa có gì là chắc chắn”. Cách đây vài ngày, giới tình báo Mỹ nhận định lực lượng Taliban có thể bao vây và chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 1-3 tháng tới. Thậm chí, tới ngày 13-8, Lầu Năm Góc vẫn tuyên bố thủ đô Kabul “không sớm bị đe dọa”.

   Thế nhưng, theo CNN, tới ngày 15-8, giới chức Mỹ buộc phải thừa nhận rằng họ đã tính toán sai lầm. “Mọi chuyện đến nhanh hơn so với dự đoán của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trên truyền hình.

     Vì sao Taliban “trỗi dậy”?

   Nhìn nhận về những diễn biến tại Afghnistan hiện nay, giới phân tích cho rằng mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Trong 20 năm qua, cho dù Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD vào Afghanistan, song chuyên gia Obaidullah Baheer của Đại học Mỹ tại Afghanistan cho rằng điều này vẫn không giải quyết được các các vấn đề căn cơ về kinh tế-xã hội ở Afghanistan, từ đó tạo điều kiện để Taliban “trỗi dậy và duy trì vị thế trong nước”.

   Theo chuyên gia này, việc Washington rút quân cũng là một nguyên nhân không thể bỏ qua. “Việc rút quân vô điều kiện khiến Taliban nghĩ rằng họ đã thắng Mỹ nên có rất nhiều động lực chiến đấu với lực lượng chính phủ. Mặt khác, chính phủ Afghanistan dường như tin tưởng vào cuộc đàm phán giữa Mỹ với Taliban và chưa bao giờ sẵn sàng ứng phó với chiến dịch tấn công dữ dội đến mức như vậy”, TRT World dẫn lời chuyên gia Obaidullah Baheer.

   Trong khi đó, tờ The Washington Post lại cho rằng ngoài vấn nạn tham nhũng và năng lực hạn chế của chính quyền Kabul, sự hiện diện của Mỹ và đồng minh đã trao cho Taliban một cái cớ để “giương cờ tập hợp lực lượng chống thực dân”.

     “Lựa chọn khó khăn”

   Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi rời khỏi Afghanistan, Tổng thống Ashraf Ghani cho rằng đã phải đứng trước “một lựa chọn khó khăn” là đối mặt với Taliban muốn tiến vào Phủ tổng thống hay rời bỏ “đất nước thân yêu mà tôi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ và chăm sóc trong 20 năm qua”. Kết quả là ông quyết định rời đi để “tránh cảnh đổ máu”.

   Theo ông Ghani, Taliban “đã chiến thắng” bằng “những thanh gươm và khẩu súng”. Taliban bây giờ “có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân Afghanistan”, đồng thời “đối mặt với một thử thách lịch sử mới”, “phải chịu trách nhiệm bảo vệ cho danh dự, phồn thịnh cũng như tự trọng” của Afghanistan.

     Hồi kết?

   Trả lời kênh truyền hình Al Jazeera, Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem tuyên bố cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã kết thúc. Ông Naeem cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan, khẳng định lực lượng này “sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Theo đó, Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại.

   Trước những diễn biến tại Afghanistan, ngày 16-8, CNN cho biết nhiều nước, trong đó có Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, đã tạm thời đóng cửa Đại sứ quán và sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi quốc gia Tây Nam Á. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Taliban “thực hiện kiềm chế tối đa” ở Afghanistan nhằm “bảo vệ sinh mạng và bảo đảm các nhu cầu nhân đạo có thể được giải quyết”.

   Có thể nói điều quan trọng nhất hiện nay đối với Afghanistan là một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên liên quan trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của cộng đồng quốc tế. Tất cả đều phải nỗ lực để góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đảm bảo một môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển của khu vực và thế giới./.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

 

“Thể chế mềm” bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh phù hợp chuẩn mực đạo đức, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Chỉ cần một nội dung đăng tải, chủ tài khoản mạng xã hội, nhất là những người có tích xanh gắn kèm, có thể thu hút sự chú ý của hàng triệu người theo dõi, bày tỏ sự yêu thích, chia sẻ rộng rãi của cộng đồng mạng. Ấy là bề nổi dễ nhận thấy. Nhưng đằng sau việc thu hút, lan tỏa những gì người sử dụng mạng xã hội chuyển tải là không ít mặt trái đáng bận tâm, buộc cơ quan quản lý phải ban hành bộ quy tắc ứng xử, cũng như tăng cường các biện pháp quản lý để “mạng ảo” không gây những hậu quả xấu cho xã hội.

Thế giới quyết liệt ngăn chặn những nội dung xấu độc, gây hại...

Ngay từ khi ra đời (xuất hiện đầu tiên vào năm 1997, phát triển bùng nổ vào năm 2006 khi Facebook ra đời), các mạng xã hội đã được ví như một “quảng trường công cộng”, nơi mọi người đều có thể tự do giao lưu, chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm, chính kiến. Bởi, mạng xã hội là nền tảng trực tuyến, có thể vận hành trên tất cả các thiết bị công nghệ thông tin, như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối in-tơ-nét. Mạng xã hội cho phép người dùng tự sáng tạo, chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video clip, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực,... mà dường như không bị kiểm duyệt gì.

Nhưng cũng ngay từ khi ra đời, mạng xã hội gần như đã được định danh là “thế giới ảo”, nên những diễn biến nảy sinh trên không gian mạng từ chỗ là “vô hại”, thoải mái tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến đã là nguồn cơn gây ra không ít tác hại khôn lường, thậm chí làm biến động, đảo lộn cả một chính thể, quốc gia. Đó chính là nguyên nhân khiến nhà nước phải điều chỉnh biện pháp quản lý đối với nhà cung cấp và người dùng (cá nhân, tổ chức). Điều ấy dẫn đến việc cho đến nay, tất cả các nền tảng mạng xã hội đều có những quy định riêng về những nội dung không được phép đăng tải.

Tất nhiên, mỗi quốc gia đều có sự điều chỉnh riêng bằng pháp luật nước mình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhằm ngăn chặn những nội dung gây hại, xấu độc, kích động thù hận, xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, cộng đồng, đe dọa an ninh xã hội, an ninh quốc gia. Cuối tháng 4-2021, Nghị viện châu Âu thông qua biện pháp buộc các nền tảng truyền thông xã hội phải nhanh chóng xóa hoặc chặn quyền truy cập vào các nội dung trực tuyến mang ý nghĩa “khủng bố”. 27 nước trong Liên minh Châu Âu (EU) mới đây đã thảo luận những biện pháp cứng rắn trong việc quản lý kênh truyền thông xã hội và các phát ngôn trực tuyến tại các quốc gia trong khối, với mục tiêu định hình môi trường mạng xã hội an toàn, cởi mở, sáng tạo và đáng tin cậy.

Với cả khối EU là như vậy, từng nước thành viên cũng có những biện pháp quản lý mạng xã hội cụ thể, chi tiết hơn. Như Đức đã ban hành Bộ luật NetzDG (Luật cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội), có hiệu lực từ ngày 1-10-2017 và chính thức áp dụng từ ngày 01-8-2018. Bộ luật NetzDG có những quy định buộc các công ty truyền thông xã hội phải nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung “rõ ràng là bất hợp pháp”, như “lời nói căm thù, phỉ báng” và các “tin tức giả mạo” nếu không muốn đối mặt với khoản tiền phạt lớn. Hay như Pháp cũng đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bội nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù; chống lại việc xâm phạm đời tư; cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia... Các điều khoản cụ thể được quy định tại Luật Tự do báo chí, Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự. Các nước khu vực Nam Á, như Ấn Độ, Xri Lan-ca, Băng-la-đét,... cũng ban hành những quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng “ngôn từ thù hận” và những lời nói, hành động chia rẽ dân tộc, gây xung đột xã hội.

Trong bối cảnh chung ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, nhất là khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Thế nên, việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, những quy định “mềm” nhằm quản lý, điều chỉnh các đối tượng tham gia mạng xã hội là lẽ đương nhiên, là sự cần thiết. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động của những người dùng mạng xã hội có tích xanh gắn kèm, những người có sự ảnh hưởng lớn, thậm chí dẫn dắt cộng đồng mạng.

Tích xanh và sự ảnh hưởng

Tích xanh trên mạng xã hội, nhất là Facebook, Tiktok, Instagram,... thể hiện đẳng cấp của người chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội. Có những sự tiếp cận với nội hàm, sự diễn giải khác nhau, nhưng đều có điểm chung dễ hiểu, phổ biến rằng tích xanh chính là dấu hiệu chứng minh tài khoản đó là thật, có nhiều người theo dõi, có độ phủ sóng rộng và có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng. Nghĩa rằng, trang mạng xã hội có tích xanh thì người sở hữu nó là người nổi tiếng, được tôn trọng, ngưỡng mộ, có sức thu hút đối với công chúng. Nói ngắn gọn, đó là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Trong tiếng Anh, người có ảnh hưởng được gọi là Influencer, để chỉ những người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng, có khả năng tác động tới suy nghĩ và hành vi của một nhóm người, thậm chí đông đảo cộng đồng. Thực ra, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chính là KOL (viết tắt các từ tiếng Anh là Key Opinion Leader). KOL có thể là cá nhân hay tổ chức có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực, ngành nghề của họ, như chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, ngôi sao thể thao... Sự ảnh hưởng của họ chính là sự tác động đến cộng đồng bằng những gì được đăng tải trên trang mạng xã hội mà họ sở hữu (có thể thuê đội ngũ chuyên gia quản lý, vận hành). Dẫu mạng xã hội gần như được định danh là “thế giới ảo”, nhưng những tác động của người nổi tiếng là rất thật. Ví dụ, khi đưa ra một dòng trạng thái, đăng một bức ảnh hay video clip,... nào đó lên trang cá nhân hay Fanpage1, những thông tin chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video clip sẽ tác động đến người đọc, người xem, người nghe khiến họ tiếp nhận, phân tích, kiểm chứng, tin và làm theo. Với những chủ tài khoản mạng xã hội có tích xanh, họ gần như được mặc định rằng có uy tín, nên những gì họ đăng tải được cho là đúng đắn, chính xác, không phải bàn cãi nên công chúng dễ dàng tin theo. Nhưng không phải khi nào cũng vậy!

Trên thực tế, không ít nghệ sĩ, doanh nhân, những người có tích xanh đã vượt quá giới hạn khi sử dụng mạng xã hội và bị nhắc nhở, kỷ luật, thậm chí cách chức. Những ví dụ về việc mạng ảo gây tai họa thật đã có nhiều, thực sự là bài học đắt giá cho nhiều người, nhất là những người có ảnh hưởng trên không gian mạng. Những nội dung thông tin, ngôn ngữ, hình ảnh quá đà, lệch chuẩn khi “bóc phốt”, tố cáo, đả kích, hạ bệ, chê bai người khác đã phải dừng lại, hoặc được điều chỉnh. Phải sòng phẳng, rõ ràng là việc tố cáo những hạn chế, sai sót, vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác là điều khuyến khích, rất đáng biểu dương. Thế nhưng, công - tội phải tường minh. Không thể để xảy ra tình trạng khi đã được cộng đồng ghi nhận, cảm ơn, tung hô thì có thể “tự do” vô lối, bất chấp cả những chuẩn mực, đạo đức, luật pháp.

Không chỉ dừng lại ở Việt Nam, không ít lần một số công dân Việt Nam cũng có cách hành xử đáng lên án trên mạng xã hội đối với cá nhân, vấn đề quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Xin được nêu một ví dụ mới đây. Sau trận đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thua đội Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại vòng loại World Cup 2022 ngày 16-6-2021, rất nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam đã “phẫn nộ” hung hăng, dữ dằn “tấn công” tài khoản Facebook của trọng tài bắt chính trận đấu A-li Sa-bát (Ali Sabah Adday Al-Qaysi) người I-rắc. Báo chí nước ngoài đưa tin, người dùng mạng xã hội thế giới chê cười, lên án. Vị trọng tài A-li Sa-bát phải tạm khóa tài khoản Facebook, đồng thời cầu cứu: “Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi”. Dẫu đó chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không nổi tiếng với tích xanh, nhưng hành động bồng bột, a dua “hội chứng đám đông”, phản cảm, đáng lên án, đã làm xấu xí hình ảnh đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đang được đề cao, nể trọng; làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Không thể quá đà mà lệch chuẩn, phạm pháp

Đáng báo động là những ví dụ kể trên chỉ là mới đây, gây sự chú ý mạnh mẽ trong cộng đồng mạng và xã hội, chứ không phải là cá biệt trên không gian mạng. Tình trạng những người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những người sở hữu tích xanh tận dụng tối đa, triệt để những tính năng, tác dụng, sức lan tỏa của mạng xã hội, với đông đảo người theo dõi để đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng, dùng từ ngữ lệch chuẩn, xấu xí nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác diễn ra ngày càng nhiều, với mức độ phức tạp, tinh vi cùng sự đầu tư cầu kỳ, kỹ lưỡng cả về trang thiết bị lẫn nội dung đăng tải hay phát trực tiếp. Việc quá đà trên mạng ảo đã gây những hậu quả thật ngoài đời hết sức đáng tiếc. Đó rõ ràng là sự vi phạm pháp luật, cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Thậm chí, không chỉ là những xử lý vi phạm hành chính (dù số tiền nộp phạt không thấm vào đâu so với những gì họ kiếm được từ những thông tin xấu độc chủ đích đăng tải, phát tán) mà còn cần những biện pháp mạnh tay hơn, từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước, lẫn nhà mạng, cũng như sự lên án, tẩy chay của cộng đồng.

Ngày 28-5-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT “Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội”. Công văn nêu rõ thực trạng sự phát triển của mạng xã hội những năm gần đây, đặc biệt là hai mạng xã hội của nước ngoài là Facebook và Youtube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”, đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng. Công văn chỉ rõ: “Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng vlog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật”.

Nhưng, như trên đã nói, việc xử lý vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh. Không ít đối tượng vì thiếu hiểu biết, a dua theo trào lưu, hám lợi mù quáng vẫn tiếp tục đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép;... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, việc chấn chỉnh những hành động lệch lạc, phạm pháp, tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm là hết sức cần thiết, để tránh gây những tác động xấu tới dư luận xã hội. Bên cạnh đó, là những quy định “mềm” mang tính phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có ích.

Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT “Về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” (có hiệu lực từ ngày 17-6), với những quy định chi tiết, rõ ràng. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc gồm 3 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Bộ cũng đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: 1- Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 2- Quy tắc Lành mạnh (hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); 3- Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; và 4- Quy tắc Trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

Có thể khẳng định rằng, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất kịp thời, cần thiết, mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật, nhằm tạo lập “bộ áo giáp” để mọi người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật. Bộ Quy tắc không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt, tuy nhiên nó khuyến khích mọi người hành xử đúng trên mạng, có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia “thế giới ảo” để góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Thực tế, đã có nhiều quy định pháp luật để quản lý môi trường mạng, nhất là Luật An ninh mạng (ban hành ngày 12-6-2018, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), nhưng chỉ có biện pháp chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm minh, kịp thời, đủ sức răn đe mới có thể ngăn chặn những sai phạm, nhất là những người liên tục tái phạm. Điều ấy giúp mỗi người dân khi giao tiếp, hành động trên “mạng ảo” có thể nhận rõ trách nhiệm, quyền lợi, giới hạn của mình để thực hiện đúng, tốt những quy định mà pháp luật đề ra. Lẽ tất nhiên, một khi thực tế “đi trước”, phát sinh những điều mà pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời thì việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định “mềm” để quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển lành mạnh, bền vững là điều cần nhận diện, sớm triển khai. Có như thế, quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mỗi công dân đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định mới không quá đà dẫn đến lộng ngôn, loạn ngôn, vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục, đến sự phát triển lành mạnh của đất nước. Có như thế, những người sử dụng mạng xã hội, nhất là những người có tích xanh, mới không bị lóa mắt mà làm điều phạm pháp, mặc nhiên xúc phạm sức khỏe, danh dự, vu khống, làm nhục công dân khác, đi ngược lại các giá trị đạo đức tiến bộ, công bằng xã hội./.

Theo Tạp chí Cộng sản

MỸ-AFGHANISTAN: CUỘC CHIẾN DÀI NHẤT TRONG LỊCH SỬ NƯỚC MỸ

 

Ngày 11/9/2001, các phần tử khủng bố của al Qaeda đã bắt cóc bốn chiếc máy bay dân dụng và lái những chiếc máy bay này đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm góc và một cánh đồng ở Pennsylvania. Vụ khủng bố 11/9 đã làm gần 3.000 người chết.

Tháng 10/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố khởi động một “cuộc chiến chống khủng bố” nhắm vào al Qaeda và Osama bin Laden, kẻ được chính quyền Taliban ở Afghanistan hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn.

Ngày 2/5/2011, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc đột kích và tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Osama Bin Laden tại một ngôi làng ở Pakistan, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Cuộc chiến Afghanistan đã tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD của Mỹ. Hơn 2.400 binh sĩ Mỹ và 700 binh sĩ các nước đồng minh thiệt mạng trên chiến trường. 40.000 dân thường và 60.000 binh sĩ lực lượng an ninh Afghanistan đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Không ai biết bao nhiêu tay súng Taliban và Al Qaeda đã bị tiêu diệt. Cuộc chiến khốc liệt này đã khiến nhiều gia đình mất người thân, nhiều người mất đi đồng đội, bạn bè...

Không chỉ người dân Afghanistan, thế giới vẫn chờ đợi hòa bình được lập lại trên lãnh thổ của quốc gia Hồi giáo này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút binh sĩ nước này ra khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021. Cuộc chiến Mỹ - Afghanistan trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, trải qua hơn 20 năm và 4 đời tổng thống.

LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỜNG SẮT CÓ TÀU CONTAINER CHẠY THẲNG TỪ VIỆT NAM SANG BỈ

 

Ga Yên Viên thành phố Liege (Bỉ) sau đó chuyển đường bộ đi đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan)

Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đoàn tàu container chở hàng gồm 23 container 40 feet vận chuyển các loại hàng hóa như: dệt may, da giày, điện tử.

Tàu chạy hành trình xuất phát từ Ga liên vận quốc tế Yên Viên, vận chuyển đến Trịnh Châu (Trung Quốc) sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á – Âu để đến điểm đích.

Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn thì vận tải đường sắt đang là đối tác vận chuyển đáng tin cậy để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu.

Đường sắt có ưu thế bởi hệ thống kết nối với đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp, ít tác động đến môi trường.

Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và đối tác châu Âu đang xây dựng kế hoạch để tổ chức vận chuyển 8 chuyến tàu/tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình từ 25 - 27 ngày.

Hiện, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, châu Âu, các nước ASEAN và các nước Trung Á với dịch vụ logistics trọn gói cho các khách hàng.

Có thể thấy, việc tổ chức thành công đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ sẽ tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan…

VÌ SAO NGƯỜI TỪNG MẮC COVID-19 VẪN CẦN TIÊM VACCINE?

 

Mặc dù những người từng mắc Covid-19 có thể sản sinh ra các kháng thể chống lại virus nhưng sự xuất hiện của nhiều biến thể mới khiến ngay cả những người này cũng cần phải tiêm vaccine.

Mặc dù số ca mắc và số ca tử vong gia tăng ở các khu vực khác nhau của Mỹ nhưng nhiều người dân nước này vẫn chưa quyết định về việc sẽ đi tiêm vaccine. Một nghiên cứu từ Quỹ Gia đình Kaiser cho thấy, 46% những người tham gia khảo sát chưa tiêm vaccine nói rằng họ không hề có ý định đi tiêm vaccine vào cuối năm nay.

Một phần của tâm lý ngần ngại này xuất phát từ việc những người này lo ngại việc tiêm vaccine sẽ gây ra rủi ro về sức khỏe lớn hơn bản thân virus. Ngoài ra, số khác có lẽ cho rằng việc tiêm vaccine là hoàn toàn không cần thiết, đặc biệt với những người từng mắc Covid-19 trước đó.

Trong khi đúng là con người có thể đạt được miễn dịch tự nhiên trước các tác nhân xâm nhập như virus hoặc vi khuẩn thì các chuyên gia cho rằng, miễn dịch tự nhiên bảo vệ được ít hơn trước các biến thể mới so với vaccine. Dữ liệu mới từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, nếu một người từng mắc Covid-19 trước đó thì người này vẫn có khả năng cao sẽ tái nhiễm.

Các kháng thể tự nhiên không ngăn ngừa các biến thể mới

Một lý do quan trọng cho thấy việc đạt được miễn dịch sau khi mắc Covid-19 không hoàn hảo là sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, hiện chiếm hơn 90% số ca mắc ở Mỹ.

"Các kháng thể đạt được qua miễn dịch tự nhiên không vô hiệu hóa được các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây nhiễm hiện nay một cách hiệu quả như các kháng thể sinh ra từ việc tiêm vaccine mRNA", Scott Hensley, giáo sư về vi sinh học tại Đại học Pennsylvania nhận định với USA Today.

Một nghiên cứu ngày 30/6 công bố trên Tạp chí Science Translational Medicine cũng cho thấy, các kháng thể sinh ra từ những người được tiêm đầy đủ vaccine mRNA của Moderna có khả năng ngăn ngừa các biến thể khác cao hơn so với kháng thể sinh ra từ những người hồi phục sau khi mắc Covid-19.

Sự bảo vệ của vaccine ổn định hơn

Vaccine cũng cung cấp sự bảo vệ ổn định hơn trước dịch bệnh so với miễn dịch tự nhiên, Grant McFadden, giám đốc Trung tâm thiết kế sinh học cho Liệu pháp miễn dịch, Vaccine và Liệu pháp virus tại Đại học bang Arizona cho hay.

"Sự hồi phục sau khi mắc Covid-19 tạo ra sự miễn dịch không ổn định đối với lần nhiễm bệnh thứ hai và điều này được phản ánh qua mức độ kháng thể kháng protein gai khác nhau ở các bệnh nhân đã hồi phục", chuyên gia McFadden đánh giá với USA Today.

"Trái lại, miễn dịch đạt được qua việc tiêm vaccine đồng đều hơn nhiều, cả trong việc bảo vệ cơ thể trước dịch bệnh Covid-19 và mức độ kháng thể kháng protein gai".

Một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố hồi tháng 6 cho thấy những người có phản ứng miễn dịch yếu hơn từng mắc Covid-19 có thể có nguy cơ nhiễm các biến thể mới cao hơn.

“Các vaccine kích thích cơ thể sản sinh ra các kháng thể ở mức độ thậm chí còn cao hơn những người từng hồi phục sau khi mắc bệnh", Taylor Heald-Sargent, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho hay.

Các trường hợp tái nhiễm phổ biến hơn ở người chưa tiêm vaccine

Nghiên cứu của CDC công bố ngày 6/8 cho thấy những người chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2,34 lần so với những người đã được tiêm vaccine. Nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Respiratory Medicine cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm cao khi xem xét các trường hợp tái nhiễm Covid-19 ở những binh lính Thủy quân Lục chiến trẻ khỏe. Trong số 189 quân nhân từng mắc Covid-19 từ tháng 5 - 11/2020, nghiên cứu hồi tháng 4/2021 cho thấy 10% trong số này đã tái dương tính với virus.

Trong khi các chuyên gia y tế nhận định với USA Today rằng, một người mắc Covid-19 lần thứ hai có lẽ thường là các ca tái nhiễm tiền triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ thì không phải trường hợp nào cũng như vậy.

Một người đàn ông 25 tuổi ở Nevada được cho là ca tái nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Mỹ vào tháng 10/2020, một nghiên cứu công bố trên The Lancet Infectious Diseases cho hay. Các nhà nghiên cứu cho biết, ở lần mắc thứ hai này, bệnh nhân trên có các triệu chứng nghiêm trọng hơn cả lần đầu tiên.

Một người đàn ông 46 tuổi ở Ecuador được coi là trường hợp tái nhiễm đầu tiên ở Nam Mỹ từng phát triển kháng thể sau khi mắc Covid-19 với các triệu chứng nhẹ cũng đã trải qua tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều khi tái nhiễm virus vài tuần sau đó.

Như vậy, dựa trên các nghiên cứu, theo USA Today, việc cho rằng nếu đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19 thì không cần tiêm vaccine nữa là một nhận định sai lầm. Người hồi phục sau khi mắc Covid-19 vẫn có rủi ro tái nhiễm virus, theo dữ liệu mới từ CDC. Điều này là bởi mức độ miễn dịch từ việc từng mắc Covid-19 không tương đương với mức độ miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Các loại vaccine Covid-19 cung cấp cho những người được tiêm mức độ miễn dịch đồng đều hơn (cao hơn so với nhiều người từng mắc Covid-19) và có hiệu quả trước các biến thể mới, cũng như kích thích cơ thể tạo ra nhiều kháng thể hơn so với miễn dịch tự nhiên./.

VOV

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ KINH TẾ SỐ: TĂNG TRƯỞNG CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ

 

Khi tình trạng phong tỏa trở thành một trạng thái bình thường mới ở nhiều nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng cung cấp và mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến.

Nhiều năm sau, thế giới có thể sẽ nhìn lại năm 2020 như một thời khắc làm thay đổi mọi thứ. Không có một ngành nào ghi nhận sự tăng trưởng chưa từng có tiền lệ và cũng nằm ngoài mọi dự đoán như lĩnh vực kỹ thuật số và thương mại điện tử, với sự bùng nổ giữa cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

Khi tình trạng phong tỏa trở thành một trạng thái bình thường mới ở nhiều nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng cung cấp và mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến, từ đó nâng tỷ trọng của thương mại điện tử trong giá trị thương mại bán lẻ toàn cầu từ 14% năm 2019 lên khoảng 17% năm 2020.

Người thắng, kẻ thua

Báo cáo đánh giá sự phát triển của thương mại điện tử trên toàn cầu trong đại dịch COVID-19 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy nhiều khu vực đã ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử, trong đó người tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi đã tạo nên sự dịch chuyển lớn nhất sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Nền tảng thương mại điện tử Mercado Libre của khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận doanh số hằng ngày tăng gấp đôi trong quý II.2020 so với cùng kỳ năm 2019. Còn nền tảng Jumia của châu Phi thông báo mức tăng 50% trong khối lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2020.

Tỷ trọng của thương mại điện tử trong danh số bán lẻ của Trung Quốc tăng từ 19,4% lên 24,6% trong giai đoạn từ tháng 8.2019 đến tháng 8.2020.

Còn ở Kazakhstan, tỷ trọng này đã tăng từ 5% năm 2019 lên 9,4% năm 2020. Thái Lan còn ghi nhận số lượt tải các ứng dụng mua sắm tăng đến 60% chỉ trong một tuần trong tháng 3/2020.

Theo UNCTAD, xu hướng chuyển dịch sang thương mại điện tử trong năm 2020 có thể sẽ kéo dài trong cả thời kỳ phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, tại nhiều nước kém phát triển nhất thế giới, người tiêu dùng và doanh nghiệp lại không tận dụng được những cơ hội thương mại điện tử trong thời đại dịch do những rào cản cố hữu, trong đó bao gồm các dịch vụ băng thông rộng đắt đỏ, sự phụ thuộc quá mức vào tiền mặt, thiếu niềm tin của người tiêu dùng, người dân thiếu kỹ năng về các thao tác với mạng Internet và chính phủ không chú trọng nhiều vào thương mại điện tử.

UNCTAD cho rằng một trong những thách thức là đại dịch đã đem lại lợi ích chủ yếu cho các nền tảng kỹ thuật số hàng đầu.

Nhiều giải pháp đang được sử dụng cho thương mại điện tử, làm việc từ xa và điện toán đám mây do một số lượng khá nhỏ các công ty lớn cung cấp, chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ.

Các “ông lớn” này đã lấn át sự hiện diện của các công ty nhỏ hơn trên thị trường, qua đó càng củng cố vị thế thống trị của họ trong thời kỳ đại dịch.

Ông Torbjörn Fredriksson, Giám đốc phụ trách mảng kinh tế số của UNCTAD, nhận định sự chênh lệch lớn về kỹ thuật số đang tồn tại giữa các nước và trong mỗi nước có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn sau đại dịch.

Hệ quả là sự bất bình đẳng sâu sắc hơn sẽ đe dọa những tiến triển hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Sự chung tay của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế

Phần lớn chính phủ các nước ưu tiên những phản ứng ngắn hạn với đại dịch, nhưng nhiều nước cũng đã bắt đầu giải quyết những yêu cầu dài hạn về mặt chiến lược để có thể phục hồi.

Chính phủ nhiều nước đang phát triển đã vào cuộc để bảo vệ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và thu nhập của người dân.

Tại Mỹ Latinh và Caribe, Chính phủ Costa Rica đã ra mắt một nền tảng dành cho các doanh nghiệp không hoạt động trực tuyến, và một ứng dụng trên điện thoại thông minh và dịch vụ nhắn tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các nhà sản xuất nông sản.

Còn tại châu Phi, Senegal đã thực hiện một chiến dịch thông tin, giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi đối tượng người dân về những lợi ích của thương mại điện tử.

Trong khi đó, tại châu Á, Indonesia đã khởi động một chương trình xây dựng năng lực nhằm xúc tiến quá trình số hóa và chuyển đổi số ở các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Không chỉ chính phủ mà các doanh nghiệp cũng phải tự tìm cách chuyển đổi số và hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong thời đại lên ngôi của thương mại điệm tử.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà, tập đoàn phân phối Carrefour tại Bỉ đang tiếp cận những nhân tố mới trong lĩnh vực giao hàng siêu nhanh là Gorillas và DingDong.

Bên cạnh đó, Carrefour cũng đang dựa vào dịch vụ ShipTo (xe đạp giao hàng tại nhà trong 90 phút) và quan hệ đối tác với Deliveroo và Uber Eats.

Theo báo cáo của UNCTAD, xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho thương mại điện tử đòi hỏi những thay đổi trong chính sách công và các biện pháp của doanh nghiệp nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại và kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức thanh toán số và xây dựng các khung quy định và pháp lý phù hợp cho các giao dịch trực tuyến và đảm bảo an ninh mạng.

Sau đó, để đón nhận những giá trị từ thương mại kỹ thuật số, các doanh nghiệp nhỏ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Các nước cũng cần có năng lực thu nhập và khai thác thông tin tốt hơn, và khung quy định mạnh mẽ hơn cho việc tạo ra và đón nhận giá trị trong nền kinh tế số.

Cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần tìm những cách thức mới táo bạo hơn để hợp tác với chính phủ các nước và khu vực tư nhân để nắm bắt những cơ hội này.

Sáng kiến eTrade for all của UNCTAD, hiện đang được tài trợ bởi Hà Lan, Đức và Estonia, là một nền tảng quốc tế để tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các nước.

Trong 4 năm qua, sáng kiến này hoạt động như một kênh hỗ trợ toàn cầu cho các nước đang phát triển nhằm san bằng sự chênh lệch về nguồn lực và thông tin về thương mại điện tử, cũng như xúc tiến quan hệ hợp tác giữa các đối tác.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hơn 30 đối tác của eTrade đã hợp tác với nhau để nâng cao nhận thức về các cơ hội thương mại điện tử và những nguy cơ nảy sinh trong cuộc khủng hoảng này.

Theo TTXVN

TÌM VIỆC TRÊN MẠNG TRONG MÙA DỊCH, NHIỀU LAO ĐỘNG MẤT TIỀN OAN

 

"Tôi đã mất 2 triệu đồng để đổi lấy bài học cho sự nhẹ dạ, cả tin khi lên mạng tìm việc làm thêm tại nhà trong mùa dịch Covid-19...", chị Thu Lan chia sẻ.

Chiêu lừa hay sự đánh đố?

Mong muốn có việc làm tạo thu nhập trong mùa dịch, chị Nguyễn Phương T. (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) lên mạng xã hội và tìm thấy yêu cầu tuyển dụng công việc đánh giá sản phẩm.

Nhận thấy công việc hấp dẫn từ trang mạng uy tín, chị Nguyễn Phương T. nhanh chóng đăng ký làm thành viên.

Theo hướng dẫn của trang mạng, muốn làm công việc đánh giá sản phẩm, chị phải vào một website khác để đăng ký khóa học. Số tiền đăng ký là 495.000 đồng. Sau khi chuyển khoản, chị bắt đầu tiếp cận công việc.

Tìm việc trên mạng trong mùa dịch, nhiều lao động mất tiền oan - 1Nhấn để phóng to ảnh

Một nội dung đăng tuyển người viết đánh giá sản phẩm trên mạng.

"Công việc đơn giản với mức lương từ 5.000- 20.000 đồng/bài. Họ cho sẵn sườn bài, chỉ cần copy dán là được, không cần suy nghĩ gì nhiều. Tôi không nhất thiết phải dùng qua sản phẩm mới viết đánh giá được, cứ viết tốt hết là được", Nguyễn Phương T. cho biết.

Bên cạnh đó, các thành viên sẽ được thưởng 250.000 đồng nếu mời được thêm người tham gia.

Tuy nhiên sau nửa tháng miệt mài đánh giá, chị chỉ nhận về 50.000 đồng do các đánh giá không được duyệt.

"Họ chỉ duyệt một vài đánh giá còn lại là từ chối hết với câu trả lời chung chung. Công việc này thực chất chỉ là hình thức, mục đích của người thuê viết là bán khóa học", chị Nguyễn Phương T. nhận định về sự mập mờ này.

Như vậy, với số vốn đầu tư 495.000 đồng, sau nửa tháng, chị chỉ nhận về số tiền 50.000 đồng. Điều này trái ngược với những quảng cáo lúc đầu "dễ dàng kiếm 250.000 -1 triệu đồng/ngày, thu nhập không giới hạn, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu" mà các đối tượng lúc ban đầu đưa ra.

Một câu chuyện khác về nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo việc làm trên mạng, chị Dương Thị Thu L. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa mất 2 triệu đồng.

Ngày 8/8, chị nhận công việc gia công cắt mác quần áo tại nhà. Theo yêu cầu, chị đã nhanh chóng chuyển khoản trước số tiền 500.000 đồng để đặt cọc nhận hàng.

"Theo thỏa thuận, nếu cắt xong 10 cuộn tem mác, bên xưởng sẽ trả cho tôi 6 triệu đồng tiền công. Thấy công việc nhẹ nhàng đúng lúc đang rảnh, tôi chuyển tiền mà không nghĩ ngợi gì", chị Dương thị Thu L. bộc bạch.

Hôm sau, bên kia lại yêu cầu chị Lan phải chuyển thêm 1,5 triệu đồng để đóng "bảo hiểm hàng hóa". Khi nào xuất hóa đơn giao hàng sẽ được trả lại. Chị tin tưởng, tiếp tục chuyển khoản lần 2.

Hai lần chị Dương Thị Thu L. chuyển tiền cho đối tượng trên mạng.

Sau đó, có một người gọi điện báo đã xuất hàng và đang trên đường đi giao. Họ gửi cho chị đường link và hướng dẫn làm theo để nhận lại số tiền chuyển khoản lúc đầu.

Đến đây, chị bắt đầu thấy nghi ngờ. Không làm theo yêu cầu, chị đi hỏi bạn bè và tìm thêm thông tin trên mạng. Lúc này, chị mới tá hỏa biết bị lừa.

"Tôi đã mất 2 triệu đồng để đổi lấy bài học cho sự nhẹ dạ, cả tin của khi tìm việc làm thêm tại nhà trên mạng", chị Dương Thị Thu L. chia sẻ.

Lợi dụng mức thiệt hại nhỏ

Đánh giá về nhu cầu việc làm trên mạng trong mùa Covid-19, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) - cho biết đây đang là xu hướng diễn ra phổ biến.

Về mặt tích cực, cách thức giao kết này giúp các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng dễ dàng kết nối với người lao động, giảm thời gian, chi phí và công sức của các bên.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các hoạt động tuyển dụng việc làm online không tránh khỏi những thông tin ảo, khó thẩm định về vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động.

"Người lao động thường có tâm lý tìm công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn. Chính tâm lý đó đã khiến nhiều người bị các đối tượng tuyển dụng lừa đảo. Vì vậy, khi tìm kiếm việc làm thêm trên mạng, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ công việc trước khi tham gia", ông Thành đưa ra lời khuyên.

Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: "Các đối tượng lừa đảo việc làm trực tuyến thường dựa vào các "lỗ hổng" pháp lý để trục lợi, đưa ra nhiều hình thức lừa đảo tinh vi".

Cụ thể, các thông tin tuyển dụng việc làm không được cơ quan chức năng kiểm soát hoặc người lao động không có hợp đồng lao động chính thức.

Bên cạnh đó, giá trị lừa đảo ở mức nhỏ, như chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nên các bị hại không muốn tố giác tới các cơ quan chức năng. Ngoài ra, một số trường hợp lừa đảo bị xử lý chỉ cũng ở mức xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng, không đủ sức răn đe.

Nhiều chế tài theo mức độ vi phạm

Theo quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi "dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng - nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015./.

Nguồn: Dantri

XUYÊN TẠC LỊCH SỬ "CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI" BÀI HỌC NHÃN TIỀN CHO "CÁCH MẠNG VIỆT NAM"!

 KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ.!!!

=========

     Chúng ta đã biết Chủ nghĩa xét lại ra đời sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công mà đỉnh cao là dưới thời Khơ-rút-xốp, song thời kỳ đó nó đã bị những người Cộng sản chân chính ở Liên Xô đánh bại. Thế nhưng đến những năm 80 của thế kỷ XX, Chủ nghĩa xét lại đã phục hồi mạnh mẽ trở thành trào lưu hòa tấu cùng các trào lưu khác, lại được người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô cổ suý, để rồi bằng sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử họ đã bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng, họ tập trung hạ bệ thần tượng Xít-ta-lin và kế đó tấn công hạ bệ thần tượng nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I. Lê-nin. Khi thần tượng Lê-nin sụp đổ cũng là lúc Goóc-ba-chốp tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Một sự kiện chấn động làm cả thế giới bàng hoàng, ngay cả kẻ thù của Liên Xô là đế quốc Mỹ cũng không thể hình dung Liên Xô tan rã nhanh như thế!

Trước sự kiện này nhà thơ Tố Hữu nhanh chóng có bài thơ: Chân lý vẫn xanh tươi, phản ánh về sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Trong bài thơ có đoạn chỉ đúng sự thật về Chủ nghĩa xét lại lịch sử ở Liên Xô lúc bấy giờ: “… Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử Cào chiến công, xé cả xác anh hùng. Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung. Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát? Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát. Và cả bầy quân cướp nước, giết người. Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …” (Tố Hữu - 1991).

Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô đã cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là tìm ra những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Song với tư duy biện chứng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Bác Hồ từ trước đây đều cho rằng: Bài học từ những nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất, bởi vì như Lê-nin đã từng dự báo: Không ai có thể làm sụp đổ sự nghiệp của họ, nếu không phải chính họ tự làm sụp đổ sự nghiệp của mình. Và sự thật cùng với sự tấn công quyết liệt của kẻ thù, thì chính những người mang danh là đảng viên Đảng CS Liên Xô đã làm tan rã Đảng và Nhà nước Xô viết một thời hùng mạnh này.

Còn với đất nước ta, khi bước qua thiên niên kỷ mới cũng bắt đầu xuất hiện trở lại hiện tượng của Chủ nghĩa xét lại lịch sử, tuy chưa đến mức như ở Liên Xô vào những năm của thập kỷ 80, song cũng cần phải báo động và kiên quyết đấu tranh loại bỏ. Có thể khái quát những biểu hiện của Chủ nghĩa xét lại lịch sử này như sau: Thứ nhất về phương pháp luận, họ xa rời phương pháp luận Mác - Lê-nin mà lại núp dưới cái gọi là phương pháp: khách quan, đổi mới, toàn thể, văn hóa. Vậy chúng ta thử phân tích cách nhìn của họ như thế nào?

Đó là khi viết sử phải dùng những từ tránh miệt thị, trung tính, bất chấp sự thật lịch sử. Họ không đứng về phía của những người làm nên lịch sử mà tự mình đứng cửa giữa (trung tính) và họ cho đó là khách quan để từ đó họ cho mình cái quyền bác bỏ những gì người trong cuộc đã viết, đã nói hoặc lịch sử đã ghi chép lại như kiểu “Đến nay chúng tôi thấy không đủ cơ sở để khẳng định lịch sử dân tộc ta có 4.000 năm, nên chúng tôi sửa lại dân tộc ta có mấy ngàn năm lịch sử” và họ biết nếu viết và nói vậy sẽ bị mọi người phản ứng, họ đã chiết trung bằng cụm từ “dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử” hay như gần đây trong Bộ lịch sử 15 tập của nhóm biên tập do ông TĐC làm Tổng chủ biên đã bỏ cụm từ “ngụy…”, một cụm từ mà cả dân tộc ta đã hy sinh hàng triệu người để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thu non sông về một mối, theo họ cũng với lý do cho khách quan, trung tính, tránh miệt thị…

Lại nữa, nhân danh đổi mới họ xóa cả tên anh hùng, sự việc có thật họ bảo rằng không có thật, như câu chuyện về ngọn đuốc sống Anh hùng Lê Văn Tám, họ cho rằng đây là câu chuyện không có thật, về chị Võ Thị Sáu thì có kẻ nói chị là kẻ điên, thậm chí vẽ ra chuyện Bác Hồ không ra đi từ Bến cảng Nhà Rồng vì năm 1911 chưa có Bến cảng này, trong khi Cảng Nhà Rồng đã có từ năm 1899, hay như gần đây họ biến cuộc ngụy chiến ở quần đảo Hoàng Sa, mà chế độ ngụy quyền SG làm theo lệnh quan thầy Mỹ bàn giao cụm đảo phía Tây cho Trung Quốc, từ tội danh bán một phần lãnh thổ cho ngoại bang, họ đổi mới thành những người bảo vệ Tổ quốc, thậm chí họ còn có ý định đề nghị công nhận những nạn nhân này thành liệt sĩ. Thật xấu hổ khi họ cho rằng một chế độ bán nước lại còn có Tổ quốc để mà bảo vệ, nếu ngụy quyền SG có Tổ quốc thì họ là một quốc gia và chúng ta xóa đi chế độ đó thì phải chăng chúng ta đi xâm lược và có đời thuở nhà ai người Việt Nam đi xâm lược Việt Nam…?

Với quan điểm toàn thể, họ đã khai thác mọi nguồn tư liệu, cả địch cả ta, cả người trong cuộc và ngoài cuộc kể cả tư liệu của bọn chống Cộng trong nước và thế giới, để rồi với cách nhìn khách quan trung tính họ đã viết lịch sử theo kiểu “hầm bà làng”, hoặc cố tình lập lờ mà đáng ra họ chỉ có thể kết luận theo sự thật mà nó đã xảy ra, theo cách như tôi đã dẫn ở trên về sự kiện Trung Quốc chiếm giữ trái phép cụm đảo phía Tây ở quần đảo Hoàng Sa 1974, họ lấy tư liệu bịa đặt của ngụy quyền Sài Gòn bất chấp thực tế là ngụy đã dâng HS cho TQ theo lệnh Mỹ, hay như họ ra sức ca ngợi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông bất chấp sự thật đây là Hòn Ngọc ăn chơi du hý của cả thời Pháp thuộc và Mỹ thuộc, là nỗi đau của dân tộc ta “những quả bom văn hóa Mỹ cao bồi, những quả bom làm lở loét làn môi, em ta đó khóc cười dang dở”… rồi họ nói đến nền kinh tế, văn hóa… miền Nam dưới chế độ SG, và chắc chắn họ lại đưa các số liệu mà chế độ ngụy cố tình vẽ ra mà họ quên mất những con số thực. Thực ra nói đến toàn thể nếu nó khoa học thì đây là quan điểm của CN Mác – Lê-nin, quan điểm toàn diện, song nó không khoa học nên họ sáng tạo ra cái quan điểm toàn thể này.

Họ đã đẻ ra cái quan điểm văn hóa này, thì các nhà Triết học chắc phải làm một cuộc hội thảo để xem có cái gọi là phương pháp luận văn hóa hay không? Song ở đây họ có ý đồ của họ, theo họ lịch sử viết phải có văn hóa, tránh dùng những từ ngữ “thiếu văn hóa” theo hướng miệt thị, lên án nặng nề, như: ngụy quân, ngụy quyền; tay sai, bán nước, bù nhìn… Và từ đó họ phục dựng chính danh cho các chế độ từ Bảo Đại, đến Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Bằng cách gọi: chính quyền Quốc gia Việt Nam, quân đội Quốc gia VN, chính quyền VNCH, quân đội VNCH… đây là điều mà những người trực tiếp cầm vũ khí đánh Mỹ, ngụy và những ai có tấm lòng yêu nước thật sự không thể nào chấp nhận.

Thứ hai, với trách nhiệm của họ, thì họ phải thường xuyên xem xét lại lịch sử để phát hiện những chứng cứ, tư liệu lịch sử, nhằm bổ khuyết làm sáng tỏ các sự kiện. Song họ lại làm ngược lại, đẩy các sự kiện vào chỗ lập lờ không rõ. Có thể dẫn chứng ra như tôi nêu ở trên: Lịch sử dân tộc ta hàng trăm năm nay đã khẳng định có 4.000 năm, nay họ lập lờ rằng dân tộc ta “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử”, họ cố tình quên mất một nguyên tắc viết sử là cái gì tổ tiên ta đã nói, chỉ được phép sửa khi có đầy đủ sử liệu chính xác, đàng này họ đưa ra một kết luận bác cái của cha ông mà thay bằng một mốc không chính xác, rõ ràng, thực chất là một câu hỏi: Dân tộc ta có mấy ngàn năm lịch sử; hay như mới nhất việc ai là người soạn thảo lời đầu hàng của TT ngụy quyền SG vào ngày 30/4/1975, việc như vậy nhưng họ vẫn không kết luận được rõ ràng; hay khi ông PHL khẳng định không có Anh hùng Lê Văn Tám, đáng lẽ những nhà sử học phải vào cuộc làm rõ song họ bỏ lửng, để mặc cho bọn xấu tha hồ lợi dụng phủ lên lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ một sự hoài nghi cho rằng Cộng sản bịa đặt, tuyên truyền dối trá, hay như có kẻ đã xuyên tạc nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, các nhà sử học đã lặng im để lập lờ ai hiểu sao cũng được, trong khi đáng lẽ họ phải là những người phản ứng đầu tiên, mạnh mẽ nhất…

Thứ ba là biểu hiện của đổi trắng thay đen, đó là sự nâng công, giảm tội cho những kẻ mà lịch sử đã kết luận, chẳng hạn họ cho rằng nhà Mạc có công cứu đất nước thoát khỏi họa chiến tranh nhờ cắt một phần đất đai dâng cho phương Bắc, tương tự như vậy họ nâng công Phan Thanh Giản khi ký hòa ước cắt ba tỉnh, sau đó là cả Nam bộ cho thực dân Pháp (kẻ mà ông cha ta đã nói: “Phan, Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân”, rồi như họ nâng công cho ngụy quyền SG khi giao Hoàng Sa cho Trung Quốc…

Cuối cùng ngành lịch sử đã không làm tròn trách nhiệm, trước tình trạng bộ môn giáo dục lịch sử sa sút, học sinh, sinh viên không muốn học sử, phản ứng yếu ớt khi Bộ Giáo dục – Đào tạo đề xuất Chính phủ tích hợp môn sử vào chung với các môn học khác, buộc Quốc hội phải có Nghị quyết riêng buộc Bộ Giáo dục – Đào tạo không được tích hợp, nếu không học sinh sẽ không còn học lịch sử và hệ quả tất yếu là nhận thức về lịch sử dân tộc của học sinh không đầy đủ, giảm sút lòng tự hào, tự tôn dân tộc, kéo theo làm giảm sút lòng yêu nước của thế hệ trẻ, làm suy yếu dân tộc.

Tất cả những vấn đề nêu trên, chúng ta có thể nói rằng, ở nước ta đang có sự hình thành Chủ nghĩa xét lại trong ngành lịch sử, một nguy cơ hiện hữu nếu chúng ta không nhận diện rõ thì hậu quả của nó là khó lường. Mong Trung ương cần thấy rõ đừng để đến khi “cả bầy sói chồm lên cắn vào lịch sử… Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát…”.


Yêu nước ST.

Thấy gì từ việc Afghanistan "thất thủ" quá nhanh trước Taliban

 

Sau gần 20 năm hiện diện, quân đội Mỹ và NATO đã quyết định chính thức rút quân hoàn toàn ra khỏi Afghanistan dự kiến trong cuối tháng 8 này. Tuy nhiên, khi mà Mỹ và liên quân còn chưa rút hết quân, Taliban đã phát động các cuộc tiến công vào sâu trong lãnh thổ Afghanistan. Chỉ trong vòng khoảng 1 tuần, Taliban đã tấn công ồ ạt và kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Afghanistan. Chính quyền Afghanistan sụp đổ một cách nhanh chóng theo hiệu ứng domino, tổng thống Ghani rời bỏ đất nước, sân bay Kabul hỗn loạn trong cuộc trốn chạy của nhiều thành phần...

Theo New York Times, chỉ trong vòng mấy ngày, lực lượng an ninh của Afghanistan đã bị đánh bại hoặc thậm chí đầu hàng mà chưa cần giao tranh ở hơn 15 thành phố trước đà tiến công của Taliban. Hiệu ứng domino với lực lượng an ninh Afghanistan đầu hàng hàng loạt đã xảy ra. Taliban cũng chiếm giữ nhiều trực thăng và số trang thiết bị, vũ khí trị giá hàng triệu USD mà Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan. Ở một số thành phố, dù giao tranh nổ ra quyết liệt ở một số khu vực ngoại ô, nhưng cuối cùng Taliban vẫn phá vỡ các tuyến phòng thủ, tiến vào và kiểm soát thành phố mà không có hoặc có rất ít sự kháng cự.

Nhiều quan chức, giới chính trị gia của Mỹ và phương Tây tỏ ra ngạc nhiên về sức chống cự yếu ớt và sự sụp đổ nhanh chóng của các chính quyền địa phương Afghanistan. Trong khi, suốt hơn 15 năm qua, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đổ hàng chục tỷ USD vào Afghanistan để trang bị vũ khí, huấn luyện cho lực lượng an ninh ở đây. Thậm chí, mục tiêu xây dựng một lực lượng an ninh tinh nhuệ và độc lập cho Afghanistan từng là một trong những ưu tiên chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tìm đường giúp quân đội Mỹ rút lui khỏi quốc gia châu Á này.

Đổi lại kết quả thu được của lực lượng an ninh Afghanistan được Mỹ và phương Tây dày công xây dựng và huấn luyện trong hơn 15 năm qua là gì? Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 người, nhưng những ngày gần đây cho thấy con số thực tế chỉ khoảng 1/6. Sự rệu rã của lực lượng an ninh Afghanistan đã thể hiện rõ từ những tiền đồn ở vùng nông thôn, nơi nhiều binh sĩ cảnh sát bị nợ lương. Họ bị Taliban bao vây và được hứa hẹn rút đi an toàn nếu đồng ý đầu hàng, hạ vũ khí. Tình trạng này dần dần giúp cho Taliban ngày càng mở rộng quyền kiểm soát các tuyến đường và tiến đến kiểm soát cả khu vực. Khi những tiền đồn "thất thủ", lực lượng an ninh Afghanistan gần như đều viện lý do không có yểm trợ trên không hay cạn kiệt trang thiết bị và lương thực. Nhiều binh sĩ và cảnh sát bày tỏ sự bất bình với giới lãnh đạo khi tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan. Họ than phiền về việc không được trả lương, thiếu thốn lương thực, đạn dược và bị các chỉ huy bỏ lại bảo vệ các trạm kiểm soát, căn cứ đã bị lộ. Trong các cuộc phỏng vấn, họ cũng chia sẻ về sự tuyệt vọng và cảm giác bị bỏ rơi.

Ở đây, không phải người dân Afghanistan hoàn toàn ủng hộ Taliban vì bản chất Taliban là một tổ chức đã từng nuôi dưỡng khủng bố, với các chế độ hà khắc, đang bị cả thế giới lên án phản đối. Nhưng ngược lại, quan chức chính quyền yếu kém, tinh thần binh sĩ rệu rã, mất lòng tin vào chính quyền trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ, mất đoàn kết nghiêm trọng bởi các vấn đề cố hữu như tôn giáo, tham nhũng… Nói như vậy, nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ không có tổ chức đủ mạnh lãnh đạo đất nước để biết qui tụ, đoàn kết toàn dân tộc, khi mà đất nước mất quyền độc lập, quyền tự chủ, quyền tự quyết.

Câu chuyện Mỹ và đồng minh can thiệp vào nội bộ của một đất nước với tuyên bố mang lại dân chủ, hòa bình, ổn định cho người dân nước đó, qua 20 năm Afghanistan khiến cho ai cũng phải giật mình, và có lẽ đến cả Mỹ và đồng minh cũng phải xem xét lại.

Triệu chứng khi nhiễm biến thể Lambda có nặng hơn?

        Theo đánh giá rủi ro do Cơ quan Y tế Công cộng Anh công bố vào tháng 7, nước này chưa rõ liệu biến thể Lambda có làm tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng hay không. Các chuyên gia khuyến nghị giám sát liên tục ở các nước nơi Lambda và Delta lây lan mạch. Mục tiêu là tìm hiểu xem Lambda có đủ khả năng "cạnh tranh" với Delta hay không.
        Khi nCoV tiếp tục lây truyền với tốc độ cao, nhiều nguy cơ biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện. Nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng các đột biến trốn tránh vaccine phát triển nhanh ở Anh, Mỹ, Singapore, Tây Ban Nha, Ấn Độ,... Lambda lần nữa nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của nCoV đến vaccine và các loại thuốc kháng thể hiện có. WHO cam kết sẽ nghiên cứu thêm về biến thể nhằm xác định liệu nó có đáng lo ngại, nguy cơ trở thành mối đe dọa mới đối với sức khỏe cộng đồng hay không.

Khả năng lây nhiễm và trốn tránh vaccine của Lambda

        Về cơ bản, các đột biến ảnh hưởng đến protein S gắn trên vỏ ngoài của virus có thể làm tăng khả năng virus bám vào các tế bào. Vì nhiều loại vaccine được phát triển dựa trên protein S, những thay đổi nhỏ ở biến thể mới cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
        Tại Lambda, protein S chứa nhiều đột biến.
        Một trong số đó là đột biến F490S, có thể làm giảm tính nhạy cảm của virus với kháng thể của người đã khỏi Covid-19. Điều này có nghĩa kháng thể ở bệnh nhân từng nhiễm chủng nCoV ở Vũ Hán không hoàn toàn hiệu quả với Lambda.
        Đột biến khác là L452Q, gần giống với L452R ở biến thể Delta. Cả hai nằm ở cùng vị trí. Đột biến ở Delta không chỉ làm tăng khả năng virus lây nhiễm tế bào, nó còn thúc đẩy quá trình trốn thoát miễn dịch. Như vậy, kháng thể do vaccine tạo ra khó nhận diện nó hơn.
        Cả hai đột biến F490S và L452Q đều nằm trong "vùng liên kết thụ thể (phân tử protein nằm trên màng tế bào)".
        Dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Lambda có khả năng lây nhiễm cao hơn, tức là nó liên kết với tế bào dễ dàng hơn so với chủng nCoV lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán, hay cả các biến thể sau này như Alpha và Gamma.
        Các chuyên gia lưu ý khả năng lây nhiễm khác với khả năng virus truyền từ người sang người. Khả năng lây nhiễm chỉ quá trình virus bám vào tế bào. Hiện chưa đủ bằng chứng về việc Lambda khiến nCoV truyền từ người sang người dễ dàng hơn. Song các đột biến phần nào cho thấy điều này có thể xảy ra.
        Nghiên cứu quy mô nhỏ, chưa được bình duyệt, đăng tải trên bioRxiv tháng 7/2021, chỉ ra rằng đột biến L452Q trong protein S của Lambda làm tăng sức bám tế bào. Điều này tương tự L452R trong biến thể Delta. Theo các nhà khoa học, L452Q có thể liên kết dễ dàng hơn với "thụ thể ACE2", là cửa ngõ để nCoV xâm nhập tế bào. Nghiên cứu cũng cho thấy protein S của Lambda làm giảm khả năng vô hiệu hóa virus của vaccine Pfizer và Moderna.
        Một đột biến chưa rõ tên cũng chống lại liệu pháp kháng thể dùng điều trị Covid-19 ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, tình hình không quá nghiêm trọng. Ngoài ra, kháng thể trung hòa chỉ là một phần của phản ứng miễn dịch sau tiêm chủng. Các nghiên cứu đều kết luận vaccine hiện có và cả liệu pháp kháng thể đều hiệu quả trước biến thể Lambda.


Biến thể Lambda nguy hiểm ra sao?

        Biến thể Lambda chứa các đột biến giúp virus dễ dàng bám vào tế bào người, có nguy cơ trốn tránh được kháng thể tạo bởi vaccine.
        Biến thể được báo cáo ở Peru lần đầu vào tháng 12/2020, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau đó, nó lây lan sang nhiều nước ở Nam Mỹ, hiện chiếm hơn 20% các biến thể đang lưu hành.
        Đến nay, Lambda xuất hiện ở hơn 20 quốc gia. Ngày 15/8, Philippines trở thành nước mới nhất báo cáo ca nhiễm biến thể Lambda. Người bệnh là một phụ nữ 35 tuổi, không có triệu chứng và đã phục hồi sau 10 ngày cách ly. Giới chức đang tiến hành truy vết tiếp xúc.
        Trung tâm Kiểm soát và và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Âu nói Lambda là "biến thể đang theo dõi", Cơ quan Y tế Công cộng Anh gọi nó là "biến thể được điều tra".
        Tháng 6 năm nay, WHO xếp Lambda vào nhóm "biến thể đáng quan tâm". Điều này là do đột biến của Lambda có thể ảnh hưởng đến đặc tính virus, chẳng hạn khiến nó lây nhiễm tế bào dễ dàng hơn. Dù vậy, WHO chưa coi đây là "biến thể đáng lo ngại" như Alpha hoặc Delta.
        Các chuyên gia vẫn tiếp tục công bố bằng chứng dịch tễ về mối đe dọa từ biến thể Lambda. Vì vậy, ở giai đoạn này, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ cách các đột biến của nó ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, khả năng trốn tránh vaccine và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
        Bằng chứng cho thấy Lambda dễ lây nhiễm vào tế bào hơn, có thể né tránh miễn dịch tốt. Nhưng vaccine vẫn hiệu quả chống lại nó.