Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Cán bộ ''chín ép''

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra hạn chế: “Có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn biểu hiện cục bộ địa phương, bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy”.

 Điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra ở trên chính là chỉ hiện tượng cán bộ "chín ép", “thăng tiến thần tốc”, “đỏ vỏ xanh lòng”, không phải là hiếm gặp và đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.

Điểm chung của hiện tượng "chín ép" là những cán bộ diện này thường ít tuổi, ít năm công tác nhưng nhiều bằng cấp, mặc dù kinh nghiệm làm việc rất ít ỏi, tài năng không có gì nổi trội song lại được giao đảm nhận những vị trí lãnh đạo quan trọng, đứng đầu tổ chức Đảng hoặc chính quyền, đoàn thể ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Một đặc điểm dễ thấy nhất ở những cán bộ "chín ép" thường là được “nhúng”, "tráng qua" thực tiễn và có quá trình lên chức rất nhanh, cá biệt có người “thăng tiến thần tốc” cho dù chưa đủ các tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm. Đáng lưu ý, để hợp thức hóa quyết định đề bạt, không bị dư luận “soi”, họ được tạm giao quyền, giao chức danh, sau đó bổ nhiệm chính thức hoặc luân chuyển, “thổi phồng thành tích”, vận động hành lang... để được đưa vào vị trí mong muốn. Có thể dẫn ra một số trường hợp như Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Minh Hoàng mới 26 tuổi đã được bổ nhiệm không đúng quy định làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “thần tốc” giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam…

Cán bộ “chín ép”, thiếu năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn khi thực thi nhiệm vụ thường đưa ra các quyết định, quyết sách không chuẩn, sẽ để lại hậu quả xấu cho xã hội. Đây cũng là căn nguyên gây ra so kè, tị nạnh, mất đoàn kết và bất mãn trong đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương; là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị xói mòn. Và đây cũng là lý do dẫn đến các yếu kém trong công tác cán bộ, xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền và thậm chí đấu đá phe nhóm trong nội bộ, lách cơ chế để vụ lợi cá nhân. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình vốn được xem là động lực xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng con người liêm chính và cơ quan vững mạnh bị thao túng, trở thành “chỗ dựa” để họ báo cáo cấp trên và là “vũ khí” để loại khỏi ê kíp những người dám bảo vệ lẽ phải./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét