Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN

Sự ra đời của Quốc hội và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước gắn liền với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với việc bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cũng cố và tăng cường chính quyền.

Có thể nói, chính quyền nhà nước ở nước ta được xác lập ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02-9-1945. Tuy vậy, Nhà nước đó, xét về mặt pháp lý lẫn phương diện tổ chức bộ máy, vẫn chưa phải là một nhà nước hoàn chỉnh. Trên thực tế, Nhà nước ta lúc đó mới chỉ có một bộ máy hành chính mang tính chất lâm thời. Để bảo đảm tính pháp lý và uy tín của Nhà nước trước toàn thể nhân dân và cộng đồng thế giới, mặc dầu tình hình lúc đó cực kỳ khó khăn, phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: "Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được".

Sáng ngày 06-01-1946, tại Hà Nội, Báo Quốc hội số đặc biệt đã trân trọng đăng trên trang nhất ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Trong 71 tỉnh, thành của cả nước, có 89% số cử tri đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thắng lợi của tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam phấn đấu cho một quốc gia độc lập, thống nhất, vì cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc. Đó là thắng lợi của chế độ mới, của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước ta. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã chứng minh sự giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân - lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội qua lá phiếu bầu ra những đại biểu của mình.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I (ngày 02-3-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội mở rộng số đại biểu thêm 70 người không qua bầu cử, dành cho Đảng Việt Cách 20 người và Đảng Việt Quốc 50 người. Quốc hội đã thông qua đề nghị này để tỏ rõ sự đoàn kết toàn dân.

Quốc hội đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội. Tuyên ngôn của Quốc hội tuyên bố với quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới rằng: Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Quốc hội đã bầu Ban Thường trực để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội. Ban Thường trực gồm 15 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ và Quốc ca là bài Tiến quân ca của Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử và của kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I cho thấy sự trưởng thành và lớn mạnh của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Thể thức bầu cử là phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bí mật (bỏ phiếu kín) là thật sự dân chủ. Ngay từ buổi đầu mới hình thành, Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực của toàn thể quốc dân Việt Nam. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức để thực hiện công việc điều hành đất nước. Quốc hội thực hiện quyền lập pháp mà nhiệm vụ trọng tâm là soạn thảo Hiến pháp. Cơ quan hành pháp là Chính phủ do Quốc hội cử ra được tăng cường cả về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy. Đó là chính quyền được xây dựng trên cơ sở pháp lý vững chắc và được toàn thể quốc dân ủng hộ.

Tiếp tục vai trò đó, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị hiệp thương thống nhất Tổ quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất đã diễn ra sôi nổi trong cả nước vào ngày 15-4-1976 và thành công rực rỡ. Quốc hội khóa VI ra đời trở thành nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho sự hình thành và phát triển Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất. Với quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và chế độ bầu cử tự do, tiến bộ, Quốc hội đã thực sự thể hiện chân thực hình ảnh "nhân dân cả nước được thu nhỏ", hiện thân của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc trong một nhà nước thống nhất, cùng nhau phấn đấu khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước.

70 năm trôi qua, Quốc hội Việt Nam đến nay đã tiến hành 13 cuộc bầu cử, Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, đã xây dựng và thông qua 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nhà nước kiểu mới; Hiến pháp năm 1959 - Hiến pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà; Hiến pháp năm 1980 - Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Năm 2013 tại kỳ họp thứ sáu - Quốc hội khóa XIII  đã thông qua bản Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 01-01-2014. Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Bản Hiến pháp sửa đổi hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu người dân, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế. 

Đến nay, ngày 06-01-1946 đã đi vào lịch sử và đã trải qua 70 năm các kỳ bầu cử Quốc Hội tiếp theo luôn thể hiện quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền dân tộc của nhân dân ta, tự mình lựa chọn người đại diện chân chính vào Quốc Hội, tự mình lựa chọn và xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét