Xưa có câu ca rằng, “suy bụng ta ra bụng người”, rất chí lí. Đó là cách áp đặt cách suy nghĩ của mình, điều suy nghĩ của mình lên người khác. Vậy là chẳng biện chứng chút nào.
Mấy ngày vừa qua tôi đọc vài dòng trạng thái (status), rồi vài lời bình luận (comments) của mấy bạn trên facebook, tôi rút ra một kết luận rằng, người luôn có suy nghĩ tiêu cực về một hiện tượng xã hội nào đó, dù tốt hay xấu, đều không bao giờ có được những bình luận tích cực.
Cụ thể là thế này, một bạn nêu dòng trạng thái nói về hiện tình đất nước, thì lập tức có một bạn bình luận rằng, ngày nay người tốt và người giỏi chẳng còn mấy. Bạn ấy bảo người học giỏi chạy sang các nước rồi. Có thật vậy không, và nếu thật thì có bao nhiêu người, chiếm bao nhiêu phần trăm, rồi có thật đó là những người tài giỏi? Tôi thì không dám nói số người tốt và người không tốt, người giỏi và người không giỏi là bao nhiêu, vì có ai thống kê được đâu? Từ thực tế, tôi có nhận xét:
Chúng ta cứ vào mấy trang của những youtubers trẻ tuổi (thú thực là tôi thích họ lắm) nói về lịch sử nước nhà, nói về cuộc những mặt tích cực của đất nước như chống những việc làm trái đạo đức, trái thuần phong mỹ tục… bao giờ số người tặng biểu tượng thích (like) nhiều gấp trăm lần những kẻ đặt biểu tượng không thích (dislike). Từ đó tôi suy ra, người tốt chung quanh ta còn nhiều lắm.
Trên báo chí hàng ngày, ngoài việc phê phán các biểu hiện tiêu cực thì bao giờ cũng có nhiều thông tin tích cực. Tỷ như ở nơi cách ly nọ, người dân đem đến khá nhiều thực phẩm tiếp tế cho các gia đình phải cách ly, thậm chí có một cụ già chỉ đem theo một bó rau, song giá trị không phải ở bó rau mà là cả một tấm lòng.
Cô cháu gái tôi vừa từ Úc trở về, phải cách ly 14 ngày trong một doanh trại quân đội, được ở miễn phí đã đành, ngay cả tiền ăn hàng ngày cũng không phải đóng góp. Cảm động trước tấm lòng của các chiến sĩ, những người trong khu cách ly đã gom góp được trên 80 triệu để ủng hộ cho đơn vị quân đội. Đó là gì nhỉ? Phải chăng đáp lại điều tích cực bằng một hành động tích cực. Tốt đó chứ?
Chúng ta đang tổng kết một năm 2020 đầy khó khăn và biến động. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển kinh tế. Rất nhiều nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm (-), chỉ có 10 nước, trong đó có nước ta đạt GDP dương (2,91%), đứng đầu trong mười nước ASEAN.
Thành tựu này đâu phải chỉ là của mấy ông trong Chính phủ, trong Bộ Chính trị mà là của cả xã hội. Nếu không có các nhân viên y tế giỏi thì liệu ta có thể chống dịch thành công? Nếu không có những người nông dân giỏi liệu ta có thể đứng đầu những nước xuất khẩu gạo về chất lượng và giá? Liệu chúng ta có thu về hàng chục tỷ USD trong việc xuất khẩu nông hải sản trong hoàn cảnh đang có dịch bệnh, nếu không có người tài trong lãnh vực này?
Ai đã đưa Việt Nam vào trong số ba mươi lăm nước sản xuất vacine ngừa covid, và là năm nước đầu tiên thử nghiệm vacine trê người, nếu không phải là các nhà khoa học về y, sinh? Ai ở nước ta đang đưa thiết bị viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) - trong số chưa tới một chục nước, vào ứng dụng, nếu không phải là các nhà khoa học Việt Nam?
Nghe nhiều chuyên gia nước ngoài nói nên xếp Việt Nam vào hàng “các cường quốc tầm trung”. Nếu một đất nước toàn người xấu và người bất tài thì lệu có được thế giới đánh giá như vậy không?
Thế rồi công ty định giá thương hiệu quốc gia trên toàn cầu Brand Finance đã xếp Việt Nam năm 2020 đã tăng 9 bậc so với năm trước, đứng thứ 33 trong tốp 100 nước có thương hiệu quốc gia giá trị nhất. Thành tựu đó đâu phải ngẫu nhiên mà đạt được, đúng không?
Vân vân và vân vân. Một khi chúng ta chỉ nói về mặt chưa được của một xã hội, đó là một người luôn mang đến cho những người chung quanh, cho xã hội một năng lượng tiêu cực. Lan tỏa suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực thì đó là một sự thiển cận.
Ta phải tự hỏi, cái gì đã làm nên một xã hội đáng sống, một đất nước đáng sống như nhiều người trên thế giới đang nói về chúng ta? Nếu không có rất nhiều người tốt và người giỏi trong xã hội ta thì liệu chúng ta có thể đạt được điều đó./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét