Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Cảnh giác với luận điệu phản động




Bài viết “Lòng dân thể hiện thế nào?” đăng trên Tiếng Dân ngày 24/12/2020 là dã tâm thâm độc và âm mưu của Dương Quốc Chính (DQC). Thực tế, DQC đã mượn cớ bàn về lòng dân thông qua việc nói đến dân chủ và lòng dân trong chế độ phong kiến, lòng dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để quy kết phản động và kích động tâm lý người dân rằng: “Một chế độ đã vỗ ngực tự nhận là được lòng dân thì tại sao không dám để tự do đa nguyên đa đảng, tự do bầu cử, ứng cử? Được lòng dân rồi thì bầu cử kiểu gì chả thắng, thế lực thù địch làm sao mà chen chân vào được? Hỏi tức là trả lời!”.


Dùng ngôn ngữ để xảo biện vốn là nghề của các anh hùng bàn phím/những người luôn mượn danh dân chủ, yêu nước để đòi đa nguyên, đa đảng đối lập ở Việt Nam; đòi tự do bầu cử và ứng cử… Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu DQC không tiếp cận vấn đề này từ góc độ “vấn đề lòng dân”.


Ở Việt Nam, lòng dân hiển hiện rất rõ trong suy nghĩ, hành động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt hơn 90 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, bền vững…


Vì thế, DQC dù phiếm luận và mưu mô bàn về “vấn đề lòng dân” thế nào cũng không thể xuyên tạc được sự thật lịch sử đã, đang và sẽ diễn ra trên dải đất hình chữ S này. Nói với DQC rằng, “lòng dân Việt Nam” vốn là thế này:


1. Trải qua bao thăng trầm, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng: “Dân là gốc” và “nước lấy dân làm gốc”.


Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam ghi nhận rằng, nước lấy dân làm gốc từng được nhà Trần vận dụng thành công, góp phần làm nên thắng lợi của triều Trần với 3 lần chiến thắng quân Mông – Nguyên. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết bài học qúy báu đó thành “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc chính là thượng sách giữ nước”để căn dặn con cháu muôn đời. Sau đó, tiếp tục vận dụng bài học kinh nghiệm đó, việc huy động sức mạnh của toàn dân và chính thành lũy lòng dân đồng tình ủng hộ đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, trong Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi khẳng định “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”…


Sau này, cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp há chẳng phải là minh chứng thuyết phục và sinh động về lòng dân và niềm tin của người dân vào người anh hùng ảo vải hay sao hả DQC? Vì thế, nhà Trần, nhà Lê không “mị dân” nhé DQC, mà chính là tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân; là cổ vũ và phát huy vai trò của nhân dân để làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên và quân Minh.  


 2. Bài học về “dân là gốc” và “nước lấy dân làm gốc” từ chiều sâu lãnh đạo dân tộc, từ quá khứ được thực tiễn kiểm nghiệm, được đúc kết thành giá trị có ý nghĩa thời đại, đã làm nên cốt cách dân tộc Việt, tinh thần dân tộc Việt và tiếp tục tỏa sáng ở thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.


Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn thấm nhuần sâu sắc và thực thi trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam rằng: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Vì thế, từ Trung ương đến địa phương, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng quán triệt phương châm: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[2].


Trong hành trình ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”[3]. Vì thế, nhân dân Việt Nam tin Đảng, đi theo Đảng, vượt muôn khó khăn, thử thách để không chỉ giải phóng đất nước mình, bản thân mình khỏi ách thống trị tàn bạo của Pháp, Nhật mà còn tiếp tục tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đưa cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Lòng dân và sự tin tưởng của nhân dân Việt Nam vào Đảng Cộng sản Việt Nam chưa khi nào thay đổi, dù vật đổi sao rời!


3. Sự thật này hiển nhiên về lòng dân luôn tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam này ai cũng biết, có chăng chỉ DQC và nhóm người như DQC không chịu biết/không chịu thừa nhận nên mới phản động viết rằng: “Khi không đong đếm được lòng dân thì khái niệm đó chỉ dùng để tuyên truyền mị dân, hòng lôi kéo đám đông, đây là thủ đoạn chính trị mà tổ chức chính trị nào cũng phải làm và đảng CS (không chỉ VN) là làm xuất sắc nhất”. Vì thế, cách đánh giá chính xác nhất “lòng dân Việt Nam” không phải chỉ là “phe nhóm, đảng phái nào giành được phiếu bầu cao nhất” như DQC viết trong bài mà chính là lòng tin/niềm tin vào một chính Đảng cách mạng trong sạch, vững mạnh, với một đường lối chính trị đúng đắn và đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu.


Thực tiễn luôn soi rọi chân lý. Lòng dân Việt Nam đoàn kết/muôn người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập cách đây 75 năm/Cuộc Tổng tuyển cử tự do, bình đẳng và đoàn kết theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đầu tiên ở Việt Nam, cũng chính lòng dân Việt Nam đoàn kết, không sợ hiểm nguy, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bộ chỉ huy tối cao của dân tộc và Tổng bộ Việt Minh đã kiên quyết thực hiện thắng lợi quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong ngày 6/1/1946 để bầu Quốc hội khóa I. Thế mới nói, Quốc hội khóa I chính là Quốc hội ra đời từ lòng dân/lòng dân Việt Nam yêu nước, tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam!


4. Nói với DQC là, dù thể chế chính trị nào thì người dân của một quốc gia cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của quốc gia mình sinh sống. Mỗi người dân Việt Nam yêu nước thực sự sẽ sống và làm việc đúng theo nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm công dân của mình, thiết thực góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chỉ có những người bất chấp luật pháp, phản bội lại quê hương, đất nước mới từ bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, mới bôi nhọ, nói xấu Tổ quốc mình mà không thấy tự bản thân mình có lỗi.


DQC chắc không còn huyết mạch “con Rồng cháu Tiên” trong mình nên mới viết về lòng dân như vậy; mới cho rằng “Dân VNCH trước 1975 thì nhiều ông ùn ùn theo cách mạng, sau 1975 thì ùn ùn vượt biên để bầu cử bằng chân. Đặc biệt là các ông trí thức thiên tả thuộc thành phần thứ 3 (không CS, không quốc gia), giúp một phần lớn cho chiến thắng của CS nhưng sau 1975 lại vượt biên vãn!”.


Sự thật là, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì truyền thống yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân Việt Nam và lòng dân Việt Nam yêu nước lại trào dâng, tạo nên thành lũy vững chắc để bảo vệ quê hương, đất nước. Khi đất nước thái bình, thì sức mạnh của lòng dân/của khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại cùng đồng lòng, chung sức dưới sự lãnh đạo của Đảng để cùng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.


Thời gian càng lùi xa, càng nhận thấy lòng dân Việt Nam tin Đảng/tin tưởng vào sự lãnh đạo độc quyền, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, mượn cớ nói về “lòng dân” để đòi đa nguyên, đa đảng, đòi tự do bầu cử và ứng cử vào các vị trí lãnh đạo trong Đảng khi Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đến gần chính là luận điệu man trá, phản động của DQC chứ không phải là tâm nguyện của nhân dân Việt Nam!


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232


[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.64


[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.81


Trần Phụng Hoàng Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét