Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Vị tướng suốt cuộc đời vì nước, vì dân
Những ngày tháng 12 lịch sử, trong niềm vui chung cùng với quân và dân cả nước kỷ niệm 76 năm Ngày thanh lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2020), cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đón nhận tin vui, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, sinh năm 1926 tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1986, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4/1987, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và liên tục các khóa IX, khóa X. Ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1980, Trung tướng năm 1987 và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…
Tháng 4 năm 1945, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Thước lúc đó mới 20 tuổi, đã bí mật tham gia các phong trào Việt Minh tại địa phương. Người giới thiệu ông vào tổ chức là đồng chí Trần Văn Bành (em ruột Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Từ đó, ông nhận nhiều công tác quan trọng tổ chức giao trong khởi nghĩa giành chính quyền và xây dựng chính quyền mới sau ngày độc lập.
Năm 1949, khi đang là Bí thư Thanh niên huyện Nghi Lộc, Nguyễn Quốc Thước xung phong đi bộ đội. Người trí thức trẻ 2 tuổi Đảng đã được vào Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (phân hiệu tại Liên khu 4), nơi đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội lúc bấy giờ. Thầy Hiệu trưởng - Đại tá Hoàng Điền thấy khả năng nắm bắt cái mới nhanh nhạy, hăng say luyện tập của cậu học trò Nguyễn Quốc Thước đã chọn ông làm trợ giảng cho mình.
Dù sau này đã lên đến Trung tướng, vượt cả quân hàm của thầy, nhưng ông Nguyễn Quốc Thước vẫn dành sự trân trọng đến người thầy năm xưa dù tuổi tác giữa hai ông không chênh lệch nhau là mấy. Những bài học từ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đã được ông Nguyễn Quốc Thước vừa ứng dụng vào thực tế chiến đấu vừa rút kinh nghiệm qua mỗi trận đánh. Nhờ đó, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh kinh điển trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, ông Nguyễn Quốc Thước trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh cắt giao thông đoạn giữa Đắc Tô và thị xã Kon Tum. Địch sử dụng máy bay B52 tập trung oanh tạc, hầm của trung đoàn trưởng sập, công binh đào bới một hồi mới đưa được ông lên. Sức ép của bom khiến ông chảy máu mũi, máu tai và hộp sọ bị rạn (sau này giám định tổn thương 49%). Quân y trung đoàn đề nghị đưa ông về trạm phẫu tiền phương, song ông yêu cầu tạm thời sơ cứu và quyết định ở lại chỉ huy. Chính tinh thần của người chỉ huy như vậy đã động viên các chiến sĩ làm nên chiến thắng, tiêu diệt được tiểu đoàn biệt động, diệt 168 tên, bắn rơi 19 máy bay trực thăng...
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ông Nguyễn Quốc Thước góp nhiều công sức vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc với vai trò tham mưu tác chiến Mặt trận B3 Tây Nguyên... Sau ngày đất nước thống nhất, ông lần lượt làm Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh Quân khu 4.
Không chỉ nổi danh chiến trường, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước còn nổi danh cả nghị trường trong suốt 3 khóa liền là đại biểu Quốc hội, kéo dài 15 năm (1987 - 2002). Có lần bộ chủ quản khi trình Quốc hội đề án cải tạo một cảng biển, đã đề xuất dùng hàng chục tấn bộc phá để làm. Ông Thước kiên quyết bác bỏ phương pháp này. Ông nói, ở chiến trường, bộ đội chỉ dùng 1kg bộc phá mà còn bắt được hàng tạ cá. Bây giờ mà sử dụng đến hàng chục tấn bộc phá để cải tạo cảng biển thì dứt khoát tác động tiêu cực rất lớn đến môi trường, nhất là tàn phá môi trường sinh thái biển và sức khỏe con người. Từ ý kiến phản đối của ông trước diễn đàn Quốc hội, bộ chủ quản và chủ đầu tư phải khảo sát lại rồi đề xuất phương án khác để bảo vệ môi trường.
Ba khóa tham gia Quốc hội, cử tri cả nước rất ấn tượng với vị đại biểu xứ Nghệ qua những phát biểu tâm huyết, thẳng thắn. Có một kỷ niệm sâu sắc trong khóa đầu tiên ông có mặt trên diễn đàn Quốc hội. Tại một phiên họp ở tổ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992), ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe. “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có bộ trưởng không nghe”. Thấy ông Đỗ Mười phát biểu như vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Thước đứng lên nói luôn: “Thưa anh Mười, tôi làm Tư lệnh Quân khu, tôi nói mà sư đoàn trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các sư đoàn trưởng thì tôi sẽ xin từ chức, chứ như thế cả hai không thể làm việc với nhau. Anh nên cách chức bộ trưởng không nghe đó, nếu không cách chức được thì anh nên từ chức đi...”.
Sau cuộc họp có người cảnh báo: “Ông phát biểu thế thì nguy đến nơi rồi”. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cười bảo: “Yên tâm, nguy làm sao được mà nguy”. Còn nhiều người khác cũng chung tâm lý tỏ vẻ nghi ngại cho ông. Song Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gặp đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Thước đã vỗ vai cười hề hà và nói: “Cậu này được đấy…”.
“Tôi nói thế bởi tôi biết đồng chí Đỗ Mười là người rất hiểu cấp dưới. Trong cuộc họp, đôi khi cấp trên, cấp dưới có thể tranh luận, chất vấn gay gắt, cũng chỉ mong tìm ra hướng đi đúng đắn, có lợi cho cái chung, cho dân, cho nước. Sự thật là sau phát biểu đó, tôi cũng có gặp vấn đề gì đâu”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét