Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

KHÔNG CÓ “VÙNG CẤM” VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN


Người ta vẫn thường nói tham nhũng vốn là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, vì ở chế độ nào, thời nào thì “căn bệnh nan y” này dường như khó trị. Ở nước ta cũng vậy. Trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri trước đây, không lần nào không có những ý kiến bức xúc về thực trạng này. Nhưng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nó không còn là “khuyết tật bẩm sinh” nữa. Đảng đã bắt đúng căn nguyên của bệnh tình và có phác đồ điều trị hiệu quả.

Điểm nhấn thuyết phục nhất

Trong các dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng, chống tham nhũng (PCTN) là điểm nhấn thuyết phục nhất, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao nhất. Chưa bao giờ, trong một nhiệm kỳ mà hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, các tướng lĩnh, có người từng vang bóng một thời. Từ năm 2013 - năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo; trong số cán bộ Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, có một Ủy viên Bộ Chính trị, bảy Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bốn bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bảy sĩ quan cấp tướng. Một con số chưa từng có.

Trước đây, có tập đoàn được coi là con cưng của nền kinh tế vì đóng góp rất lớn cho ngân sách; có lĩnh vực được coi là vùng cấm, bất khả xâm phạm; có cá nhân núp bóng quyền lực, thâu tóm hàng loạt khu đất vàng, dự án béo bở, thu lợi bất chính; có cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc” vì có người “nâng đỡ không trong sáng”; có bộ trưởng nhận hối lộ tới ba triệu USD, thật không tưởng tượng nổi. Nhiều vụ biết có sai phạm, nhưng không thể đụng đến được. Chỉ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, chỉ đạo quyết liệt thì tình thế bắt đầu khác. Từ một bài viết trên báo về chiếc xe tư nhân gắn biển số xanh, đồng chí yêu cầu chín cơ quan vào cuộc, làm từng bước, chắc chắn, thận trọng; kiểm tra, điều tra, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý về Đảng trước, về pháp luật sau; dù trốn ra nước ngoài, vẫn phải về nước để chịu sự xét xử nghiêm minh, công tâm, khách quan. 

Thật đau lòng khi thấy tên tuổi của một số Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, thành phố,… trong các bản án hình sự lại nhiều đến thế, nhưng không thể khác. Đó là sự nghiêm minh của pháp luật và cũng là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe người khác không vướng vào vết xe đổ của đồng chí mình; là đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Vì xét xử nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, cho nên trước tòa án và phải đối diện với lương tâm, các bị cáo đã ăn năn hối hận, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân. Có trường hợp tòa án đã lui ngày nghị án cho bị cáo có thêm thời gian trả lại tiền nhận hối lộ để được khoan hồng, giảm án. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội mới đây của Ban Tuyên giáo Trung ương, 93% số ý kiến của người dân tin tưởng vào công tác PCTN và vì thế niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.

“Nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế

Chưa bao giờ cuộc đấu tranh PCTN quyết liệt như hiện nay. Nhưng rõ ràng tham nhũng chưa bị đẩy lùi, có nơi, có lĩnh vực còn tinh vi, thậm chí trắng trợn hơn, hoặc nhẫn tâm trục lợi từ người bệnh. Giữa lúc PCTN đang trở thành xu thế, không ai được đứng ngoài cuộc lại có những cán bộ trong cơ quan PCTN để tay nhúng chàm mà cơ quan chủ quản vẫn nương nhẹ, xử lý cho qua chuyện, buộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc, kết luận rõ sai phạm và xử lý đúng người đúng tội. Tham nhũng quy mô lớn làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước; “tham nhũng vặt” đang gặm nhấm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, với cơ quan công quyền. Tại sao Đảng, Nhà nước đã có luật và nhiều nghị quyết, quy định về PCTN, nhưng vẫn chưa đủ sức đẩy lùi tệ nạn này? Đối tượng tham nhũng đều là cán bộ có chức quyền, am hiểu quy định, pháp luật về PCTN. Có cán bộ trong cơ quan phòng, chống tội phạm lại phạm tội ngay trong lĩnh vực mình phụ trách; cán bộ PCTN lại ngang nhiên vòi tiền khi thực thi công vụ. Cá biệt có trường hợp đang thi hành án phạt tù giam 30 năm mà vẫn bị xét xử và sẽ tiếp tục bị xét xử trong vụ án khác; các sai phạm nghiêm trọng của bị cáo kéo dài liên miên từ khi đứng đầu doanh nghiệp đến khi làm “tư lệnh” một ngành,... Sai phạm của bị cáo đã quá rõ, nhưng cũng cần truy tìm xem còn căn nguyên nào nữa không. Dường như cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, nhất là với người đứng đầu, trao cho họ quyền lực nhưng chưa có đủ chế tài, cơ chế cụ thể để đủ sức kiểm soát quyền lực ấy. Họ thích làm gì thì làm, cấp dưới không dám phản bác, cấp trên không sát sao, thậm chí có trường hợp còn bao che vì lợi ích nhóm.

Với hàng loạt vấn đề đặt ra như thế, thiết nghĩ để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, trước hết cần rà soát, phát hiện, bịt cho được các lỗ hổng trong cơ chế quản lý, kiểm soát quyền lực, trong kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của người có chức quyền, nhất là người đứng đầu. Việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực phải chặt chẽ, đồng bộ để người có quyền lực không thể tham nhũng và xử lý thật nghiêm để họ không dám tham nhũng. Mọi hoạt động, mọi quy trình công tác, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, các cơ quan phải công khai, minh bạch, bất cứ cán bộ, đảng viên và người dân nào cũng biết mà giám sát, để người thực thi công vụ không thể làm khác được. Các cơ quan PCTN cần rà soát, luân chuyển, bố trí, xây dựng đội ngũ cán bộ của mình thật sự là cán bộ chí công, vô tư; PCTN trước hết làm mạnh ngay trong cơ quan mình, xử lý nghiêm trường hợp tham nhũng, bằng mọi cách “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế. Có như thế mới ngăn chặn được tham nhũng - một “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét