Kết luận điều tra vụ việc tại Trường Đại học Đông Đô, Bộ Công an xác định trường này đã cấp 193 bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ tiếng Anh cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Trong số này, có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
Điều này cho thấy một thực tế rất đau lòng: Sự giả dối, thiếu trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn đang diễn ra. Vậy nhận diện tình trạng này thế nào và làm cách nào để ngăn ngừa sự giả dối, thiếu trung thực?Lâu nay, dư luận vẫn phản ánh tình trạng thuê người học, thuê làm tiểu luận, bài tập và luận văn tốt nghiệp trong học tại chức, văn bằng hai, thậm chí học thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Việc mua bằng cấp, chứng chỉ giả cũng khá dễ nhờ tiện ích của công nghệ thông tin. Và có thể dẫn ra hàng chục sự việc lớn nhỏ xảy ra ở chỗ này, nơi kia với không ít cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật vì khai man bằng cấp.
Trước hết phải thấy rằng, nhu cầu có bằng cấp cao hơn của mỗi cá nhân là hoàn toàn chính đáng; việc đòi hỏi cán bộ phải bảo đảm mức quy chuẩn bằng cấp nào đó cũng không sai. Vấn đề còn lại là phải làm sao có cơ chế kiểm tra, kiểm soát thật tốt, bảo đảm “học thật, thi thật, bằng cấp thật”; đồng thời, các quy định về bằng cấp phải thiết thực, phù hợp thực tiễn thì mới có thể ngăn chặn tình trạng gian dối.
Thực tế cho thấy, người gian dối bằng cấp là người thiếu năng lực chuyên môn, hoặc do lười học tập, nghiên cứu nhưng lấy bằng cấp làm “mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Khi những đối tượng này ỷ vào thế bằng cấp và được giao những vị trí công tác quan trọng thì hậu quả đối với cơ quan, đơn vị và xã hội rất khó lường.
Vì thiếu năng lực chuyên môn, người gian dối sẽ không làm tròn được chức trách, công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc chung của cơ quan, đơn vị mình, thậm chí kéo lùi phong trào thi đua...
Vì thiếu năng lực chuyên môn, người gian dối không được cấp dưới nể phục nên sẽ dẫn tới hiện tượng dối trên lừa dưới, thủ tiêu đấu tranh, cát cứ phe nhóm, tranh giành lợi ích...
Vì thiếu năng lực chuyên môn, người gian dối sẽ nảy sinh tâm lý chọn việc dễ bỏ việc khó, không sẵn sàng gánh nhận việc khó, việc lớn mà tổ chức đảng, đơn vị giao cho...
Nguy hiểm hơn cả, từ việc gian dối, che mắt được tổ chức về bằng cấp, thì người gian dối giống như sa chân xuống bùn, từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác, gian dối một việc thì cũng dám gian dối nhiều việc khác, trở thành con người không trung thực, trung thành...
Sống gian, làm dối - vừa dễ sa vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã đành, mà còn là nguy cơ trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nhanh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét