"Con dao hai lưỡi"

MXH ra đời như một làn gió mới, giúp kết nối mọi giai tầng của xã hội. Thế nhưng, một khi MXH bị lợi dụng để phát động những cái gọi là “cuộc cách mạng” thì nó như loài virus độc hại, có thể hủy hoại cả xã hội, cả đất nước.

Ở Ai Cập, phong trào phản đối của người lao động diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm với hơn 3.000 hoạt động từ năm 2004, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn. Ví dụ điển hình là cuộc biểu tình ngày 4-4-2004 của công nhân ở các xưởng dệt may ở ngoại ô thủ đô Cairo. Từ các hoạt động này, một trang Facebook được lập ra để ủng hộ biểu tình đã thu hút hàng chục nghìn người theo dõi, tạo nền tảng để thực hiện “cách mạng lâu dài”. Facebook, Twitter, YouTube hay các trang blog đã bùng nổ khi thời cơ tới. Trong tuần Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức đầu năm 2011, các dòng tweet từ Ai Cập và khắp thế giới về thay đổi chính trị ở Ai Cập đã vọt lên từ con số trung bình 2.300 một ngày lên tới con số 230.000. Bên cạnh đó, các video về biểu tình và bình luận chính trị ở nước này lan tràn khắp thế giới với số lượng người xem rất cao: 23 video đầu bảng thu hút gần 5,5 triệu lượt xem. Đã thế, các nội dung mà những nhóm đối lập sản xuất để đăng trên MXH cũng tăng với tốc độ chóng mặt.

Ở Tunisia, các cuộc thảo luận về tự do, dân chủ và cách mạng trên các blog và Twitter thường diễn ra ngay trước khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra. Ví dụ, 20% các blog đánh giá về sự lãnh đạo của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali vào ngày ông từ chức (14-1-2011), tăng chỉ 5% so với một tháng trước đó. Thế nhưng, khi các chủ đề chính trên các trang blog về Tunisia tập trung vào “cách mạng” thì sau đó có ít nhất 100.000 người tụ tập biểu tình để rồi những lãnh đạo còn lại của chế độ cũ buộc phải từ bỏ quyền lực.

Một nghiên cứu cho thấy 9/10 người Ai Cập hay Tunisia cho biết họ đã dùng Facebook để tổ chức các cuộc nổi dậy. Tới đầu tháng 4-2011, con số người dùng Facebook tại các quốc gia Arab đã vượt qua số 27,7 triệu người. Trong "Mùa xuân Arab", MXH đã trở thành “chiến trường không tiếng súng”. Các MXH thường xuyên xuất hiện lời kêu gọi biểu tình lan truyền như virus: “Cách mạng Sidi Bouzid”, “Sau Tunisia, giờ là Ai Cập, tiếp theo sẽ là gì?”, “Hãy hỏi Facebook...”. Các tin nhắn SMS cũng làm bùng nổ thêm, đẩy người dân đổ ra đường biểu tình, làm “cách mạng đường phố”. Các phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước có vai trò rất nhỏ trong đưa tin về "Mùa xuân Arab", để cho MXH chiếm lĩnh trận địa tư tưởng.

Một số nước khi nhận ra sự nguy hiểm đã khóa mạng điện thoại di động, cắt hoàn toàn internet trên toàn quốc nhưng vừa khóa thì một loạt MXH mới lại xuất hiện. Hơn thế, người dân do không tiếp cận được thông tin qua internet và MXH thì càng đổ ra đường phố biểu tình nhiều hơn. 

Cuộc đào tạo những “chiến binh mạng”

AFP tiết lộ, phương Tây đã huấn luyện cho khoảng 5.000 “nhà hoạt động", và tài trợ khoảng 50 triệu USD để phát triển các công nghệ mới nhằm giúp các nhà hoạt động bảo vệ mình khỏi bị chính quyền bắt giữ và buộc tội. Nhiều nhà hoạt động ở các nước Arab đã tham gia khóa huấn luyện rồi được tung trở lại huấn luyện cho những đối tượng khác.

Trước đó không lâu, vào năm 2008, những chiến binh tham gia nhóm ủng hộ dân chủ “Phong trào 6-4” của Ai Cập đã tham gia một cuộc họp ở New York được tài trợ bởi “Liên minh Phong trào Thanh niên”. Tổ chức này được giúp đỡ bởi các tập đoàn, tổ chức truyền thông lớn. Tạp chí Foreign Policy miêu tả, nhóm “Phong trào 6-4” đã học tập mô hình “cách mạng phi bạo lực” của một chuyên gia bất bạo động (Gene Sharp-Mỹ). Năm 2008, sau khi lập ra một trang Facebook với hơn 60.000 người theo dõi, “Phong trào 6-4” đã vạch ra kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn nhưng không thành. Song để tổ chức nhiều cuộc biểu tình khác, mùa hè 2009, Mohamed Adel, bloger 20 tuổi, thành viên của nhóm này đã tới Nam Tư để học tập cách tổ chức người dân bạo loạn trên đường phố rồi trở lại Ai Cập và đào tạo cho những người khác. Những bản sao Báo cáo số 198 của Gene Sharp về “vũ khí phi bạo lực” được dịch sang tiếng Arab và phân phát khắp nơi.

Các “điểm nóng” châm ngòi cho bạo loạn và can thiệp

Mối bất hòa giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo với nhau và với chính phủ, sự không hài lòng và bất bình của người dân theo đạo Hồi về điều kiện sống và bị phân biệt đối xử là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo ra các điểm nóng, xung đột ở các nước Arab; được các lực lượng và tổ chức khủng bố hay Hồi giáo cực đoan nhằm tới để kích động gây bạo lực và xung đột. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xâm nhập sang Syria vì nơi đây bùng phát cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ở Ai Cập, thanh niên mù chữ, thất nghiệp và người nghèo là đối tượng để các thế lực cực đoan lợi dụng, mua chuộc.

Trong "Mùa xuân Arab", từ câu chuyện anh bán hàng rong ở Tunisia biến thành làn sóng biểu tình và lật đổ, có một kịch bản chung thường thấy. Đó là sự kích động các mâu thuẫn, khoét sâu vào những vấn đề bức xúc, những điểm nóng xã hội có nguồn gốc từ những vấn đề dân sinh thành những điểm nóng chính trị, từ biểu tình ôn hòa thành bạo loạn chính trị, rồi bạo loạn có vũ trang; kích động các mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo thành phong trào ly khai, thành lập nhà nước riêng để kêu gọi bên ngoài can thiệp, hỗ trợ, thậm chí dùng sức mạnh quân sự để can thiệp, lật đổ chế độ.

Cần rút ra những bài học sâu sắc

Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” gần đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của “cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh... Giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: Châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, MXH để kích động và liên kết trong, ngoài.

Bài 5: Mạng xã hội, “điểm nóng” và cái giá hòa bình, độc lập (Tiếp theo và hết)
Tây Nguyên yên bình, phát triển hôm nay. Ảnh: Quang Hồi

Sau sự kiện "Mùa xuân Arab", nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết 4 bước tiến hành của các cuộc “cách mạng màu”, trong đó bước cuối cùng là khi sự bức xúc có dấu hiệu lan rộng thì tìm cớ hoặc tạo cớ tổ chức biểu tình đòi dân chủ, nhanh chóng chuyển từ biểu tình ôn hòa thành bạo động, bạo loạn có vũ trang để lật đổ. Nhìn lại các cuộc biểu tình, đập phá, phá hoại có biểu hiện bạo loạn gần đây như ở tỉnh Bình Dương năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh năm 2016 và tỉnh Bình Thuận năm 2018, có thể thấy rất rõ các thế lực thù địch đã và đang nhen nhóm áp dụng những phương thức “cách mạng màu” tại Việt Nam. Đợt biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan năm 2014 đã lan ra 22 tỉnh, thành phố. Một số cuộc biểu tình nhân sự cố môi trường biển tại dự án Formosa Hà Tĩnh đã chuyển sang thành bạo động, cướp bóc, phá hoại tài sản, khiến 5 người thiệt mạng, tài sản bị đập phá, phải bồi thường, xử lý lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Là người dân Tây Nguyên từng bị lôi kéo tham gia vụ gây rối, bạo động năm 2001, ông Blip, làng Guăh, xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tâm sự: "Năm 2001 và 2004 tôi chứng kiến rất nhiều người dân bị bọn phản động lôi kéo tham gia biểu tình, bạo loạn. Chúng bịa đặt, dựng chuyện, đưa ra những thông tin sai trái nhằm chống phá chính quyền, gây mất ổn định an ninh trật tự. Tôi đang ở nhà thì thấy bọn phản động đến nói phải đi biểu tình mới được chia đất, chia tiền, nếu không bị đuổi ra khỏi làng. Nhưng thực tế không có sung sướng, giàu có, tiền bạc gì cả, mà cuộc sống của người dân lại rơi vào cảnh cơ cực, màn trời chiếu đất. Qua sự việc đó, tôi cũng như nhiều người trong làng phải luôn cảnh giác, tỉnh táo trước âm mưu lôi kéo thâm độc của bọn phản động. Người Tây Nguyên phải lo làm ăn, phát triển, xây dựng quê hương giàu mạnh; đoàn kết người Kinh và các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên, không nghe kẻ xấu xúi giục, chia rẽ; luôn nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Người Kinh, Gia Rai hay hay Ba Na đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...". 

Kết luận số 32-KL/TW của Bộ Chính trị sau các vụ việc về tình hình an ninh trật tự xảy ra năm 2018, trong đó có vụ việc ở tỉnh Bình Thuận đã đánh giá những sự việc này nằm trong âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, được chuẩn bị trước, có kế hoạch và tổ chức chặt chẽ, bài bản, có sự chỉ đạo, hậu thuẫn của các tổ chức phản động cả trong và ngoài nước. Chúng đã triệt để sử dụng không gian mạng để tán phát, tuyên truyền, hướng dẫn, lôi kéo người dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, gây rối, có nơi đã xảy ra bạo loạn. Do đó, chúng ta cần rút ra bài học đắt giá trong nắm tình hình, nhận định, đánh giá và xử lý các tình huống phức tạp về an ninh trật tự. Trên cơ sở thực hiện Kết luận số 32-KL/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý và phối hợp của lực lượng vũ trang trong xử lý một số tình huống an ninh chính trị, quốc phòng... Sau 12 năm, việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới ngày càng được chú trọng, gắn với phòng, chống, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Thay cho lời kết

Ngày Quốc khánh 2-9 cách đây 5 năm, người dân cả nước ta đang sống trong những ngày Tết Độc lập yên bình nên ít người để ý có một sự kiện, một tấm ảnh từng làm chấn động cả thế giới. Nhiều hãng truyền thông hàng đầu thế giới đã đăng bức ảnh bé trai 3 tuổi Aylan Kurdi, cùng gia đình đến từ phía Bắc Syria trong cuộc tị nạn chạy trốn IS và chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Aylan, bố mẹ, anh trai lên 2 chiếc tàu cùng 19 người khác rời bỏ quê hương đi tìm một miền đất không có chiến tranh. Không chỉ riêng em và gia đình, nhiều triệu người dân Arab đang phải trải qua tình cảnh ấy, chẳng có mùa xuân nào đến với họ như hứa hẹn.

Bài 5: Mạng xã hội, “điểm nóng” và cái giá hòa bình, độc lập (Tiếp theo và hết)
Những bức ảnh về bé trai 3 tuổi Aylan Kurdi Ảnh: Reuters

Vẫn là những câu hỏi cũ như trái đất, từng được một em bé khác viết lên cách đây cả thế kỷ. Trong cuốn nhật ký của cô bé 13 tuổi Anne Frank trốn cùng gia đình thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan sau đó chết vì bệnh sốt phát ban ở trại tập trung có những lời từng làm chấn động cả thế giới: Tại sao lại có chiến tranh? Tại sao, và tại sao, tại sao con người không thể sống với nhau một cách hòa bình?

Nhìn lại 10 năm trôi qua của sự kiện "Mùa xuân Arab", càng thấm thía với nỗi đau mà nhiều triệu người dân các nước Arab đã và đang phải trải qua, càng thấy giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập mà chúng ta đang được hưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Năm 1976, khi viết ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" cho Tết hòa bình đầu tiên sau chiến tranh, nhạc sĩ Văn Cao đã nhắc đến những mùa bình thường, mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước đang đến đầu tiên và đi kèm với nó là những giọt nước mắt long lanh. “Giọt nước mắt” long lanh ấy không chỉ là giọt nước mắt nghẹn ngào ngày đoàn viên của người lính mà còn là “giọt nước mắt” của người mẹ, người vợ, những đứa con, những người ở hậu phương cùng những hy sinh tột cùng của cả một dân tộc. Tự do không miễn phí và mùa xuân của hòa bình, độc lập chỉ đến thực sự và bền vững khi cả dân tộc luôn thấu hiểu, quyết hy sinh cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy.