Khi “nói không ai nghe, đe không ai sợ”

Trong số người làm những việc, nói những điều đi ngược lại quan điểm chính trị chính thống, gây hại cho xã hội, có không ít người là cán bộ có chức, có quyền trong thời gian công tác. Tuy nhiên, đến khi về hưu, họ mới “thay lòng đổi dạ”.

Có thể tạm chia đối tượng này thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người không thể quen với trạng thái “bình thường mới” sau khi nhận quyết định hưu trí. Khi đương chức, với khả năng gây ảnh hưởng tới công việc, đời sống của nhiều cấp dưới, họ có thể “nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ”. Nói cách khác, họ đã quen với việc ra lệnh và cấp dưới phục tùng mệnh lệnh. 

Với “cây gậy quyền lực”, họ dễ lầm tưởng bản thân là người có tài, có đức nên người khác phải nể phục. Họ dễ lầm tưởng rằng, bản thân là một giá trị quan trọng trong tổ chức. Trong khi thực chất, vì “miếng cơm, manh áo”, hay vì mục đích tiến thân, nhiều cán bộ cấp dưới thực hiện mệnh lệnh của họ bất kể đúng-sai.

Khi hết tuổi công tác, quyền chức không còn, “nói không ai nghe, đe không ai sợ”, những kẻ xu nịnh, phục tùng vô điều kiện lại chính là những người quay lưng đầu tiên với họ. Bởi lẽ, một mối quan hệ được xây dựng dựa trên nền tảng vì lợi ích, khi lợi ích không còn, đương nhiên sẽ tan vỡ. Tuy nhiên, sự hoang tưởng về bản thân vẫn chưa kết thúc. Những người này vẫn có “nhu cầu” gây ảnh hưởng tới nhiều người khác, cần người khác tung hô, ca tụng mình. Vì thế, con đường dễ nhất, ngắn nhất đối với họ là nói, là có những hành động đi ngược lại quan điểm chính trị chính thống. Bởi lẽ, theo lý thuyết hiệu ứng truyền thông, những gì “lạ” sẽ dễ gây được sự chú ý của công chúng.

Tuy nhiên, thực tế sự “lạ” ấy chỉ có thể gây ra chú ý ban đầu. Sau khi xem xét, luận giải, công chúng sẽ nhận ra những hành động đó không mang giá trị xây dựng, thậm chí đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Tất yếu khi đó, những hành động dạng này sẽ bị tẩy chay.

Nhóm thứ hai là những người có chức, có quyền, có một số quan điểm trái chiều. Tuy nhiên, họ lại không thể hiện quan điểm của bản thân khi đương chức mà khi về hưu, với suy nghĩ “không còn gì để mất”, họ mới bắt đầu có những hành động, ý kiến trái chiều. Họ vào hùa với các quan điểm thù địch, dựa vào những sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những vấn đề mới, nhạy cảm do thực tiễn đặt ra chưa được giải quyết để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với nhóm đối tượng này, chưa bàn tới quan điểm của họ đúng-sai như thế nào, chỉ cần nhìn vào động cơ đã thấy ở đó sự vụ lợi cá nhân. Nếu là những chính nhân quân tử thực sự, lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt trên lợi ích cá nhân. Tức là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu có thể làm những việc có lợi cho dân, cho nước, thì đều sẵn sàng, dù việc đó có thể ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân trong một thời điểm nhất định.

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và trưởng thành, Đảng ta, Nhà nước ta luôn lắng nghe, cân nhắc những quan điểm khác, dù những quan điểm đó có thể mâu thuẫn với dòng chính trị chủ lưu. Và thực tế, đã có những quan điểm khác biệt được nhìn nhận và áp dụng vào thực tế như quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc năm xưa về "xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình". Để từ đó, Việt Nam có bước đột phá về nông nghiệp, dần chuyển từ thiếu đói thành một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Những cán bộ không hề góp ý, phản biện khi đương chức, thậm chí thấy không hợp lý vẫn vào hùa, nhưng khi về hưu thì mạnh miệng nói ngược, rốt cuộc cũng chỉ là những người chỉ biết vì lợi ích của bản thân, không đem lại lợi ích cho tập thể. Động cơ đã không tốt, hành động cũng không đáng để nhìn nhận.

“Tôi online tức là tôi tồn tại”

Trong một thế giới tràn ngập kết nối như hiện tại, hội chứng “sợ bị lãng quên” đang có cơ hội bùng phát. Đối tượng mắc hội chứng này rất đa dạng, từ thanh, thiếu niên đến cả những người lớn tuổi. Họ là những người lo lắng khi không nhận được sự quan tâm của người khác. Vì thế, thế giới internet rộng mở đã trở thành phương tiện hữu hiệu đối với họ. Online trở thành một nhu cầu để khẳng định sự tồn tại của họ. Trong số đối tượng này, có một lượng không nhỏ là những nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức từng có những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.

Nhu cầu khẳng định sự tồn tại của một bản thân hoàn toàn không có gì sai trái. Thậm chí, còn là điều tốt đẹp nếu việc đó đem lại những lợi ích cho xã hội. Nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức là những người có sức sáng tạo rất lớn. Và, sự sáng tạo ấy thường gắn bó mật thiết với cái tôi cá nhân. Những nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức đạt được thành tựu trong sự nghiệp thường là những người có bản ngã mạnh mẽ. Để từ nhu cầu được lao động sáng tạo, từ nhu cầu khẳng định bản thân, họ cho ra đời những sản phẩm nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đáng tiếc, ở đoạn cuối của sự nghiệp, đã có những nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức đi ngược lại con đường mà họ đã gắn bó trong nhiều thập kỷ. Họ “tồn tại” bằng những bài viết, phát ngôn trái với lợi ích của dân tộc. Thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp những phát ngôn gây sốc, những bài viết đi ngược lại chuẩn mực xã hội, lợi ích của cộng đồng bỗng trở nên “nổi tiếng”. Những phát ngôn và hành động này cho thấy khuynh hướng lợi dụng phản biện để phê phán, bôi đen chế độ xã hội. Những người viết, phát ngôn phủ nhận con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Họ không thừa nhận các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước đạt được trong thời gian qua. Dưới nhãn quan của họ, tất cả đều xấu, tất cả đều tiêu cực... chỉ có ý kiến của họ mới đúng đắn! Họ thường xuyên xuất hiện trên các đài, báo nước ngoài vốn luôn tìm cách đả phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để đánh giá, bình luận với các ý kiến chưa bao giờ tỏ ra thiện chí. Đặc biệt, mỗi khi xuất hiện những sự kiện hệ trọng trong nước, họ vẫn được một số tờ báo, trang tin phỏng vấn, đề nghị viết bài, trong đó chủ yếu là đánh giá tiêu cực.

Luật pháp Việt Nam và hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới đều không cho phép viết tin, bài chống chế độ đăng trên báo chí chính thống. Vì thế, một số nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức thường thể hiện xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” qua các bài viết đăng trên blog, mạng xã hội để đưa ý kiến trái ngược với báo chí chính thống, phụ họa hoặc gián tiếp phụ họa giọng điệu của các thế lực thù địch, chống đối, thiếu thiện chí để làm vừa lòng đám đông trên mạng, trở thành “anh hùng bàn phím”. Đáng chú ý, sau khi được dư luận trên mạng tung hô, cổ xúy, một vài cây bút càng trở nên hăng hái hơn.

Ngẫm lại, việc “bẻ lái” của những con người này gây tổn hại cho chính bản thân họ. Thứ nhất, sau hàng chục năm cống hiến, nay họ đi ngược lại con đường lợi ích của đất nước. Điều đó thể hiện, họ là những người lá mặt lá trái. Tự bản thân đi phản bác lại con đường mình từng dấn thân phấn đấu. Từ đó, họ tự bôi xấu hình ảnh của chính mình.

Thứ nữa, trong quá trình công tác, ít nhiều những nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức kia từng tạo ra những lợi ích cho cộng đồng. Cộng đồng ghi nhận sự đóng góp ấy của họ. Nay, khi phủ nhận con đường mình đã chọn, đồng nghĩa với việc họ phủ nhận giá trị của những lợi ích họ từng tạo dựng. Nói cách khác, họ đang phủ nhận chính mình.

Các nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức là những người được xã hội trân trọng. Bởi lẽ, những sản phẩm do họ sáng tạo thường có tác động lan tỏa tới cộng đồng. Tuy nhiên, nếu đó là những sản phẩm mang tác động tiêu cực thì lại là câu chuyện khác. Những sản phẩm đó có thể gây ra sự chú ý ban đầu nhưng sẽ rất nhanh chóng bị lãng quên. Bởi lẽ, những sản phẩm đó mang mục đích vì sự “nổi tiếng” của bản thân người sáng tạo, trong khi đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta lựa chọn. Con đường ấy đã trải qua một quá trình dài gần một thế kỷ với vô vàn thành tựu về mọi mặt, từ đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... để đem lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Điều ấy có nghĩa, đó là con đường duy nhất đúng. Những ai đi ngược con đường đó tức là đi ngược với lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam. Xã hội sẽ phê phán họ, pháp luật sẽ xử lý những hành vi vi phạm của họ. Còn những ai suốt đời không thay lòng đổi dạ, phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ luôn được trân trọng và khắc ghi.