Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ
cao, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng
chống phá đã soạn thảo, phát tán hàng chục nghìn bài viết, bình luận sai sự
thật, chống Đảng, Nhà nước, gây rối ANTT trên hàng trăm website và hàng nghìn
nhóm, tài khoản mạng xã hội.
Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề: Xuyên tạc về tình hình
dịch bệnh COVID-19, nguồn lây nhiễm, số người nhiễm bệnh, số ca tử vong, công
dụng của thuốc và vật tư y tế phòng, chống dịch, kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán
tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; kích động, gây chia rẽ quan hệ ngoại
giao Việt Nam – Trung Quốc và một số quốc gia khác; công kích, bôi nhọ, hạ uy
tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng,
chống dịch, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, người mắc bệnh và người
có nguy cơ lây nhiễm; kêu gọi biểu tình, tẩy chay, phản đối việc cài đặt phần
mềm Bluezone, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công
nghiệp có yếu tố nước ngoài; kêu gọi tích trữ lương thực, thực phẩm, gây hoảng
loạn trong quần chúng nhân dân; trục lợi kinh tế thông qua buôn bán, làm giả
vật tư, thiết bị phòng, chống dịch…
Những thông tin này được nhiều người thiếu hiểu biết đăng tải
hoặc chia sẻ trên mạng xã hội, khiến lan truyền rất nhanh trên phạm vi rộng,
gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến ANQG và trật tự an toàn xã hội. Điển
hình phải kể đến vụ kích động công nhân đình công, “bất tuân dân sự”, đòi yêu
sách, không cho người nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc. Hậu quả, đã
làm hơn 1.600 công nhân tại cụm Công nghiệp Hà Lam – Chợ Được (Thăng Bình,
Quảng Nam); hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam tại Thanh Liêm (Hà Nam);
hơn 3.000 công nhân tại Công ty TNHH Regis (Ninh Bình)… đình công tập thể.
Lợi dụng dịch bệnh, các đối tượng chống đối còn tổ chức tuyên
truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối
trong nước. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã tài trợ in hơn 1 triệu
khẩu trang có hình lưỡi bò phát tán trong nước nhằm khuếch trương thanh thế;
tán phát “Thư kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tù nhân trong đại dịch
COVID-19”.
Tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS” lợi dụng dịch bệnh
để thực hiện các dự án dưới danh nghĩa “dân sinh, dân quyền” nhằm mở rộng mạng
lưới “xã hội dân sự”. Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” lợi dụng
giãn cách xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia tổ chức, nhất là những người trẻ
tuổi có nhận thức chính trị hạn chế, người có hoàn cảnh khó khăn, bất mãn xã
hội, ảo tưởng chính trị để kích động, khoét sâu bất mãn với chính quyền, hứa
hẹn “cấp phát nhà miễn phí”. Cơ quan Công an đã bóc gỡ 130 đối tượng mới tham
gia tổ chức này, xác định làm rõ hơn 1.300 đối tượng trong nước đăng ký xin trợ
cấp nhà.
Đấu tranh với đối tượng này là cuộc chiến không khoan nhượng,
đòi hỏi cơ quan Công an phải chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để
giám sát chặt chẽ thông tin trên không gian mạng. Qua đó, đã phát hiện hàng
trăm trang web, tài khoản mạng xã hội; 100 hội nhóm lớn, 65 kênh Youtube có
hoạt động chống phá nguy hiểm; xử lý, sàng lọc hàng triệu tin, bài liên quan
đến dịch COVID-19 có nội dung xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước để tổ chức
truy xét, truy tìm. Qua đó, cơ quan Công an đã đấu tranh với 1.658 đối tượng,
khởi tố hình sự 4 đối tượng, xử phạt hành chính 695 đối tượng.
Ngoài ra, cơ quan Công an còn xác định khoảng 500 hội nhóm có
hoạt động liên quan đến ANTT; tổ chức gọi, hỏi, yêu cầu 264 hội, nhóm có hoạt
động liên quan đến ANQG xóa bỏ nội dung sai phạm, trong đó có 50 hội, nhóm lợi
dụng dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước; phá rã 18 hội, nhóm có tổng số gần
1 triệu thành viên; gỡ bỏ hàng nghìn bài viết, video clip liên kết chứa thông
tin giả về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét