Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

“Lá bùa mê” nguy hại và bài học an dân

 

          Lợi dụng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, thời gian qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh các thủ đoạn tuyên truyền về tà đạo, gây mê tín dị đoan; lợi dụng vấn đề tôn giáo để lôi kéo tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”...

          Tà đạo và hệ lụy

          Đón chúng tôi tại trụ sở làm việc từ sáng sớm, ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) vui vẻ cho biết: “Khi hay tin các anh tới tìm hiểu về sự xâm nhập của tà đạo, địa phương nóng lòng chờ đợi, chuẩn bị tài liệu, họp dân bản mấy hôm nay. Tôi muốn qua báo chí, dân bản biết rõ sự nguy hại của tà đạo, đừng nghe theo lời đường mật của những kẻ chống phá trên mạng xã hội, rồi từ bỏ phong tục truyền thống”. 

          Không còn e dè, mặc cảm, anh Vàng A Sình, 32 tuổi, ở bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, thấy mình thật may mắn vì sớm nhận ra bộ mặt thật của kẻ xấu. Sình tâm sự rất cởi mở: "Năm 2017, gia đình tôi và khoảng 20 hộ dân được nhóm người lạ tuyên truyền rằng nhà nào không có tiền để làm nhà, mua trâu, bò sẽ được “Bà cô Dợ” giúp đỡ. Tôi tin là thật, nhận tiền và làm theo “Bà cô Dợ”, rủ gia đình, hàng xóm tụ tập để chuẩn bị thành lập nhà nước riêng, rồi quay phim gửi ra nước ngoài. Sau này, tôi mới biết việc làm này là xấu. Cuối năm 2018, tôi đã quay trở về với đạo cũ của mình là Tin lành Liên hữu Cơ đốc”.

Không chỉ riêng Mường Nhé, từ năm 2015, địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện hai tà đạo hết sức nguy hiểm là “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”. Các đối tượng cầm đầu lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền trực tuyến và chỉ đạo, điều hành hoạt động; liên tục đăng tải, tán phát các bài viết xuyên tạc Kinh thánh. Bản chất của hai tà đạo này là mê tín dị đoan, hoang đường, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia, tập hợp lực lượng ly khai tự trị lập nhà nước riêng, gây chia rẽ giữa bà con dân tộc Mông với các dân tộc khác.

          Lý giải nguồn cơn tà đạo xâm nhập, Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng, các đối tượng đã lợi dụng đời sống nhân dân khu vực biên giới khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế để tuyên truyền, lôi kéo. Tà đạo xâm nhập, phát triển ở Điện Biên đã gây ra nhiều hệ lụy như: Tranh chấp đất đai, di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Để giải bài toán khó, từ Trung ương đến cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp và có chung nhận định: Phải giải quyết tốt công tác an sinh xã hội cho dân bản, đó là giải pháp căn cơ trước tiên để giữ dân.

          Lo ăn no, mặc ấm để giữ dân, an dân

          Đúng như lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, giờ đây, bản Huổi Khon, xã Nậm Kè đã thay đổi hơn trước rất nhiều. Con đường từ Quốc lộ 4H vào trung tâm bản Huổi Khon 1 đã được nâng cấp bê tông nối dài tới các ngõ xóm. Chỉ tay về ngôi nhà xây kiên cố, anh Giàng A Du, Phó điểm nhóm đạo Tin lành, bản Huổi Khon 1, chia sẻ: “Bản mình giờ có cả công ty xây dựng về làm nhà, làm đường và tạo công ăn việc làm cho dân bản như lái máy, đổ bê tông. Hằng năm, dân bản được chính quyền hỗ trợ trâu, bò, lợn giống để tăng gia sản xuất. Bản có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cỏ chít, trồng cà phê... Cuộc sống ổn định rồi, mình không đi đâu nữa”.

          Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng quả quyết: “Một khi dân đã có cơm no, áo ấm thì chắc chắn sẽ tuân thủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bỏ ngoài tai những lời rủ rê, chèo kéo. Từ quan điểm đó, nhiều chủ trương, giải pháp mới đã được Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành; nhiều cách làm thiết thực được triển khai tại các vùng đồng bào có đạo ở Điện Biên".

          Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, huyện Mường Nhé đã tổ chức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho hơn 17.000 hộ dân. Sau 9 năm triển khai thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg, ngày 12-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đến nay, địa phương đã bố trí, sắp xếp được 3.537/3.625 hộ; đầu tư xây dựng 160/284 công trình cơ sở hạ tầng tại các điểm bản; hỗ trợ làm nhà ở, lương thực, mua sắm dụng cụ sinh hoạt cho người dân. Từ năm 2019, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi và phát động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo tại huyện Nậm Pồ và Mường Nhé. Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng quân đội, công an, đoàn thể đã giúp dân bản ổn định cuộc sống, sản xuất, hạn chế di cư tự do.

          Sống "tốt đời, đẹp đạo"

          Cuộc sống vật chất được nâng lên, đi cùng với đó là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo cũng được các cấp quan tâm. Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 10-6-2016 về tăng cường lãnh đạo thực hiện chủ trương của Đảng đối với công tác tôn giáo, địa phương đã tạo điều kiện và hướng dẫn các điểm nhóm đạo đăng ký sinh hoạt tập trung theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. 

          Cũng như nhiều giáo dân thuộc nhóm đạo Tin lành của bản Si Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, sáng chủ nhật hằng tuần, anh Giàng A Khứ, 24 tuổi, gác việc nương rẫy để tham gia sinh hoạt điểm nhóm đạo. Anh Khứ cho biết: “Trước đây, khi chưa đăng ký hoạt động, nhóm đạo chỉ sinh hoạt tại nhà, chật chội và không được bài bản. Bây giờ thì khác rồi, nhà hành lễ rộng rãi, thành kính, trang nghiêm, ai cũng vui mừng”. 

          Nhà cầu nguyện của bản Si Ma 2 là căn nhà gỗ rộng 200m2, chia làm 3 gian, nằm trên con dốc cao, ngay trung tâm của điểm bản. Ông Giàng Hồng Sinh, phụ trách nhóm đạo, trực tiếp giảng đạo, cho biết: "Điểm nhóm có gần 200 tín hữu Tin lành được cấp phép từ năm 2016. Chúng tôi có giáo lý, giáo luật, hiến chương nên được Nhà nước cấp phép sinh hoạt. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật”. Ông Sinh cũng cho biết, vào những dịp lễ, tết, chính quyền đến tặng quà bà con giáo dân. Khi xảy ra dịch Covid-19, bộ đội và cán bộ xã đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn giãn cách, tặng khẩu trang cho giáo dân".

          Theo đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên, chủ trương của tỉnh là động viên các nhóm đạo đủ điều kiện đăng ký sinh hoạt để chấp hành nghiêm túc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trước thời điểm tháng 6-2019, Điện Biên có khoảng 30% điểm nhóm Tin lành đăng ký hoạt động. Tháng 10-2019, Điện Biên tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác tôn giáo và thống nhất các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc cấp phép cho các tổ chức Tin lành đủ điều kiện để thành lập điểm, nhóm. Đến ngày 15-6-2020 đã có 302/412 điểm nhóm đăng ký hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 74%, đây là một tín hiệu đáng mừng. Đồng quan điểm trên, Đại tá Tráng A Tủa cho biết: "Từ khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của bà con rất thuận lợi, dần đi vào nền nếp, ổn định. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 12.104 hộ với 68.396 người theo 3 tôn giáo: Tin lành, Công giáo, Phật giáo; sinh hoạt ở 396 điểm nhóm, trong đó, hoạt động chủ yếu là đạo Tin lành. Bà con giáo dân được đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước".

          Vấn đề đặt ra là đến nay, tỉnh Điện Biên còn hơn 250 điểm nhóm đạo Tin lành chưa được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cầm đầu tà đạo ngày càng tinh vi, phức tạp. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp vẫn còn nhiều phần việc phải tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo để giải quyết triệt để, hiệu quả trong thời gian tới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét