Đại
hội XIII của Đảng xác định lộ trình với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, là
nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập
trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang
phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ
niệm 100 năm thành lập Nước (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo
định hướng XHCN. Đây chính là khát vọng và tầm nhìn của Đảng và nhân dân Việt
Nam trong thời đại mới. Để thực hiện được khát vọng và tầm nhìn ấy, Đại hội
XIII xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất
nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc,
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc”. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân
tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất
nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí
tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục
tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục
tiêu của phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.
Phát
huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, đồng thuận
xã hội, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, dân tộc cường thịnh, trường tồn, nhân dân ấm no, hạnh phúc là phương
hướng cơ bản đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tất cả các cấp, các
ngành phải quán triệt sâu sắc và ra sức tổ chức thực hiện... Nếu như trong
chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, khát vọng độc lập, tự do,
tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “Thà hy sinh tất cả
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là động lực
tinh thần to lớn đưa nhân dân ta nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm, giành
độc lập tự do, thì ngày nay, khát vọng phát triển đất nước cường
thịnh, phồn vinh, hạnh phúc cần và phải là động lực tinh thần to lớn
đưa nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam phát triển hiện đại “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khát vọng phát triển
đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc ngày nay cũng chính là
mong muốn, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi như Người đã chỉ rõ: “Nếu
nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa
lý gì”.
Đại
hội XIII của Đảng yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong
thời kỳ mới. Theo đó, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp,
bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng hệ
giá trị quốc gia, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong sự
nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế, khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ
đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có kế hoạch, cơ chế và
giải pháp nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị
văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc với việc xây dựng con người, phát triển
kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục truyền
thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc cho mọi người Việt
Nam, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong
các tôn giáo, tín ngưỡng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh
doanh. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Khuyến khích các tìm tòi mới
trong sáng tạo văn hóa, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Xây dựng
các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước phồn vinh, hạnh
phúc của mọi người Việt Nam; làm cho văn hóa thấm sâu vào trong toàn bộ đời
sống và các hoạt động xã hội; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các
nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng toàn
diện là then chốt; phát triển văn hóa là nền
tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường
xuyên. “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất
để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy
giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng
bảo đảm sự phát triển bền vững”. Điều đó, đòi hỏi phải kế thừa và phát huy giá
trị văn hóa và con người Việt Nam, truyền thống lịch sử của dân tộc đã được vun
đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng
yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng
gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng
nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong
ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Đó là các di
sản văn hóa vật thể và phi vật thể “là minh chứng độc đáo cho
truyền thống văn hóa hoặc một nền văn minh đang tồn tại”, là “vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt và có tầm quan
trọng về mặt thẩm mỹ” của các di sản thiên
nhiên, công viên địa chất, sinh thái trên mọi miền của Tổ quốc. Các giá
trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam đã làm nên nền tảng tinh
thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan
trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa