Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021
Nghị quyết Đại hội XIII: Nhận thức mới về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Về nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Thứ trưởng Phan Văn Giang cho biết, nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm: xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp đảm bảo tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cương lĩnh năm 1991 chỉ rõ: “Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng. Phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng”.
Nghị quyết số 28-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 8 khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, thế trận lòng dân. Kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí cho quốc phòng, an ninh. Quan tâm phát triển khoa học - công nghệ, nghệ thuật quân sự và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch động viên quốc phòng, bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng và kế hoạch bảo đảm cho các hướng chiến lược.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.
Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng tại các khu vực phòng thủ./. NTM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét