Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

 

Phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

 Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thông qua các phương tiện truyền thông, các thế lực phản động thiếu thiện chí, thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị đã tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, qua đó hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ.

Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt; được người dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặc dù vậy, kết quả đấu tranh chống tham nhũng cũng là chủ đề mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm thực hiện các mưu đồ “diễn biến hòa bình”. Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, như: Tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, toà án xử theo lệnh của Đảng không thể chống được tham nhũng. Hoặc bản thân bộ máy đẻ ra tham nhũng, cái lò này đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải đốt những kẻ tham nhũng; bởi không bao giờ đốt hết được cả.

Luận điệu cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam” là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ. Nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất, trong đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân cấp, phân quyền với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tòa án xét xử dựa trên hành vi, chứng cứ phạm tội, chứ không phải “xét xử theo lệnh của Đảng” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực chất luận điệu xuyên tạc này nhằm tuyên truyền, cổ xúy cho nhà nước tam quyền phân lập.

Việc Đảng lãnh đạo hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay là tất yếu, khách quan, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn rõ ràng và đầy đủ. Bởi lẽ, việc không kiểm soát được quyền lực sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, sự “tha hóa quyền lực” và sự lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ thường đi liền với tham nhũng. Nếu không có giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và đấu tranh tranh phòng, chống tham nhũng hữu hiệu thì hệ quả sẽ hết sức nghiêm trọng, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém, làm mục ruỗng hệ thống chính trị, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kỳ ai. Với quan điểm rõ ràng, cụ thể đó, luận điệu: “Phòng chống tham nhũng đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực”; “Đảng không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”... là hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ. Việc xử lý cán bộ, công chức, đảng viên tham nhũng, vi phạm pháp luật là hết sức cần thiết, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phương châm phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đề ra là: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, hay bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; tạo bước chuyển biến rõ rệt nhằm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn cất lên những tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc, bóp méo, làm sai lệch vấn đề, định hướng dư luận với mục đích xấu. Do đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi đó, giữ vững quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Mỗi tổ chức, cá nhân phải nhận thức phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, kiên quyết phòng, chống với tinh thần thẳng thắng, quyết liệt. Phòng chống tham nhũng bằng cả cơ chế, chính sách và hệ thống kiểm soát quyền lực... Có như vậy, tham nhũng, lợi ích nhóm mới bị đẩy lùi và không còn cơ hội để tồn tại. Đồng thời, phải luôn tỉnh táo trước các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này.

 

1 nhận xét: