Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Phòng ngừa hoạt động lợi dụng tình hình Biển Đông để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và Nhà nước

Những ngày gần đây, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung Quốc có xu hướng đẩy mạnh các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, thậm chí có hành động khiêu khích thô bạo hơn đối với hoạt động dầu khí của Indonesia và Malaysia; tăng cường điều các tàu thăm dò, khảo sát được tàu hải cảnh, hải quan hộ tống đến áp sát những điểm hoạt động dầu khí của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, trong đó đã điều tàu khảo sát Điện Khoa 1, tàu nghiên cứu khoa học Thẩm Quát hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Các nước ASEAN liên quan tiếp tục tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền nhưng vẫn thận trọng trong phản ứng với Trung Quốc. Liên quan dịp tròn 5 năm ngày Tòa trọng tài quốc tế ra Phán quyết về vụ khởi kiện Biển Đông, Philippines ra tuyên bố với nội dung mạnh mẽ nhất từ trước đến nay; Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa; phối hợp các đồng minh (Nhật Bản, Úc, Canada, Anh…) đưa ra các tuyên bố đề cao phán quyết và bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước hết, phải khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đối với vấn đề Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông là thành viên. Trong quá trình giải quyết các xung đột lợi ích trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta luôn giữ vững quan điểm nhất quán là luôn coi trọng hòa bình, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Các bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, cụ thể là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao… Mặt khác, ngày nay vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, chúng ta càng có thêm nhiều cơ hội để đưa ra tiếng nói, khẳng định chủ quyền ở Biển Đông tại các cơ chế, diễn đàn đa phương. Ví dụ điển hình nhất là trong thời gian đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam đã nhiều lần nêu vấn đề Biển Đông để cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, đúng đắn về vấn đề này. Vì vậy, nhiều lúc tình hình trên biển có diễn biến căng thẳng, phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được mục đích, đó là giữ vững chủ quyền biển, đảo, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, không để xảy ra xung đột. Qua đó, càng chứng minh chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, trước những thông tin mới về tình hình Biển Đông, các tổ chức, đối tượng phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị, số chống đối cực đoan trong nước triệt để lợi dụng tình hình phức tạp ở Biển Đông để kích động biểu tình chống TQ và gây rối an ninh trật tự, qua đó tập hợp lực lượng, kết hợp thúc đẩy phong trào “bất tuân dân sự, hiệp thông liên tôn”, nhằm tập dượt cho cuộc “cách mạng đường phố” lật đổ chế độ. Các trung tâm phá hoại tư tưởng và trang mạng phản động tán phát nhiều bài viết xuyên tạc về tình hình Biển Đông, kích động tâm lý chống TQ; kích động tạo ra xung đột quân sự trên Biển Đông; gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, kêu gọi mọi người tham gia phong trào “bài xích người TQ, người Hoa”, đập phá trụ sở, nhà máy, xí nghiệp của TQ; các đối tượng phản động, số đối tượng cực đoan, bất mãn trong và ngoài nước tích cực sử dụng Internet, mạng xã hội như một phương tiện biểu đạt quyền tự do cá nhân, quyền tự do ngôn luận, thường xuyên cập nhật, chia sẻ các tin, bài viết tại các fanpage của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, Con đường Việt Nam, BBC News Tiếng Việt, Chân Trời Mới Media; đăng tải các bài viết trong các hội nhóm trên không gian mạng… để tuyên truyền xuyên tạc về tình hình Biển Đông, chống phá Đảng và Nhà nước ta, kích động biểu tỉnh, ủng hộ “Đảng Việt Tân”… Đồng thời, sử dụng xã hội làm phương tiện liên lạc, tìm cách móc nối, liên kết các kênh, tổ chức, cá nhân phản động để đăng tải, chia sẻ các tin, bài viết, video, clip ngắn… liên quan đến vấn đề Biển Đông với luận điệu xuyên tạc, lừa bịp nhằm kích động hoạt động chống đối, biểu tình, bạo loạn, nói xấu cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ các tổ chức phản động…

Nhằm kiên quyết đấu tranh và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề Biển Đông chống phá Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành cần phải tập trung thực hiện hiệu quả một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề Biển Đông chống phá. Bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc nói chung, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, bảo vệ lợi ích trên Biển Đông nói riêng là hoạt động có tổ chức của cả hệ thống chính trị và toàn dân, do lực lượng chuyên trách làm nòng cốt và phải luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước nhằm thực thi, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong vấn đề này cân tập trung tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phản bác các quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch, lợi dụng vấn đề Biển Đông để chống phá. Trong đó, phải thường xuyên củng cố lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo cũng như lực lượng trực tiếp triển khai công tác tuyên truyền. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải luôn đánh giá được hiệu quả và mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền về tình hình Biển Đông, quan điểm và chủ trương đường lối xử lý của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ trong vận động tuyên truyền, đấu tranh xử lý các hoạt động lợi dụng vấn đề Biển Đông để chống phá trên địa bàn.

Hai là, tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn đường lối, chủ trương chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế trong nước cũng như khu vực và trên thế giới; giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân những quy định pháp lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột, tranh chấp chủ quyền biển, đảo xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có khu vực Biển Đông. Hiện nay, những điểm bất đồng giữa các quốc gia, dân tộc đều có xu hướng giải quyết trên nền tảng hòa bình, đối thoại, cùng nhau tìm giải pháp chung và trên nền tảng nguyên tắc nhất định của pháp luật quốc tế.

Ba là, phát hiện kịp thời các hoạt động lợi dụng vấn đề Biển Đông xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; lợi dụng vấn đề này để kích động, lôi kéo một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin nhằm tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự để chủ động đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động này. Tăng cường lãnh đạo và quản lý các hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình và Internet… không để thế lực thù địch, phản động và số đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động phá hoại. Đồng thời, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, mạng xã hội, Internet trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, chủ động phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Bốn là, thường xuyên rà quét, bóc gỡ, ngăn chặn những thông tin xấu, độc về tình hình Biển Đông. Đẩy mạnh đấu tranh vô hiệu hóa các trang mạng xã hội có nội dung xấu, các hội nhóm có đăng tải những nội dung xuyên tạc về tình hình Biển Đông; tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội có phạm vi hoạt động tại nước ta; chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng Internet, mạng xã hội đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề Biển Đông. Thiết lập các trang mạng, tài khoản chính thống để huy động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động trên internet và mạng xã hội tạo thành thế trận liên hoàn, sức mạnh tổng lực.

 


1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.

    Trả lờiXóa