Với vị trí địa lý nằm ở khu vực Đông Nam Á có
ba mặt giáp biển, Việt Nam rất thuận lợi trong mối giao lưu với các nước trên
thế giới và cũng là nơi rất dễ cho việc thâm nhập các luồng văn hóa, các tôn
giáo. Việt Nam có chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không được lợi dụng quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động
bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính
sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây
rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài
sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt
động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều đó đã
quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta.
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự
do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân
dân thực hiện, chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.
Các Hiến pháp của nước ta năm 1946, năm 1959,
năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán và xuyên
suốt là tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Điều 24, Hiến
pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc
không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước
tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự
do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp
luật”.
Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo và Chính phủ có Nghị định hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở
pháp lý quan trọng phù hợp với yêu cầu của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong
thời kỳ mới của đất nước, đồng thời thể hiện sự tiếp tục hoàn thiện hệ thống
pháp luật bảo đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của nhân dân.
Trong những năm vừa qua,
nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong
đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ
Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm
2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá
cao và càng khẳng định Việt Nam luôn
bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo./.
Việt Nam có chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân
Trả lờiXóa