Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2022): HỒ CHÍ MINH VỚI NHỮNG QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ TẠI QUỐC DÂN ĐẠI HỘI TÂN TRÀO Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã để lại những dấu mốc lịch sử hết sức quan trọng, nhất là ở những giai đoạn, thời điểm mang tính bước ngoặt của cách mạng. Quốc dân Đại hội Tân Trào với những quyết định quan trọng, càng chứng tỏ tài thao lược, nhạy bén, kịp thời và tầm nhìn vượt thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh-Nhà tiên tri, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất... Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nằm trong Chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tân Trào được xem như “thủ đô giải phóng”, vì nơi đây là địa điểm họp Hội nghị Trung ương Đảng toàn quốc, Tổng bộ Việt Minh và Đại hội quốc dân cả nước để thống nhất ra quyết định Tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân, tiến tới thành lập nhà nước công nông. Từ ngày 13-8 đến 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, gồm đại biểu các đảng bộ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị đề ra đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Minh trong tình hình mới. 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh thực hiện trong Khu giải phóng, được coi như chính sách cơ bản của chính quyền cách mạng sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào. Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu ở Bắc, Trung, Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài (Thái Lan, Lào), đại biểu các đảng phái, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo... Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội quy định Quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca. Quốc dân Đại hội Tân Trào thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện đường lối Tổng khởi nghĩa do Đảng đề ra. Ông Trần Huy Liệu được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng tại đại hội, đã viết trong “Hồi ký đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào”, có đoạn: “Ủy ban Dân tộc giải phóng được bầu theo nghị quyết của đại hội, khi cần thiết sẽ đổi thành Chính phủ lâm thời. Ủy ban do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tôi là Phó chủ tịch. Đến lượt Ủy ban dân tộc làm lễ tuyên thệ trước đại hội… Đó là những phút giây trang nghiêm, trọng đại và cảm động nhất. Đại hội bế mạc trong không khí khởi nghĩa sục sôi, nhiều đại biểu hẹn nhau sớm về địa phương để kịp lãnh đạo nhân dân phất cao cờ khởi nghĩa...”. Hiện nay, ngay trước đình Tân Trào, ở vị trí giữa sân đặt phiến đá ghi hàng chữ: “Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời thề nhậm chức Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng trước Đại hội quốc dân Tân Trào”. Đại hội quốc dân Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần trước họa ngoại xâm. Đại hội quốc dân tại Tân Trào là đại hội đại biểu của cả nước, gồm đủ các thành phần thuộc các đoàn thể, đảng phái, các cá nhân tiêu biểu cho dân tộc, tôn giáo, các địa phương ở Bắc, Trung, Nam…, tạo thành định chế dân cử mang tính nhân dân cao, như Quốc hội trong thời chiến. Đại hội có đề cử, bầu cử, biểu quyết và kết thúc bằng nghị quyết. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, trong đó Người hiệu triệu: “…Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” Cũng sau ngày bế mạc Đại hội quốc dân Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ Hòa Kỳ với nội dung: “Nhân danh Ủy ban Dân tộc giải phóng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo với Liên hợp quốc rằng, chúng tôi đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật Bản, nay đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thể hiện lời hứa long trọng của mình, là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập…”. Từ Yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919), Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (năm 1930), Chương trình Việt Minh (năm 1941), đến Quốc dân Đại hội Tân Trào (năm 1945) với những quyết định mang tính lịch sử đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, nhất quán của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người thật sự là linh hồn, người tìm đường, chọn đường và dẫn đường thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét