Bốn mục tiêu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cho dù có những nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và của toàn hệ thống chính trị, thì bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, thậm chí liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã được phát hiện, xử lý thời gian gần đây; không chỉ gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; “phòng” là chính, là cơ bản, lâu dài, “chống” là quan trọng, cấp bách.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”(5). Có thể thấy, mọi hành động vụ lợi về vật chất, quyền lực, chức quyền của cán bộ, đảng viên thường bắt đầu từ quá trình phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, từ sự hư hỏng, lệch lạc trong đạo đức, lối sống, bị cám dỗ bởi lợi ích, vật chất, trở nên vô cảm trước khó khăn, nỗi đau khổ của nhân dân. Vì vậy, không có giải pháp căn cơ, tối ưu nào để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa hơn là tiến hành phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, thành viên cơ quan công quyền. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần tập trung vào việc giáo dục, uốn nắn nhận thức, ý chí, tư tưởng, đạo đức trong mỗi cá nhân; đồng thời, triệt tiêu, hạn chế tối đa môi trường, điều kiện, động cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Trong những năm tới, công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực phải hướng tới mục tiêu cao nhất là mỗi cán bộ, đảng viên ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị “không thể”, “không dám”, “không cần” và “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Đây chính là bốn mục tiêu cơ bản của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Hơn bao giờ hết, phải làm sao xây dựng được một thể chế chặt chẽ, hướng đến phủ kín các khoảng trống, khe hở để “không thể” tham nhũng; đặc biệt, các quy định phải bảo đảm sự ràng buộc chặt chẽ đối với các quyền hạn, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, một cơ chế xử lý phải thực sự có tính răn đe, nghiêm khắc, “pháp bất vị thân” để mỗi cá nhân thực sự e ngại, bị răn đe trước những hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị, pháp lý, những tổn hại về danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng nếu có hành vi vi phạm để “không dám” tham nhũng. Cuối cùng là, hình thành một môi trường sống, học tập và làm việc chuẩn mực, nền nếp, khoa học; đặc biệt, chú trọng xây dựng nền văn hóa, đạo đức chuẩn mực, trong đó “người dân có đạo làm người, cán bộ có đạo làm quan, đạo làm tướng” để “không cần, không muốn tham nhũng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét