Về bản chất, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Vì thế, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(4). Tuy nhiên, đối với bất cứ một đảng cầm quyền nào, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nguy cơ tham nhũng, quan liêu, thoái hóa... luôn hiện hữu. Do vậy, để giữ vững bản chất, uy tín và năng lực lãnh đạo, Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”(5). Cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần nêu gương, nâng cao trách nhiệm, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa... Đây chính là “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hại, nếu không chống sẽ làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Cùng với việc chống giặc “nội xâm”, để bảo đảm “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”(6), chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng sai trái, thù địch đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, tập trung xây dựng “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(7). Đây chính là cơ sở để giữ vững niềm tin và tạo sự ủng hộ của nhân dân, góp phần củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền. Bởi vậy, từ thực tế “tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”(8), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được coi là “nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét