Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang triệt để sử dụng mạng Internet, mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái; tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để có biện pháp đấu tranh hiệu quả, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
1. Nhận diện một số luận điệu sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ chống phá cách mạng Việt Nam trên
không gian mạng
Ở Việt
Nam, dịch vụ Internet chính thức được cung cấp từ năm 1997 và nhanh chóng được
sử dụng phổ biến trong toàn xã hội. Trong bài viết “Một bản báo cáo thiếu khách
quan, sai sự thật về tự do Internet ở Việt Nam”, tác giả Nguyễn Sơn đã nêu rõ: “Việt Nam được đánh giá là quốc gia có
tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới”. Theo thống kê của We Are
Social và Meltwater, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 77.93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% tổng
dân số. Với con số này, Việt Nam
là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và thứ 6 ở châu Á. Vì vậy, các thế lực thù địch đã sử dụng Internet, mạng xã hội như
một “công cụ hữu hiệu” để chống phá cách mạng Việt Nam bằng cách lập ra hàng
trăm trang web, blog; trong đó phần lớn máy chủ được đặt ở nước ngoài để thu
thập, nhào nặn, phát tán những thông tin, hình ảnh xấu độc, sai sự thật. Thông
qua mạng Internet, mạng xã hội, chúng tập hợp lực lượng và tổ chức thành lập
các “hội”, “nhóm” bất hợp pháp, đứng lên hô hào đấu tranh cho “tự do”, “dân
chủ”, “nhân quyền” ở Việt Nam.
Chủ thể chống
phá: Có rất nhiều tổ chức và cá nhân, cả ở trong và ngoài nước thực
hiện các hoạt động chống phá dân chủ ở Việt Nam trên mạng Internet, mạng
xã hội, cụ thể là:
Về
tổ chức, các thế lực thù địch, phản động đã tổ chức “Mạng lưới nhân quyền” dày
đặc ở hầu hết ở các nước phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy
Điển…), tiêu biểu như: Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRM) có trụ sở tại Mỹ; Tổ
chức Ân xá quốc tế (AI) với các nhóm hoạt động ở Mỹ, Bỉ, Đức, Hà Lan, Thụy
Điển; Tổ chức Freedom House (FH) có trụ sở tại Mỹ. Ở trong nước, có nhiều tổ
chức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá như: Việt Tân, Đảng nhân
dân hành động, Chính phủ Việt Nam tự do, Hiệp hội đoàn kết công nông, Ủy ban
bảo vệ quyền làm người Việt Nam... Tất cả các tổ chức đó đều núp dưới chiêu bài
“Dân chủ, nhân quyền”, được sự hậu thuẫn của một số lực lượng nước ngoài nhằm
“truyền bá” vào xã hội Việt Nam những tư tưởng tư sản; khi có thêm “chất xúc
tác” thì các lực lượng này sẽ là nhân tố tạo ra “ngòi nổ” làm sụp đổ chế độ xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt, tổ chức “Bảo vệ quyền làm người Việt
Nam” do Võ Văn Ái làm chủ tịch; dưới danh nghĩa là Phó chủ tịch Liên đoàn nhân
quyền (FIDH), Võ Văn Ái liên tục có các hoạt động chống phá Việt Nam tại các
khoá họp của Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc; “Diễn đàn thế giới về dân chủ tại
Á châu” (World Forum for Democucy in Asia); “Họp mặt dân chủ Việt Nam”…
Về cá nhân: Được sự “hà hơi, tiếp sức” của bọn
phản động nước ngoài, nhiều cá nhân trong nước cũng lợi dụng vấn đề dân chủ để
chống phá cách mạng Việt Nam, điển hình như: Trương Châu Hữu Danh cùng thành
viên nhóm “Báo Sạch” (Long An); Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn
Thanh Nhã, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, Đặng Dũng, Huệ Đăng (Thành phố Hồ Chí
Minh); Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Lân Thắng (Hà Nội)… Những đối tượng này thường
xuyên có các bài viết, bài phỏng vấn, thư kiến nghị đăng tải trên mạng Internet , mạng xã hội như: “Việt Nam và sự đổi
mới”; “Suy nghĩ về nhận thức lại” (Hồ Nam Hải); “Đa đảng không phải là điều
kiện của dân chủ” (Huệ Đăng); “Cần chấp nhận luật chơi dân chủ” (Đặng Dũng) hay
“Quyền tự do lập đảng ở Việt Nam” (Nguyễn Văn Đài)… nhằm nói xấu, xuyên tạc
tình hình dân chủ ở Việt Nam; hô hào cho một nền dân chủ chung chung, phi giai
cấp, đòi thực hiện một nền dân chủ đa đảng theo mô hình dân chủ phương Tây. Ngoài ra, một số cán
bộ, đảng viên (có những đảng viên đã từng giữ chức vụ trung, cao cấp trong hệ
thống chính trị của nước ta) suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” và một số người do nhận thức lệch lạc, bị lôi kéo, bị kích
động, mua chuộc. Đây là những người phản bội lại quá khứ hào hùng của dân tộc,
phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nguyên nhân của sự phản bội đó đôi khi
bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề cụ thể trong chủ trương,
chính sách, trong cách ứng xử của những người lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi
những người này công tác.
Một số luận
điệu sai trái về vấn đề dân chủ,
nhân quyền ở Việt Nam:
Một là, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với các luận điệu sai trái,
cho rằng: “Một đảng lãnh đạo thì mất dân chủ, làm kìm hãm, cản trở
sự phát triển thịnh vượng của đất nước”; “Việt Nam không có dân chủ vì thực
hiện chế độ nhất nguyên, nhất đảng nên thực hiện cả hai nhiệm vụ: vừa đá bóng,
vừa thổi còi, từ đó dẫn đến hiện tượng dân chủ hình thức”; “Việt Nam muốn có
dân chủ thực sự thì phải đa đảng”...
Hai là, phủ nhận những thành tựu của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam. Chúng chĩa mũi nhọn vào nguyên tắc tập trung dân chủ với những luận điệu hết sức mơ hồ, lố bịch như: “Tập trung dân chủ sẽ dẫn đến quan liêu,
chuyên chế, bảo thủ, kìm hãm tư duy sáng tạo cũng như tình trạng vô trách nhiệm”; “Dân chủ
không thể đi đôi với tập trung”; “Dân chủ chỉ là thứ yếu, hình thức”; “Nhân dân
không được phát huy quyền làm chủ”; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng” chỉ là hình thức và mị dân…
Ba là, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để bôi nhọ, bóp méo, xuyên tạc việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam. Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc công tác bầu cử
ở nước ta chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng Cộng sản đạo diễn. Chúng đã câu dẫn, kích động các phần tử cơ hội chính trị trong nước thực hiện
chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ủng hộ cho
các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại bầu cử; đồng thời, rêu rao Đảng Cộng
sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử; thậm chí chúng còn rêu rao rằng bầu cử chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được
các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”...
Thủ đoạn, biện pháp chống phá: Để thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch sử
dụng rất nhiều thủ đoạn, biện pháp như: sử dụng điện thoại di động, Fax để
thông tin và liên lạc với nhiều người một cách nhanh chóng và kín đáo; Tăng
cường sử dụng Internet để mua bán sản phẩm và dịch vụ, cải tiến liên lạc giữa
những người tự cho là “chiến sĩ dân chủ” với thế giới bên ngoài. Chúng lập ra
nhiều trang web mạo danh các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương
Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số nhân vật được xã hội
chú ý hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ môi
trường”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”,…
để bình luận, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân
dân với Đảng, Nhà nước. Thông qua mạng Internet, mạng xã hội, các thế lực thù
địch tổ chức xuất bản các bản tin chuyên nghiệp mà không cần giấy phép; tổ chức
các diễn đàn về dân chủ ở Việt Nam hàng năm nhằm lôi kéo các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước đấu tranh cho cái gọi là “Xã hội dân sự” ở Việt Nam; cam
kết chặt chẽ với các nhóm nhân quyền, dân chủ ở trong và ngoài nước; vận động
các cơ quan tài chính quốc tế để nhờ họ đòi hỏi ta phải “tôn trọng nhân quyền,
dân chủ như một điều kiện để tiếp tục cấp viện”, đồng thời, tích cực vận động
Liên Hợp Quốc, EU, Châu Úc, Nhật Bản, Mỹ… nhờ họ đòi Việt Nam cải tiến tình
trạng dân chủ, nhân quyền trong nước.
2. Luận cứ khoa học phản bác các luận điệu sai trái, thù
địch lợi dụng vấn đề dân chủ để
chống phá cách mạng Việt Nam trên không gian mạng hiện nay
Thứ nhất, khẳng định dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa
là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước
Luận cứ này là cơ sở đập tan
luận điệu “Dân chủ ở Việt Nam là hình thức, là mị dân”. Như đã biết, dưới góc độ chính trị - xã hội, dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa
trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, là chủ thể của quyền
lực; thừa nhận và thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tự do cho mọi công dân trong
xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội mang tính
lịch sử và tính giai cấp sâu sắc. Bản chất và nội dung cốt lõi của dân chủ là
quyền lực xã hội thuộc về nhân dân. Do vậy, nền dân chủ ra đời vừa mang tính
giai cấp sâu sắc, vừa là một giá trị xã hội, là thước đo trình độ phát triển
tiến bộ, văn minh của lịch sử xã hội.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nấc thang tiến bộ trong lịch
sử xã hội loài người. Giá trị cốt lõi mà dân chủ xã hội chủ nghĩa muốn hướng
đến được thể hiện qua việc bảo vệ những quyền cơ bản cho nhân dân lao động như:
Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ.
Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều
là phân công làm đày tớ cho dân”; “bao
nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Dân chủ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam đã được cụ thể hóa trong đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước qua nhiều kỳ đại hội. Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ
sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của
chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Dưới sự lãnh đạo
của Đảng, quản lý của Nhà nước, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn
tiếp tục phát huy và ngày càng mở rộng; khẳng định
rõ bản chất của dân chủ xã
hội chủ nghĩa chính là bản chất của
chế độ xã hội mới tốt đẹp, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phát triển đất nước,
điều đó có nghĩa là, dân chủ xã hội chủ nghĩa được xác lập và không ngừng hoàn
thiện cùng với quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Mọi chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ nhân dân và vì lợi ích của nhân
dân. Nhân dân lao động là chủ thể của quyền lực, làm chủ thực sự trên mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội. Đó chính là thước đo, là tiêu chí để đánh giá mức độ
hoàn thiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và cũng khẳng định sự khác biệt về
chất so với dân chủ tư sản.
Dân chủ
xã hội chủ nghĩa là động lực của sự phát triển đất nước, được thể hiện ở chỗ:
Nhân dân lao động làm chủ, phát huy cao độ tính tích cực, tự giác của mình
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Sức lao động được giải phóng, mọi
tiềm năng của đất nước được phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho sự
phát triển đất nước. Đặc biệt, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đại hội Đảng XIII đã khẳng định cái đích
đến cuối cùng, mục tiêu tối thượng của Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đảng
và Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân
dân; được thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất
là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính
sách, người yếu thế. Đây không chỉ là
mục tiêu, mà còn là động lực để khơi
dậy sức mạnh và các nguồn lực trong nhân dân để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống.
Thứ hai,
khẳng định dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một
đảng hay đa đảng và Việt Nam không chấp nhận “đa nguyên, đa đảng”
Luận cứ này là cơ sở khoa học để đập tan luận điểm “Một đảng lãnh đạo thì mất dân chủ, làm kìm hãm, cản trở sự phát triển thịnh vượng của đất nước”; “Việt Nam muốn có dân chủ thực sự thì phải đa đảng”. Quả thật, sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng, một đảng lãnh đạo thì đồng nghĩa với mất dân chủ và đất nước kém phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.
Khi
xem xét một đất nước, một chế độ có dân chủ hay không thì phải căn cứ vào nhiều
yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Các yếu tố ấy có thể phụ thuộc bản chất của
chế độ xã hội đó, bản chất của các đảng cũng như lợi ích xã hội có được
bảo đảm hay không? Mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị
một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, không phụ thuộc
vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền: Đảng cầm quyền đó
đại diện cho quyền và lợi ích của ai và phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích cho số
đông hay số ít người trong xã hội? Cho nên, ở quốc gia nhất nguyên, một đảng,
nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân,
phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù
đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông
đảo người dân trong xã hội. Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia chỉ có một đảng
cầm quyền nhưng vẫn bảo đảm dân chủ, đời sống nhân dân vẫn ấm no, hạnh
phúc, kinh tế - xã hội ổn định. Trong khi đó, một số quốc gia có nhiều đảng
nhưng vẫn mất dân chủ, tình hình trật tự bị rối loạn. Đó chính là biểu hiện
sinh động khẳng định, đa đảng không phải là cứu cánh và quyết định bản
chất dân chủ của một quốc gia.
Ở
Việt Nam không cần và không bao giờ chấp nhận chế độ đa đảng, bởi lẽ: Về mặt lý
luận, chủ nghĩa đa nguyên là một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà
triết học Đức Christian Wolff (1679-1754) đề xuất đầu thế kỷ XVIII; nó phủ định
tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng, phủ nhận sự phân chia xã
hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế
quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng
phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Chủ nghĩa đa nguyên
là sản phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phi khoa học, trái với chủ
nghĩa Mác - Lênin. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành
động. Hơn nữa, địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là do ý
chí chủ quan của một cá nhân hay của một lực lượng chính trị nào, mà đó là kết
quả quá trình “sàng lọc” khắc nghiệt của lịch sử; sự lựa chọn hoàn toàn đúng
đắn của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn của đất nước trong công cuộc
đấu tranh giải phóng dân tốc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội đều
gắn liền với sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy,
nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn được bảo đảm và chúng ta không cần
đến cái gọi là “đa nguyên, đa đảng” đề có dân chủ.
Thứ ba, khẳng
định nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cao nhất trong toàn bộ hoạt
động của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Có quan điểm cho rằng “Tập trung dân
chủ sẽ dẫn đến quan liêu, chuyên chế, bảo thủ, kìm hãm tư duy sáng tạo cũng như
tình trạng vô trách nhiệm”. Với luận điệu sai trái này, họ ra sức tán dương thực
hiện dân chủ tự do, dân chủ vô hạn độ, dân chủ cực đoan; ủng hộ nhiều phe nhóm
đối lập để đấu tranh, bàn cãi; sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “đa nguyên” cổ vũ
cho những bất đồng ý kiến trong Đảng để chia rẽ Đảng. Quan điểm này là hoàn
toàn sai lầm, xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ từ bản chất. Thực tiễn cho
thấy, với tư cách là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, đương
nhiên Đảng Cộng sản phải có tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất, chứ không
thể là một tổ chức lỏng lẻo, vô chính phủ. Mục đích của những người cộng sản là
đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội ấm no, tự do, hạnh phúc, dân
chủ, công bằng và bảo vệ phẩm giá con người cho nên Đảng Cộng sản lại phải có
tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích ấy. Bởi vậy, xa rời nguyên
tắc tập trung dân chủ là xa rời bản chất của Đảng Cộng sản.
Ở
Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được xác định là nguyên tắc căn bản trong
mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng và bộ máy Nhà nước, được quy định
tại Điều 6, Điều 8 của Hiến pháp năm 2013 và một số văn bản quy phạm pháp
luật khác. Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ là bảo đảm sự chỉ
đạo, điều hành tập trung thống nhất của các cơ quan nhà nước ở Trung
ương đối với các cơ quan
nhà nước ở địa phương, của cấp trên đối với cấp dưới;
bảo đảm quyền chủ động sáng tạo và khả năng độc lập nhất định trong quá trình
thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các địa phương, cơ sở,
của cán bộ, nhân viên trong bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
lao động trong quản lý nhà nước và các công việc xã hội.
“Tập
trung” và “dân chủ” là hai mặt của một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng,
bổ trợ với nhau nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Do đó, quá
trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của
Đảng, bộ máy Nhà nước cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa “tập trung” hoặc
tuyệt đối hóa “dân chủ”, mà phải kết hợp hài hòa hai yếu tố này.
Bởi lẽ, nếu tuyệt đối hóa “tập trung” mà xem nhẹ “dân chủ” sẽ tạo cơ hội cho quan liêu, cửa quyền, tham nhũng phát triển
cũng như làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ, sáng tạo của cấp dưới, của địa phương
và quyền làm chủ của nhân dân lao động. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa quyền tự
chủ của cấp dưới, của địa phương, đơn vị cơ sở, mà hạ thấp
vai trò chỉ đạo tập trung thống nhất cần thiết của cấp trên, của Trung ương thì có thể sẽ dẫn đến
các hậu quả, như dân chủ quá trớn, tình trạng tuỳ tiện, vô chính phủ, cục bộ
địa phương, làm cho hoạt động của bộ máy nhà nước không phát huy được hiệu lực
và hiệu quả.
Như vậy, thực chất các
luận điệu sai trái, thù địch về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam trên mạng Internet, mạng xã hội là những
đánh giá sai sự thật, mang ý đồ chính trị của các thế lực thù địch. Nó bộc lộ rõ dã
tâm, mưu đồ đen tối là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành
quả của dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo ra những nhân tố bên trong chuyển hoá chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo mô hình dân chủ phương Tây. Vì vậy, mỗi chúng ta cần
phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng;
đồng thời nghiên cứu, nhận
diện rõ các luận điệu này và có luận cứ đấu tranh xác đáng, thuyết phục để củng cố vững chắc
nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, cần tập trung quán triệt và thực hiện một số vấn
đề cơ bản, đó là: Nâng cao nhận thức của đội
ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù
địch lợi dụng vấn đề dân chủ chống phá cách mạng Việt Nam; Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức đấu tranh
chống các quan điểm sai trái, thù địch về dân chủ ở Việt Nam trên không gian mạng; Phát huy vai trò của các lực lượng đấu tranh chuyên
sâu, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật để đấu tranh chống các
quan điểm sai trái, thù địch về dân chủ trên không gian mạng; Quản lý
chặt chẽ các mạng xã hội, mạng Internet và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề dân chủ để
chống phá Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét