Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách diễn đạt rất giản dị, ngắn gọn nhưng đầy súc tích và hàm chứa ý nghĩa sâu sắc đưa ra định nghĩa tự học là “tự động học tập”. “Tự động học tập” là việc học tập do chính bản thân người học quyết định, người học tích cực, chủ động, tự giác trong việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp học tập, tự kiểm tra, đánh giá kết quả mà không cần sự điều khiển, giao nhiệm vụ của người khác. Hồ Chí Minh giải thích rõ: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”. Đây là quan niệm hoàn toàn mới mẻ so với nhận thức của số đông đồng bào lúc bấy giờ, trở thành những chỉ dẫn quan trọng trong đẩy mạnh phong trào tự học của toàn dân.
Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024
TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG HỒ CHÍ MINH VỀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
Thứ nhất, xác định đúng mục đích và động cơ học tập
Mục đích và động cơ học tập là điều kiện, tiền đề để nâng cao kết quả học tập. Theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mục đích của việc học tập hoàn toàn khác so với trong xã hội cũ là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Đó là mục đích cao cả trở thành lý tưởng sống cao đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chế độ mới, động lực thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân tự học tập. Những chỉ dẫn ấy vừa có tính cách mạng, vừa có tính khoa học, thể hiện sự giải quyết hài hoà giữa quyền và lợi ích học tập của cá nhân với cống hiến, đóng góp cho tập thể, đất nước và nhân loại. Nếu học chỉ “để làm quan phát tài” hay vì mưu cầu lợi ích cá nhân thấp hèn thì tất yếu sự học không thể bền bỉ suốt cuộc đời mỗi người và tất yếu dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong học tập. Vì vậy, Người đưa ra tôn chỉ “Còn sống thì còn phải học” và khuyên mọi người phải “tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”.
Theo quan điểm của Người, việc xác định mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập không chỉ là vấn đề học tập mà còn là vấn đề đạo đức, là nhân cách của người học. Đây chính là nhân tố quyết định hiệu quả tự học, bảo đảm sự học bền bỉ, suốt đời không dứt đoạn, không bị tha hoá. Người chỉ rõ: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Bằng thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về tự học. Dù không có nhiều thời gian học chính quy trong trường lớp nhưng bản thân Người là một nhà văn hoá kiệt xuất, một lãnh tụ cách mạng của dân tộc với trí tuệ thiên tài. Người chưa từng học ở trường dạy viết báo nhưng Người là một nhà báo nổi tiếng, là chủ bút của nhiều tờ báo lớn của nhân dân các nước thuộc địa. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã làm rất nhiều nghề để mưu sinh và dùng thu nhập ít ỏi để mua sách báo, tài liệu, vào các thư viện để tự học tập, nghiên cứu. Tấm gương hy sinh, ý chí quyết tâm trong quá trình tự học, tự nghiên cứu của Người xuất phát từ việc xác định động cơ học tập đúng đắn, đó là học vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng. Trong tâm trí Người chỉ có một mong ước cháy bỏng là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Học tập là quyền con người chính đáng nhưng nếu có động cơ học tập cao cả để “phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc” sẽ là động lực giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch tự học, sắp xếp thời gian học tập khoa học và kiên quyết, kiên trì đạt được mục đích học tập đề ra
Trong mọi hoạt động, nhất là trong tự học cần phải xây dựng kế hoạch khoa học. Học tập có kế hoạch nghĩa là phải biết phân bổ thời gian, công sức, trí lực hợp lý, khoa học, nội dung nào học trước, nội dung nào học sau để tốn ít thời gian, công sức nhất nhưng hiệu quả học tập cao nhất. Trong tự học, Người xây dựng thời khóa biểu tự học hợp lý và định ra thời gian phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Với năng khiếu bẩm sinh, tư duy sắc sảo cùng với sự khổ công tự học đã giúp Người thành thạo nhiều ngoại ngữ. Người kể lại kinh nghiệm tự học ngoại ngữ: Với mỗi từ mới sau khi hỏi được nghĩa, Người viết vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, có khi viết vào cánh tay để trong khi làm việc vẫn có thể học được. Có khi vừa đi đường Người vừa nhẩm trong đầu từ mới… Chính quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ giúp Người vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để tự học thành công. Từ thực tiễn học tập và hoạt động cách mạng Người đã rút ra chân lý: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Thứ ba, tự học trong thực tiễn và gắn kết chặt chẽ giữa “học đi đôi với hành”
Quá trình tự học của Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn liền với quá trình lao động và hoạt động cách mạng. Chính lao động và hoạt động cách mạng là điều kiện để Người tích luỹ, củng cố kiến thức vững chắc và kiểm nghiệm, đánh giá kết quả tự học. Trong điều kiện lao động kiếm sống và hoạt động đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng Người không bao giờ từ bỏ mục đích học tập. Chính vì vậy, Người luôn khuyên và nhắc nhở mọi người cố gắng học tập, học ở mọi lúc, mọi nơi. Nói chuyện về công tác huấn luyện và học tập, Người nhấn mạnh: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Người đánh giá cao trí tuệ của nhân dân. Nhân dân là nhà thông thái nhất, là người thầy của cách mạng vì “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Học đi đôi với hành là một vấn đề thời sự, thường xuyên, tất yếu đối với tất cả người học, tất cả các cấp học. Học và hành là hai mệnh đề có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bác từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Do đó, trong quá trình tự học, Người căn dặn phải học đến đâu phải thực hành đến đó, không được dấu dốt, sợ sai Trong “Bài nói chuyện tại Đại hội Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam lần thứ III”(25/3/1961), Người nhắc nhở: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của các đoàn thanh niên bạn. Học đi đôi với hành”.
Tư tưởng và tấm gương tự học Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, gian khổ, học tập và làm theo tấm gương tự học của Người đã giúp tạo ra thế hệ cán bộ mới, con người mới không chỉ có giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng mà còn có tri thức, hiểu biết sâu rộng góp phần đưa sự nghiệp “kháng chiến thành công, kiến quốc thắng lợi”. Những kinh nghiệm, lời giáo huấn được rút ra từ tấm gương tự học bền bỉ suốt đời của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá” cho các thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét