Trải qua 98 năm hình thành và phát triển, báo chí Cách mạng Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống “diễn biến hòa bình”. Trước những biến động khó lường của đời sống xã hội, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền là phải phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí.
CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH KHÔNG NGỪNG LỢI DỤNG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ ĐỂ PHÁ HOẠI NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Trong những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm và khó nhận diện.
Nhằm vào lĩnh vực báo chí - truyền thông, các thế lực thù địch thường xuyên công kích, vu khống, cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí. Chúng sử dụng các đài, báo, tạp chí bên ngoài của các hội nhóm phản động, tổ chức phi chính phủ (NGOs) và đảng phái chính trị thiếu thiện chí với Việt Nam để đăng tải những bài viết xuyên tạc vấn đề tự do báo chí của nước ta; tung hô những đối tượng lợi dụng báo chí để xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) hoặc có quan điểm cực đoan, đi ngược lại chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Một số tổ chức như “Tổ chức phóng viên không biên giới”, “Ân xá quốc tế” hằng năm công bố “Báo cáo về vấn đề tự do Internet, tự do báo chí của Việt Nam” với một góc nhìn phiến diện, chủ quan, tiêu cực, nặng nề. Vào các dịp kỷ niệm, các sự kiện báo chí Việt Nam và quốc tế như: Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Ngày Tự do Báo chí thế giới (3/5), Ngày Nhân quyền thế giới (10/12)…, các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng, “thổi phồng để bóp méo” việc chúng ta đấu tranh, xử lý những đối tượng lợi dụng báo chí xâm phạm ANQG - tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam...
Cùng với đăng tải trên Internet, mạng xã hội những tin, bài của một số đối tượng phóng viên có quan điểm cực đoan, quá khích để kích động chống Đảng, Nhà nước, cổ súy cho quan điểm đòi tách báo chí thoát ly tính Đảng, tính giai cấp..., các thế lực thù địch cũng gia tăng các hoạt động lôi kéo, mua chuộc những phóng viên, biên tập viên có tư tưởng bất mãn, quan điểm cấp tiến để tác động, hô hào họ tham gia vào hoạt động xâm phạm ANQG; tài trợ, cấp học bổng cho một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tham gia các khóa học về chuyên môn nhằm lôi kéo số này đi theo quỹ đạo của tổ chức nước ngoài, đánh mất vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, không tuân thủ, chấp hành chủ trương quan điểm của Đảng, Nhà nước về báo chí.
Những âm mưu, thủ đoạn nêu trên đã dẫn đến hậu quả suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ phóng viên, biên tập viên. Trong đó, nổi lên là tình trạng đưa tin, viết bài thể hiện quan điểm hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí, xuất hiện tình trạng phóng viên ủng hộ quan điểm, tư tưởng lệch lạc, sai trái của số đối tượng chống đối trong và ngoài nước; hạ thấp thành quả cách mạng; xuyên tạc lịch sử; suy diễn, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước...
Đặc biệt, thông qua các trang cá nhân trên mạng xã hội, một số nhà báo ở trong nước đã viết bài, bình luận thể hiện quan điểm ủng hộ “tự do báo chí, tự do ngôn luận” theo kiểu phương Tây, “bóng gió” lên tiếng đòi thoát ly vai trò của Đảng đối với báo chí trong nước... Đây là những biểu hiện rõ nét của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận phóng viên, biên tập viên mà nguyên nhân một phần do âm mưu, hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí, để các hoạt động báo chí nước nhà không chỉ bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn phát huy mạnh mẽ công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, lên án, vạch rõ những âm mưu, ý đồ phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, phần tử phản động và cơ hội chính trị.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐỊNH HƯỚNG, QUẢN LÝ THÔNG TIN BÁO CHÍ VỀ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Thời gian qua, công tác quản lý thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Theo đó, đã từng bước nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu, âm mưu thù địch, chống phá.
Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá” nhấn mạnh: “Tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, cổ vũ, khuyến khích những tác phẩm có nội dung và nghệ thuật tốt, ngăn chặn những tác phẩm có quan điểm lệch lạc, sai trái. Chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Kết luận số 23-NQ/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ rõ cần phải: “Tăng cường công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan báo chí, xuất bản; Xây dựng đội ngũ người làm báo, xuất bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với xã hội, đất nước”.
Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam” tiếp tục nêu bật các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến quản lý báo chí, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân”.
Đặc biệt, trước những âm mưu, hoạt động chống phá ngày càng phức tạp, tinh vi của các thế lực thù địch trên vực tư tưởng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong đó, tiếp tục khẳng định: “Phát huy vai trò tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản”. Theo đó, quản lý thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí là yêu cầu nhiệm vụ quan trọng, tất yếu trong tình hình mới, bởi: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân...”.
Trải qua 98 năm hình thành và phát triển, báo chí Cách mạng Việt Nam đã luôn đi theo con đường do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Về cơ bản, hoạt động báo chí nước nhà luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và diễn đàn của nhân dân; là một trong những lực lượng xung kích, đi đầu trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân.
Trong tình hình mới, để phát huy mạnh mẽ, tích cực, có hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí, cần tiếp tục chú trọng và quyết liệt hơn trong thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí.
Cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trực tiếp xây dựng, ban hành hoặc xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí nhằm xây dựng hành lang pháp lý để cơ quan báo chí tham gia có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo đó, nội dung văn bản quy phạm pháp luật cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, quy định cụ thể về những điều “không được làm” trong hoạt động báo chí, trọng tâm là các hành vi chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc bản chất chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cổ súy quan điểm chống đối, phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước…
Hai là, xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cần thường xuyên tiến hành nghiên cứu, dự báo tình hình về nguồn lực báo chí cũng như các yếu tố tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí; trên cơ sở đó, tổng hợp và tiến hành xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nội dung đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cần xác định chính xác những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; mục tiêu, yêu cầu; nội dung, hình thức, cơ chế và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí. Các nội dung này được tổ chức quán triệt thực hiện đồng bộ tại các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí nhằm bảo đảm triển khai chất lượng, hiệu quả, thống nhất.
Đối tượng cần được thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện là cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí, trọng tâm là đội ngũ chuyên trách viết tin, bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác tuyên truyền, phổ biến cần chú trọng làm rõ, bổ sung, khẳng định “những điều không được làm” cũng như chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó, bảo đảm cơ quan báo chí hoạt động tuân thủ pháp luật, bám sát tôn chỉ, mục đích, tham gia hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trước mỗi chủ trương, chính sách, văn bản mới... liên quan đến những quy định về quản lý thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí, công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cần đa dạng các hình thức: hội nghị, sinh hoạt chuyên đề; thường xuyên thông tin trên các phương tiện truyền thông; phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan báo chí.
Bốn là, quan tâm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ những người làm báo. Chú trọng hơn đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu.
Bên cạnh những nội dung cơ bản như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng về đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch - vận dụng trong tình hình mới; những thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch… cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng viết, kinh nghiệm - kiến thức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nhận diện đúng các “cấp độ” chống phá, phản động, xuyên tạc, đồng thời phân biệt với giọng điệu “nói leo”, “a dua” vì thiếu hiểu biết... để xây dựng những tuyến bài, thể loại - hình thức tác phẩm báo chí phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.
Năm là, lãnh đạo cơ quan báo cần chú trọng hơn nữa trong việc quản lý, định hướng, thẩm định, đánh giá nội dung tác phẩm báo chí liên quan đến đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trước những thời điểm quan trọng và trước những vấn đề khó, nhạy cảm. Điều này không chỉ nhằm bảo đảm nội dung tác phẩm báo chí luôn đúng tôn chỉ, mục đích, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời phát hiện những nội dung chưa phù hợp, “chệch” định hướng tuyên truyền; mà còn tránh “sản xuất” ra những tác phẩm báo chí “làm cho có”, chung chung, phiến diện, khiên cưỡng, “vô thưởng vô phạt”, thậm chí là phản tác dụng...
Sáu là, các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm quy định về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí.
Theo đó, cần có “lăng kính” khách quan, khoa học, tránh quy chụp, suy diễn trong đánh giá, kết luận về những vấn đề liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thông tin để nhắc nhở khắc phục, xử lý phù hợp, phổ biến - rút kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí khác.
Bảy là, quan tâm hơn nữa đến chất lượng, tiến độ thời gian sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá chính xác công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí; chỉ rõ những thiếu sót, bất cập và nguyên nhân làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác này; kịp thời biểu dương, nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình tốt.
Kết quả sơ kết, tổng kết phải là những căn cứ, cơ sở thực chất, quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên trách về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng kiến nghị, đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục bổ sung, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí phù hợp với bối cảnh, tình hình mới./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét