Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Ngày 30/3/1954: Bắt đầu đợt tiến công thứ 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

 Ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết:

Đúng 18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân đội Việt Nam đánh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Lần này, quân đội Việt Nam không tiến đánh một vị trí đơn lẻ mà nổ súng tiến công trên toàn mặt trận.

Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị được phân công như sau:

- Đại đoàn 312, được phối thuộc hai Đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, một đại đội súng cối 82mm, có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E, D1, D2 (thuộc trung tâm đề kháng Dominique) và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh địch cùng quân cơ động thuộc Tiểu đoàn Dù ngụy số 5 ở phía trong.

- Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, hai trung đội cối 82mm có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao A1, C1, C (thuộc trung tâm đề kháng Eliane) và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

- Đại đoàn 308 có nhiệm vụ cho một đơn vị thọc sâu đánh vào tiểu đoàn dù ngụy số 3 và các vị trí pháo binh, đồng thời dùng bộ đội nhỏ tích cực quấy rối các cứ điểm 106, đánh vào Tiểu đoàn Dù ngụy số 3 và các vị trí pháo binh, đồng thời dùng bộ đội nhỏ tích cực quấy rối các cứ điểm 106, 311 và bố trí đánh quân địch nhảy dù xuống phía Bắc, chặn quân viện từ Hồng Cúm lên.

- Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105mm, một đại đội súng cối 120mm, bốn khẩu cối 82mm, 12 khẩu trọng liên cao xạ 12,7mm, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, hạn chế những hoạt động của chúng, chặn viện binh địch từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh địch nhảy dù ở phía Nam Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351 dùng toàn bộ hỏa lực yểm hộ cho bộ binh tiến công các cứ điểm: E, D1, D2, C1, C2, A1; đồng thời chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở tung thâm phía Đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh địch. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được tăng cường lực lượng mới từ hậu phương, gây cho địch những đòn đánh bất ngờ, yểm hộ đắc lực cho bộ binh và pháo binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

* Chiều 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu:

Trận mưa dầm kéo dài suốt mấy ngày liền, đến chiều 30 đã tạnh, nhưng mây đen vẫn phủ kín bầu trời và dưới các chiến hào bùn, nước vẫn lõng bõng. Lợi dụng thời tiết xấu, máy bay địch ít hoạt động, các đơn vị hỏa lực của Trung đoàn 174 đã ra chiếm lĩnh trận địa ngay từ buổi sáng. Đến 2 giờ chiều các đơn vị xung kích và hỏa lực khác của ta cũng bắt đầu tiến quân.

Dàn lá ngụy trang bằng những cành cây xanh và rơm rạ phủ trên miệng hào che kín các đoàn bộ đội và dân công hỏa tuyến đang vận động trong lòng đất, nên mặc dù lực lượng ta đang được triển khai ngay giữa ban ngày ở dưới chân cứ điểm địch mà chúng vẫn không hề biết gì. 17 giờ 30 phút, pháo binh chiến dịch bắn dồn dập vào sở chỉ huy của Đờ Cát cùng các điểm cao C1, D1, E1, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm. Bị bất ngờ, địch hoang mang không kịp trở tay đối phó trong những phút đầu tiên. Cả dãy đồi khu đông mờ mịt trong khói đạn.

Tại khu đồi C1, cuộc tiến công của Trung đoàn 98 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng diễn ra khá nhanh gọn. Chỉ sau 15 phút các chiến sĩ bộc phá của đại đội chủ công đã dọn sạch cửa mở. Thấy thời cơ có lợi, Tiểu đoàn phó Lê Đăng Việt lập tức cho bộ đội xung phong và đến 18 giờ Đại đội 38 đã chiếm lĩnh toàn bộ điểm cao C1, tiêu diệt và bắt sống 140 tên địch, thụ toàn bộ vũ khí. Trận đánh chiếm Cứ điểm C1 chỉ diễn ra trong vòng 45 phút. Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 hoàn thành nhiệm vụ tiến công, mở đầu và nhanh chóng phát triển tiến công sang cứ điểm C2.

Tại khu vực đồi E, Trung đoàn 141 sử dụng hai Tiểu đoàn 16 và 428 tiến công và đã hoàn toàn làm chủ mục tiêu sau hơn một giờ nổ súng. Tại khu vực đồi D1, trận đánh của Trung đoàn 209 cũng diễn ra tương đối thuận lợi. Được giao nhiệm vụ tiến đánh D1, các Tiểu đoàn 166 và 154 đã tiêu diệt gọn cứ điểm địch trước khi trời tối. Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm đồi E, D1. Thừa thắng, Bộ chỉ huy Đại đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 đánh sang cứ điểm D2. Các đơn vị vừa hoàn thành nhiệm vụ ở đồi E và D1 cũng phát triển tiến công tiếp vào các ngọn đồi ở phía trong tranh thủ diệt địch. Những tên lính lê dương, Bắc Phi và ngụy Thái sống sót ở trung tâm đề kháng Dominique tháo chạy hỗn loạn về phía Nậm Rốm đến nỗi viên Trung úy Mác-ti-ne chỉ huy một đại đội đến tăng viện phải ra lệnh bắn vào những đám lính đang chạy trốn để buộc họ phải dừng lại. Trận đánh tiếp tục cho đến khi trời sáng.

Khu vực đồi A1, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 ngay từ đầu đã gặp nhiều trở ngại. Do đường điện thoại bị pháo địch bắn đứt, nên đến 17 giờ 30 phút, Trung đoàn vẫn chưa hiệp đồng tác chiến được. Chỉ sau khi C1 bị diệt, thấy pháo chuyển làn bắn vào A1, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động cho đơn vị tiến lên mở cửa và phải mất hơn một giờ đồng hồ mới mở thông được đường tiến. Hai tiểu đoàn ta chia làm nhiều mũi xung phong vào cứ điểm. Nhưng lúc đó pháo địch đã hồi sức. Chúng dựng lên một bức tường lửa để yểm hộ cho Tiểu đoàn Ma-rốc số 1 giữ cứ điểm và chặn đường tiến của đơn vị. Người trước ngã, người sau vượt lên, bộ đội ta dũng cảm băng qua lửa đạn tràn vào cứ điểm của địch. Hai bên giành giật nhau từng mét hào, lô cốt. Hào hẹp, sâu lút đầu người rất khó định hướng, các đơn vị cứ nhắm đỉnh đồi mà tiến. Địch phải lui dần. Đến đỉnh đồi chúng dựa vào một ụ đất lớn (thực ra đó là một hầm ngầm rất kiên cố) chống cự quyết liệt và phản xung phong, đẩy bộ đội ta xuống, dưới chân đồi.

Địch ẩn hiện bất thường, nhiều khi địch cho lính rút hết vào trong hầm ngầm rồi gọi pháo bắn dập ngay xuống đỉnh đồi làm cho lực lượng xung kích của ta bị thương vong nhiều. Tiểu đoàn phó Lê Sơn điều bộc phá lên đánh vào ụ đất lớn trên đỉnh đồi mà trong suốt trận đánh cán bộ, chiến sĩ trung đoàn tưởng đó chỉ là một "lô cốt mẹ" bình thường. Thấy trong đồn gặp khó khăn, Trung đoàn Trưởng Nguyễn Hữu An cho đưa tiếp tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Từ trên đỉnh đồi địch vẫn khi ẩn, khi hiện. Ta diệt được tốp địch này, lại có tốp địch khác từ nơi đỉnh đồi tiến ra phản kích. Cuộc đọ sức giữa các chiến sĩ Trung đoàn 174 và binh lính tiểu đoàn Bắc Phi cứ tiếp tục giằng co như vậy cho tới sáng ngày 31-3.

Trong buổi chiều và đêm 30 tháng 3, ngoài lực lượng tiến công vào các ngọn đồi ở phía Đông, Bộ chỉ huy chiến dịch còn sử dụng hai tiểu đoàn của Đại đoàn 312 và một tiểu đoàn của Đại đoàn 308 hình thành ba mũi thọc sâu với nhiệm vụ tiêu diệt trận địa pháo ở cứ điểm 210 và đánh vào các lực lượng địch đóng ở vòng trong làm rối loạn thế trận phòng ngự của chúng, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc đánh chiếm các ngọn đồi ở phía Đông. Nếu tình hình thuận lợi thì chiếm đại bộ phận khu đông của địch nằm bên tả ngạn sông Nậm Rốm. Nhưng tình hình diễn ra không theo đúng dự kiến. Càng tiến sâu vào bên trong các tiểu đoàn thọc sâu của ta gặp nhiều khó khăn vì địa hình phức tạp và không đủ bộc phá mở đường qua hệ thống hàng rào và những chướng ngại vật chằng chịt.

Riêng mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 11 do Đại đội trưởng Nọa dẫn đầu đã vượt qua cửa mở đồi E tiến theo đường 41 vào tung hoành giữa trận địa địch, gây cho chúng bất ngờ lớn. Sau khi đánh xuyên qua Tiểu đoàn Dù ngụy số 5, Đại đội trưởng Nọa chỉ huy một mũi đánh thẳng vào khu trận địa pháo của địch gây cho chúng nhiều thiệt hại, Đại đội phó Hiệu và Chính trị viên Đại chỉ huy một mũi khác đánh vào trận địa của Tiểu đoàn Dù thuộc địa số 1. Mặc dù lực lượng bị tổn thất, các dũng sĩ Đại đội 243 vẫn táo bạo phát triển ra tới sát bờ sông Nậm Rốm và gan góc trụ lại trong lòng địch, đương đầu với chúng suốt ngày hôm sau.

Qua một đêm nổ súng, bộ đội ta đã tiêu diệt được các cứ điểm C1, D1, E. Địch hoảng sợ kéo pháo rút khỏi cứ điểm 210 và rút quân khỏi khu vực đồi D2.

Nguồn: qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét