Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với xu thế của thời đại hiện nay

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, C. Mác đã cho rằng: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(3). Theo chiều tiệm tiến thì việc phát triển tuần tự hay bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội đã lỗi thời lạc hậu, xây dựng hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn là hợp quy luật phát triển của xã hội loài người. Cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải là nấc thang phát triển cao nhất của xã hội loài người. Trong thời đại hiện nay, các dân tộc chỉ có hai lựa chọn là, theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, hay cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn con đường nào phụ thuộc vào nhận thức và hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của mỗi dân tộc. Nhưng, xu hướng phát triển chung là các dân tộc đều đi lên chủ nghĩa xã hội, dù cho con đường đó diễn ra lâu dài, gian khổ và cách thức tiến hành sẽ không giống nhau.

Điều ấy được kiểm chứng rõ trong tính đặc thù của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, sau khi giành được độc lập đã bỏ qua sự phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội. Nước ta phải trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh với quyết tâm chống lại ách đô hộ và xâm lược của đế quốc, thực dân, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Việt Nam là một tấm gương mẫu mực trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; đó là cơ sở bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là đường lối cơ bản, xuyên suốt và nhất quán của cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại bước sang giai đoạn mới là chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, có nhiều thành tựu trong giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ, nên đã đạt được năng suất lao động cao. Song, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó; các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, các tệ nạn xã hội, nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra lại càng làm bộc lộ rõ bản chất chế độ chính trị - xã hội của các nước này không vì sức khỏe, hạnh phúc của đại đa số nhân dân lao động. Các phong trào đấu tranh phản kháng xã hội đã bùng nổ mạnh mẽ, với những nội dung và hình thức mới ở nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua, càng làm bộc lộ rõ sự thật về những mâu thuẫn mang tính bản chất không thể hóa giải của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét