Sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là nguồn kế cận tin cậy,
vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng với các thế hệ thanh
niên thời đại Hồ Chí Minh viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc; xứng
đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Song, bên cạnh rất nhiều tấm gương đã
và đang ngày đêm vượt khó vươn lên; tích cực đổi mới, sáng tạo; sẵn sàng xông
pha “đi trước mở đường” trên nhiều lĩnh vực, vẫn còn một bộ phận nhỏ có biểu
hiện sa vào “tư duy lối mòn”. Đây là điều nguy hại, cần nhận diện, phê phán,
đấu tranh...
Giống như “con lắc đồng hồ”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Một dân tộc,
một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không
nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng
dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Câu nói ấy của Bác có
nghĩa là, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải thực hiện việc học tập, rèn luyện
thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng.
Còn nhớ, trong một buổi kiểm tra và làm việc tại Học viện Hậu cần, Đại
tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: “Súng không lau súng mau han gỉ/ Người không
rèn ý chí không cao”. Đây chính là lời đúc kết quý báu qua nhiều thế hệ, được
người chỉ huy cao nhất của Quân đội ta dẫn lại để nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ
cần tích cực rèn giũa bản thân để không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
Tuy nhiên, một số sĩ quan trẻ vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa thực
sự tự tin trong công tác, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm... nên đã bị cuốn vào “tư
duy lối mòn” với những biểu hiện như: Vận dụng hình thức, rập khuôn, máy móc
các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; bình quân chủ nghĩa, làm
việc cảm tính theo thói quen, hời hợt, cầm chừng, qua loa đại khái; thiếu
chủ động, không có chính kiến, chỉ huy “bảo sao nghe vậy”, “chỉ đâu đánh đó”;
ít suy nghĩ, tìm tòi; ỷ lại hoặc trông chờ người khác làm xong rồi bắt chước,
“nhào nặn”, “copy-paste”, “xào xáo”, thậm chí đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia”
để báo cáo cấp trên cho “đúng tiến độ”... Hệ quả là công việc "giẫm chân
tại chỗ", việc sau vẫn giống việc trước, đơn vị này cũng như đơn vị khác,
năm mới chẳng có gì chuyển biến so với năm cũ...
Những
biểu hiện trên thật đáng phê phán và cần phải kiên quyết đấu tranh để loại
bỏ, bởi lẽ thành công sẽ không đến với những ai ngại khó, ngại khổ, ngại
rèn luyện, sợ thất bại... mà chặng đường vươn tới những đỉnh cao của mỗi con
người luôn chứa đựng rất nhiều chông gai, thử thách. Do đó, mỗi sĩ quan trẻ cần
nêu cao tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, xung kích, sáng tạo trên mọi lĩnh
vực, cũng giống như “Dao có mài mới sắc, người có học mới nên”, tuyệt đối không
để bản thân thất bại ngay từ trong suy nghĩ, để rồi... suốt đời phải sống
theo phong cách của “con lắc đồng hồ”.
Đừng để sáng tạo bị “chết yểu”!
Quân
đội là môi trường đặc thù với nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh. Trải qua 80
năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội
ta đã luôn đoàn kết, quyết tâm, sắt son lời thề: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành,
khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thực tiễn chứng minh
một sự thật, đó là chẳng ranh giới nào có thể ngăn cản bước chân Bộ đội Cụ Hồ
tiến lên phía trước. Vậy thì tại sao một số sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường,
tuổi đời còn rất trẻ đã vội thỏa mãn, dừng lại, “ngủ quên trên vòng nguyệt
quế”, vì sự thoải mái, nhàn nhã trước mắt mà dấn bước vào vòng luẩn quẩn dẫn
tới tự đào thải chính mình.
Không
chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của bản thân; uy tín,
danh dự của người cán bộ, đảng viên; tư tưởng của đồng chí, đồng đội và kết quả
hoàn thành các mặt công tác của đơn vị. Sâu xa hơn, “tư duy lối mòn” còn là tư
tưởng lỗi thời, lạc hậu, đi ngược với xu thế phát triển của thời đại, gây tổn
hại đến sự phát triển của đất nước.
Được
cống hiến, trưởng thành trong Quân đội nhân dân Việt Nam là niềm vinh dự, tự
hào lớn lao của mỗi người. Chính bởi vậy, chúng ta cần luôn đề cao tinh thần
tận tâm, tận hiến sao cho xứng đáng với trọng trách được giao phó; tích cực
“rèn cán, rèn binh, rèn mình như rèn chiến sĩ” để có đủ tài, đức phục vụ Tổ
quốc, phụng sự nhân dân. Hay nói cách khác là phải học thường xuyên, rèn toàn
diện để nâng cao phẩm chất, năng lực về mọi mặt; có “sức đề kháng” trước những
cám dỗ và ham muốn tầm thường; không tự tạo cơ hội khiến “tư duy lối mòn” làm
cho khả năng sáng tạo của bản thân bị “chết yểu”.
Mạnh mẽ bước ra ngoài “vùng an toàn”
Tại
Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã khẳng định: “Người cán bộ chỉ huy
quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời
cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống xảy ra”. Để khắc phục tình
trạng đó, người lãnh đạo cao nhất của Đảng yêu cầu: “Cần đặc biệt
quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp
trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị”. Qua
đó để thấy được niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Bộ
đội Cụ Hồ.
Chúng
ta đều biết rằng, chinh phục những vinh quang đã khó, nhưng để giữ vững được
thành quả ấy còn khó hơn rất nhiều, bởi lẽ quy luật của sự phát triển
không phải theo đường thẳng và thành công của lần này chính là áp lực để
những lần tiếp theo phải làm tốt hơn nữa. Đành rằng, không ai có thể đứng trên
“lầu thắng lợi” được mãi, nhưng để tránh “tụt dốc không phanh” thì trước hết,
mỗi người cần thường xuyên đề cao ý thức tự bảo vệ. Điều đó nhắc nhở mỗi sĩ
quan trẻ phải biết cách làm chủ, làm mới bản thân; vừa trân trọng, kế thừa các
bài học kinh nghiệm cũ, vừa không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những thành tựu,
tri thức mới để giữ vững và nâng cao hơn nữa thành tích đã đạt được. Đừng để
cho cuộc sống trở nên nhàm chán, một màu, vì sức mạnh tiềm tàng bên trong
mỗi con người chỉ bộc lộ khi gặp phải “thuốc thử mạnh” và mỗi lần vượt qua
thách thức là một lần chúng ta có thêm động lực để vươn lên.
Là “cái
gốc của mọi công việc”, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ sĩ quan trẻ
nói riêng cần thấm nhuần tư tưởng “học tập suốt đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
và tinh thần “7 dám”, đó là: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách
nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và
dám hành động vì lợi ích chung”.
Thực
tiễn luôn luôn vận động, phát triển nên không có bất cứ khuôn mẫu nào và cũng
chẳng có gì gọi là “khuôn vàng thước ngọc” đối với những việc làm ở thì tương
lai. Bên cạnh đó, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
tiến lên hiện đại trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao;
các hình thái chiến tranh hiện đại đã phá vỡ mọi giới hạn, quy ước cũ và không
ngừng “tiến hóa”, trở nên rất phức tạp, khó đoán cả về quy mô, tính chất, mức
độ... Do đó, ngay từ lúc này, chúng ta phải đề cao tinh thần chủ động về mọi
mặt, tập trung làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược; tích cực tiến
quân vào khoa học-công nghệ; nâng cao năng lực làm chủ đối với các loại vũ khí,
khí tài được trang bị; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi
nước chưa nguy”. Trong đó, lực lượng được coi là rường cột của nước nhà phải
tiên phong gánh vác trọng trách cao cả ấy.
Bộ
đội Cụ Hồ luôn
được dân trọng, dân mến, dân tin là do cán bộ, chiến sĩ Quân đội suốt đời “vì
nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Trách nhiệm của những người trẻ hôm
nay là phải giữ gìn và phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp đã được các thế
hệ cha anh hun đúc bằng biết bao mồ hôi, xương máu.
V.I.Lenin-lãnh
tụ vĩ đại của những người cộng sản và nhân dân lao động trên toàn thế
giới đã chỉ ra rằng, phải “Học, học nữa, học mãi”. Nếu mỗi cá nhân
đều nêu cao tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, mạnh dạn đột phá, thi đua đổi
mới, sáng tạo, sẵn sàng phá vỡ cái gọi là “vùng an toàn” để vượt lên chính mình
thì sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để mọi quân nhân cùng thi đua phấn đấu hoàn
thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Đặc biệt, sĩ quan trẻ trong Quân đội lại là lực
lượng được tuyển chọn kỹ lưỡng, được giáo dục, rèn luyện bài bản, có trí tuệ và
khả năng sáng tạo cao. Do đó, sẽ không khó để các bạn hiện thực hóa những ước
mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến, trưởng thành nếu như “tư duy lối mòn” bị
loại bỏ.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét