Khung pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do
ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ,
hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Trong đó, quy định
rõ quyền, nghĩa vụ và việc hạn chế quyền này của công dân trong trường hợp cụ
thể, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của
người khác.
1. Mối quan hệ giữa quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận
thông tin với nghĩa vụ công dân. Trong tất cả các văn kiện pháp luật của quốc tế và Việt
Nam, khái niệm “quyền” luôn bao gồm: quyền và nghĩa vụ. Trong đó,
tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản được ghi nhận
trong bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948) và được thể chế trong “Công
ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (1966) đã quy định rõ quyền và
nghĩa vụ của người hưởng thụ quyền tự do ngôn luận, báo chí. Theo đó, người dân
có quyền tự do ngôn luận, quyền được sử dụng các phương tiện
báo chí, thông tin, mạng internet, các trang mạng xã hội không trái với quy
định của pháp luật. Tuy nhiên, người sử dụng quyền này có nghĩa vụ phải
tuân thủ quy định của pháp luật và chấp nhận những hạn chế quyền.
Việc thực hiện những quyền này phải kèm theo những nghĩa vụ và trách
nhiệm đặc biệt và việc này có thể phải chịu một số hạn chế
nhất định, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an
ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.
Ở Việt
Nam, “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập
hội, biểu tình”1 đã được quy định trong Hiến pháp Nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) và được cụ thể hóa trong nhiều đạo luật, nghị
định, như: Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Nghị định
72/2013/NĐ-CP, ngày 15-07-2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch
vụ internet và thông tin trên mạng,… và thực thi nghiêm túc, tạo không khí dân
chủ trong xã hội2. Điều đó khẳng định và thể chế hóa quan điểm nhất
quán của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung
cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin
báo chí, v.v. Quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định rộng rãi hơn;
đó không chỉ là một quyền thụ động do cơ quan nhà nước công khai thông tin theo
nhận thức của mình, mà còn là quyền chủ động, được đòi hỏi các cơ quan, tổ chức
nhà nước đáp ứng. Trên không gian mạng, Nhà nước ta đã có những quy định về
quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Theo đó, công dân có quyền
được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định
của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin,
an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ,
cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, v.v.
Tuy
nhiên, cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong
khuôn khổ pháp luật; quy định rõ mối quan hệ giữa quyềnvới nghĩa
vụ công dân; “không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và
lợi ích hợp pháp của người khác”3. Vì thế, việc hạn chế các quyền
này “theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an
ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”4 là
một tất yếu. Những hành vi đăng, phát thông tin xuyên tạc, phỉ báng, phủ
nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch
sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin
sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh
dự, nhân phẩm của cá nhân,... đều bị pháp luật xử lý. Đi liền với quyền tiếp
cận thông tin là những quy định về phân loại những thông tin mà người dân được
tiếp cận và những thông tin cơ quan, tổ chức không được phép cung cấp. Như vậy,
“Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”5; “nghĩa vụ và
trách nhiệm đặc biệt” hoặc “một số hạn chế nhất định” theo quy định của pháp
luật Việt Nam hoàn toàn tương thích, phù hợp với luật quốc tế về quyền con
người.
Hiện nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam không
những được bảo đảm tốt mà còn là nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống
những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Nhiều vụ tham nhũng lớn được báo chí
phanh phui, trước khi cơ quan chức năng phát hiện, như: vụ án Trịnh Xuân Thanh
bắt nguồn từ bài báo “Xe tư gắn biển xanh” là một minh chứng. Những năm gần
đây, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tham gia tích cực việc giám sát,
phản biện đối với chính sách của Nhà nước. “Quyền phát biểu ý kiến về tình hình
đất nước và thế giới”, tham gia phản biện, giám sát của cá nhân, tổ chức được
Đảng, Nhà nước ta tôn trọng, khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề là phản biện ở đâu
và động cơ phản biện như thế nào để đảm bảo tính khách quan; tránh hiện tượng
“bôi đen” xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng gây tổn hại cho người dân, xã hội và đất
nước.
2. Kiên
quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo
chí. Những năm gần đây, xuất hiện cái gọi là “đấu tranh bất bạo động”, “bất
tuân dân sự”, “hội chứng đám đông” của một số “người bất đồng chính kiến”, v.v.
Những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của những “người bất đồng chính kiến”
được các hãng thông tấn, báo chí phương Tây “tăng âm”, phát tán với các bình
luận bao che, cổ súy cho các hành vi phạm tội của họ với luận điệu lặp đi, lặp
lại rằng: Việt Nam đang “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet”;
“vi phạm quyền con người”, v.v. Điều này hoàn toàn phi lý và ngang ngược. Vì,
pháp luật Việt Nam không có quy định về cái mà báo chí phương Tây gọi là những
“người bất đồng chính kiến”. Do đó, cũng không có quy định pháp luật nào về tội
danh đối với “người bất đồng chính kiến”; không có quy định nào về những ý kiến
“bất đồng” hay ý kiến khác với Nhà nước là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, thực tế
cho thấy, một số người lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự chụp cho mình cái mác
“người bất đồng chính kiến” để viết, phát tán những nội dung xuyên tạc sự thật,
chống phá chế độ xã hội, Nhà nước trên mạng internet, v.v. Điển hình là: Vũ
Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh,… và họ đã nhận những bản án thích đáng về “Tội tuyên truyền chống Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88, Bộ luật Hình sự (1999).
Đó là minh chứng cho cái giá phải trả của việc lợi dụng tự do ngôn luận, báo
chí để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước Tòa, họ biện luận
rằng: họ chỉ là những “người bất đồng chính kiến”, đấu tranh hợp pháp, bằng
“bất bạo động” và điều này hoàn toàn không vi phạm pháp luật(!) Thực tế chứng
minh điều ngược lại. Những người này đã đăng tải nhiều video/clip trên
internet, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật; lợi dụng
các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp
của tổ chức, công dân trong xã hội. Nói cách khác, những “người bất đồng chính
kiến” bị pháp luật xử lý là vì hành vi vi phạm pháp luật của chính họ.
Thực
tế trên thế giới còn cho thấy, những vụ bạo động lật đổ chế độ thường diễn ra
theo chuỗi: bắt đầu bằng đấu tranh “bất bạo động”, “bất tuân dân sự”, phát
triển thành gây rối về an ninh trật tự dựa trên “hội chứng đám đông” và cuối
cùng là gây bạo loạn lật đổ chính quyền từ cục bộ đến cả nước. Không loại trừ
những kẻ cầm đầu kêu gọi lực lượng nước ngoài can thiệp. Đây là “kịch bản kinh
điển” của những hoạt động lật đổ chế độ ở một số quốc gia trên thế giới trong
những thập niên gần đây.
Ở nước
ta, quyền tự do ngôn luận, nhất là quyền sử dụng mạng internet đã và đang bị
các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng triệt để để vu cáo, bội nhọ
vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá chế độ xã hội
và Nhà nước ta. Những luận điệu cho rằng: “Chế độ Hà Nội là độc tài toàn trị”,
Đảng Cộng sản Việt Nam “chiếm quyền” của dân, “đứng trên pháp luật”,… là một sự
vu khống trắng trợn, hoàn toàn sai trái cả về thực tế và lý luận. Cũng như pháp
luật của tất cả các quốc gia trên thế giới và pháp luật nói chung, pháp luật về
quyền tự do ngôn luận nói riêng luôn luôn có mục tiêu bảo vệ chế độ xã hội.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị ghi rõ: mọi dân tộc đều có quyền
tự quyết; xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị
của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Quy định này đã mặc
nhiên thừa nhận các dân tộc có quyền tự quyết lựa chọn chế độ chính trị; quyền
và nghĩa vụ công dân đều do pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Hơn nữa, pháp
luật luôn mang tính chính trị, lịch sử và đặc thù về văn hóa. Ở nước ta, sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Hiến định tại Điều 4, Hiến pháp
(2013) và được Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân ta, cơ quan
quyền lực nhà nước cao nhất ghi nhận. Đảng ta không chỉ là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội mà còn có chức năng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của
nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Về thể chế chính trị của
nước ta, Điều 2, Hiến pháp (2013), quy định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân
dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm
chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa
giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực
nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan
nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”6.
Những thông tin, luận điệu cổ súy “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, lấy
mô hình “tam quyền phận lập” phương Tây làm đối chứng để bác bỏ thể chế của Nhà
nước ta không chỉ là một thủ đoạn bôi nhọ chế độ ta, mà còn ấu trĩ trong nhận
thức về sự đa dạng các mô hình xã hội trên thế giới hiện nay.
Như
vậy, cả về lý luận, pháp lý và thực tế cho thấy: pháp luật Việt Nam đã tương
thích với luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người
nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng. Quyền
và nghĩa vụ công dân trong thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận
thông tin không chỉ thống nhất, mà còn là điều kiện, tiền đề cho nhau. Công dân
muốn được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, báo chí,
tiếp cận thông tin thì phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định
của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, Nhà nước, các quyền và lợi ích của
người khác. Ngược lại, các quyền này có thể bị hạn chế hoặc tước bỏ nếu có hành
vi vi phạm pháp luật.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét