Thời gian gần đây, hành vi giả danh cán bộ,
chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nói riêng diễn ra ngày càng
phổ biến với nhiều tính chất, mức độ khác nhau; phương thức, thủ đoạn giả danh
Công an, Quân đội của những đối tượng này rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp
như: Thông qua mạng viễn thông (gọi điện, nhắn tin), qua mạng xã hội Facebook,
Zalo… tự giới thiệu là cán bộ Quân đội để đưa thông tin giả (vi phạm pháp luật,
làm hư hỏng tài sản của đơn vị…) để lừa đảo; mạo danh cơ quan Bộ Quốc phòng để
thu thập thông tin; mạo danh, giả danh Quân đội để quảng cáo bán sách, bán
thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dịch vụ làm đẹp…; hầu hết thủ đoạn chủ
yếu của những đối tượng này là lợi dụng hình ảnh, uy tín của Quân đội để tạo
dựng lòng tin, lừa đảo người bị hại.
Việc các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi
giả danh sĩ quan Quân đội để vi phạm pháp luật có nhiều nguyên nhân; đặc biệt
là xuất phát từ việc mua bán, cho, tặng quân trang hiện nay không đúng quy định
diễn ra công khai, phổ biến, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ… Để góp phần làm tốt
công tác giáo dục cảnh giác, phòng, chống có hiệu quả các đối tượng giả danh sĩ
quan làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, hình ảnh của Quân đội, gây dư luận
không tốt trong xã hội, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và địa phương cần
tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực
lượng Công an và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn thực hiện hiệu quả
Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ; Quy chế số 1359/QC-CT
ngày 24-9-2009 của Tổng cục Chính trị… gắn với thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW
ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; nắm chắc tình
hình ANCT, TTATXH, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn đóng quân để
kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng giả danh sĩ quan Quân
đội theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, tham
mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, nhất là lực lượng
quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động sản
xuất, tàng trữ, buôn bán trái phép quân trang (quân phục, quân hiệu, cấp hiệu,
phù hiệu, cành tùng, biển tên…), kể cả buôn bán quân trang trên mạng xã hội.
Thường xuyên quán triệt cho quân nhân thuộc
quyền, nhất là đối với lực lượng chuyên trách kiểm soát quân sự hoặc cán bộ
trực tiếp làm việc với đối tượng giả danh sĩ quan Quân đội nắm chắc các quy
định để báo cáo, tham mưu xử lý đúng quy định của pháp luật. Đối với đối tượng
có hành vi giả danh sĩ quan Quân đội nhưng không nhằm mục đích lừa đảo chiếm
đoạt tài sản hoặc có hành vi sản xuất, tàng trữ, trao đổi, buôn bán trái phép
quân trang, thì bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày
9-10-2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
quốc phòng, cơ yếu” và Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 của Chính phủ
về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc
gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Trường hợp đối tượng giả danh sĩ quan Quân đội nhằm mục đích lừa đảo, căn cứ
vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xem
xét, xử lý theo Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc Điều 339 (Tội
giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác) của Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa
đổi, bổ sung năm 2017.
Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn, nhất là
việc chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng quân trang. Tăng cường
kiểm tra, chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh, quản lý, cấp phát, sử dụng quân
trang, phòng ngừa hành vi móc nối mua bán quân trang sai quy định ra ngoài thị
trường. Không cho, tặng, bán quân trang cho người ngoài Quân đội (Chỉ thị số
93/CT-BQP ngày 30-10-2014 của Bộ Quốc phòng về việc tăng cường công tác quản
lý, sử dụng quân trang trong Quân đội; chống làm giả, mua bán trái phép quân
trang), góp phần phòng ngừa, ngăn chặn việc các đối tượng xấu sử dụng quân
trang để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua. Tăng
cường công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng thẻ Đảng, giấy tờ do Quân đội
cấp… của quân nhân thuộc quyền; không tạo sơ hở cho đối tượng xấu lợi dụng
chiếm đoạt, nhân bản, sao chép… để làm các giấy tờ giả nhằm phục vụ cho mục
đích bất minh. Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp quân nhân dùng các giấy tờ do
Quân đội cấp để cầm cố, thế chấp, vay mượn… làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy
tín LLVT Quân khu.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét