Trung đoàn 152, Quân khu 9 là đơn vị đóng quân ở một xã đảo, vì thế, người thân chiến sĩ ít có điều kiện thăm con em mình. Từ thực tế này, khi tiếp nhận chiến sĩ mới, cán bộ các trung đội đã tìm hiểu thông tin nhân thân rồi điện thoại hỏi thăm gia đình, vận động cung cấp thông tin, số điện thoại để tiện liên lạc bằng cách tạo nhóm zalo kết nối với thân nhân chiến sĩ.

Ngoài cán bộ trung đội, người thân chiến sĩ, các nhóm zalo còn có cán bộ đại đội để kịp thời nắm bắt thông tin, giải đáp thắc mắc của gia đình chiến sĩ. Theo Đại úy Trần Trọng Nguyên, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152: “Chúng tôi còn tạo điều kiện cho chiến sĩ liên lạc với người thân bằng video call vào giờ nghỉ. Những giải pháp này giúp các gia đình ít có điều kiện đi thăm chiến sĩ gần gũi, đồng cảm với nhau, đồng thời xích lại gần đơn vị hơn. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp chiến sĩ thoải mái tư tưởng, gia đình thêm an tâm khi con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị”.

Hiệu quả từ nhóm kết nối chỉ huy đơn vị với gia đình
Người thân thăm chiến sĩ mới ở Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, Quân khu 9. Ảnh: ĐÌNH MINH 

Thiếu úy QNCN Nguyễn Hoàng Em, thợ sửa chữa của Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 (Quân khu 9) hiện đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 13, Trung đội 5, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, chia sẻ: “Năm 2024 là năm đầu tiên tôi đảm nhiệm cương vị này. Theo chủ trương của đơn vị, chúng tôi thành lập nhóm zalo “Nhóm gia đình chiến sĩ” của Trung đội 5. Nhờ có nhóm này mà chúng tôi đã thông báo kịp thời đến người thân chiến sĩ mọi chế độ được hưởng, quy định của đơn vị, nhất là chế độ bảo hiểm y tế, thời gian lên thăm bộ đội... Bên cạnh đó, trong giờ nghỉ, chúng tôi còn chụp những khoảnh khắc vui vẻ, sinh hoạt đời thường của chiến sĩ gửi về cho người thân, tạo sự kết nối để họ yên tâm”. 

Từ thông tin cập nhật trong nhóm zalo “Nhóm gia đình chiến sĩ” của Trung đội 5, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, chị Lâm Thị Hạnh, quê ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, mẹ của Binh nhì Trần Chí Nhân, chiến sĩ Tiểu đội 14, Trung đội 5, rất yên tâm về tinh thần phấn đấu của con trai.

Đến đơn vị thăm con vào dịp cuối tuần gần đây, chị Lâm Thị Hạnh chia sẻ: “Nhờ chỉ huy đơn vị hướng dẫn thông qua nhóm zalo nên tôi nắm chắc thông tin về giờ giấc lên thăm và các loại đồ dùng không được mang vào đơn vị. Chỉ huy đơn vị cũng đã gửi video, hình ảnh hoạt động của bộ đội... làm tôi rất yên tâm. Lên đơn vị tôi mới thấy các con trưởng thành, chững chạc thế nào, đơn vị chính quy ra sao... Tôi thấy hoạt động của nhóm zalo này rất thiết thực”.

Theo Trung tá Nguyễn Bá Lương, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, mỗi trung đội thuộc đơn vị đều có một nhóm zalo với tên gọi “Nhóm gia đình chiến sĩ” để kịp thời thông báo đến người thân chiến sĩ các chế độ được hưởng; môi trường học tập, rèn luyện tốt; con em mình luôn mạnh khỏe, trưởng thành, tạo niềm tin để bà con tuyên truyền ở địa phương về hình ảnh tốt đẹp của đơn vị, góp phần tạo thuận lợi hơn trong các đợt tuyển quân, huấn luyện những năm tiếp theo. Đồng thời, qua sinh hoạt, giao ban..., Tiểu đoàn quán triệt bộ đội chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng internet, tham gia mạng xã hội trong Quân đội, không để lộ lọt thông tin bí mật quân sự và ảnh hưởng đến thời gian quản lý, huấn luyện.

Cụ thể, Công văn số 04/CT-BVAN ngày 4-1-2021 của Cục Chính trị Quân khu 9 về tăng cường giáo dục quân nhân chấp hành nghiêm quy định khi tham gia mạng xã hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị: “Quán triệt cho mọi quân nhân về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet. Thực hiện nghiêm quy định về việc sử dụng điện thoại di động, thiết bị ghi âm, ghi hình trong đơn vị, đặc biệt là đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ. Trong huấn luyện, diễn tập, chỉ huy đơn vị phải chấp hành và thực hiện đúng mọi quy định của trên về việc ghi âm, ghi hình; bảo đảm an toàn, chống lộ lọt thông tin”.

Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm với các đơn vị khi triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn, phù hợp này.