Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học xác định rằng, tiến bộ xã hội là quá trình phát triển của xã hội loài người từ thấp lên cao, từ một hình thái kinh tế - xã hội này đến một hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn cho sự hoàn thiện bản chất con người. Như vậy, nội hàm của tiến bộ xã hội phải thể hiện đồng thời tương ứng từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, đến sự phát triển của quan hệ sản xuất; từ sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đến sự phát triển của kiến trúc thượng tầng; từ sự phát triển của tồn tại xã hội, đến sự phát triển của ý thức xã hội; từ việc nâng cao mức sống của con người, làm cho con người thoát khỏi mọi áp bức bóc lột, bất công, đến phát triển toàn diện và tự mình làm chủ cuộc sống của mình. Quá trình vận động tiến lên của các hình thái kinh tế - xã hội diễn ra hết sức phức tạp, song luôn theo hướng tiến bộ, đi từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, theo đó, đời sống xã hội loài người cũng luôn theo xu thế ngày càng được nâng lên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở thời đại đế quốc chủ nghĩa, đối với các dân tộc bị áp bức thì tiến bộ xã hội còn phản ánh mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(4). Người giải thích: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc uống, già không lao động thì được nghỉ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(5). Như vậy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là thực hành quá trình tiến bộ xã hội văn minh nhất so với tất cả những xã hội trước đó mà lịch sử xã hội loài người đã và đang trải qua.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của tiến bộ xã hội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta xác định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(6). Các đại hội Đảng gần đây đều xác định con người vừa là trung tâm chiến lược, vừa là mục tiêu, động lực của phát triển; thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển. Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”(7). Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng phát triển tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(8).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét