Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024
Chấn hưng văn hóa, tỏa sáng văn minh
Trải qua bao thử thách, lịch sử đã chứng minh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân ta cũng tin tưởng, kỳ vọng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”! Đạo đức là giá trị cốt lõi của văn hóa. Chấn hưng văn hóa vừa là mục tiêu, giải pháp, vừa là động lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay...
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
XÂY VÀ CHỐNG ĐỂ CHẤN HƯNG VĂN HÓA ĐẢNG
Đánh giá về thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có được thành tựu vượt bậc đó, nhân tố quyết định là sự tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân tố cốt lõi giữ vai trò động lực làm nên sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng là văn hóa Đảng. Những gì trái với đạo đức, trái với văn minh, Đảng phải có bổn phận, trách nhiệm gột rửa, loại bỏ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên dẫn đến sự tha hóa về đạo đức và đó là những nguy cơ từ bên trong làm Đảng suy yếu. Thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, sai lầm để chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa là việc cần làm thường xuyên của mọi tổ chức đảng và đảng viên. Đó chính là biểu hiện sinh động của nội hàm văn hóa Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Người nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trong không khí đón mừng Xuân mới Quý Mão 2023, nhắc nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vấn đề có tính nguyên tắc để chúng ta thêm củng cố vững chắc niềm tin và ý chí quyết tâm, tinh thần quyết liệt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhấn mạnh vấn đề này là bởi, chủ trương, giải pháp và những thành tựu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã và đang bị các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, bóp méo, bôi đen. Bằng các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, lôi kéo sự tham gia của không ít phần tử cực đoan, bất mãn, có tư tưởng chống đối, các thế lực thù địch cố tình lèo lái dư luận hiểu sai lệch về bản chất xây dựng, chỉnh đốn Đảng của chúng ta. Họ cho rằng, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng chỉ là cuộc “đấu đá”, “thanh trừng” giữa các “phe cánh” trong Đảng. Việc hàng loạt cán bộ cấp cao dính vào tham nhũng, tiêu cực, nguyên nhân là do cơ chế quản lý, thể chế chính trị. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, phải thay đổi cơ chế, chuyển đổi thể chế chính trị.
Từ kiểu lập luận ngụy biện, chụp mũ đó, họ tác động vào trận địa tư tưởng, môi trường văn hóa, lôi kéo dư luận trên không gian mạng nhằm làm thay đổi tư duy, lập trường của cán bộ, đảng viên, làm cho quần chúng phai nhạt lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Với thủ đoạn “rút củi đáy nồi”, “rút gạch chân tường”, thông qua các chiến dịch tuyên truyền “nội công ngoại kích” trên không gian mạng, các thế lực thù địch rắp tâm bôi đen văn hóa Đảng, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên thực tế, đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ... bị ảnh hưởng nặng nề từ sự lôi kéo này, dẫn đến suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị. Không ít người từng có công lao với cách mạng, được Đảng và nhân dân nuôi dưỡng, giáo dục thành đạt, thành danh, đã “quay xe”, “trở cờ”, trở thành con rối cho các lực lượng phản động ở hải ngoại giật dây. Các thế lực thù địch tung hô họ bằng những thứ danh ảo, như “nhà đấu tranh”, “nhà tư tưởng”, “nhà dân chủ”, “nhà phản biện”... để cấu kết tuyên truyền phản động.
Diễn biến trên mặt trận truyền thông, văn hóa - tư tưởng hiện nay cho thấy: Trong lúc chúng ta tập trung xây dựng, củng cố các hệ giá trị “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” thì các thế lực thù địch cũng ra sức áp dụng các chiêu bài, thủ đoạn nham hiểm để chống phá, xuyên tạc, nhằm phá vỡ các cấu trúc của đạo đức, văn minh trong Đảng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay thực sự là cuộc đấu tranh giai cấp của thời đại mới. Thực hiện thật tốt, thật hiệu quả cả xây và chống với phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu... là cách thức chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, đấu tranh phản bác các quan điểm, trào lưu tư tưởng thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
CHUẨN MỰC CON NGƯỜI MỚI VÀ VAI TRÒ ĐẢNG VIÊN
Nhìn lại lịch sử vẻ vang của Đảng suốt 93 mùa xuân qua, chúng ta thấy rõ, trong mỗi giai đoạn lịch sử, trong mọi hoàn cảnh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đều luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức. Bởi, đạo đức trong Đảng là nòng cốt của đạo đức xã hội. Văn hóa Đảng là tinh hoa của văn hóa dân tộc. Xây dựng, củng cố các giá trị phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng là công việc gốc của Đảng. Nội hàm của đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát, đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bất kể hoàn cảnh nào, khi người của Đảng mang trong mình đầy đủ những phẩm chất ấy và thể hiện hiệu quả trên thực tế, khi ấy đạo đức, văn minh sẽ trở thành hệ giá trị chủ lưu trong văn hóa của Đảng.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của việc chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”... “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chúng ta thấy rằng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” không phải là sự “đóng khung” các tiêu chí, giải pháp, mà phải luôn linh hoạt, sáng tạo, không ngừng bổ sung, phát triển các luận điểm để làm phong phú nội hàm của đạo đức, của văn minh, phù hợp với xu thế thời đại và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện suy thoái chính là cách để làm trong sạch nội bộ, để các giá trị đạo đức, văn minh ngày càng được củng cố, tỏa sáng.
Trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp ấy, tính nhân văn xã hội chủ nghĩa của Đảng được thể hiện rất rõ nét với phương châm: “Chặt cành để cứu cây”, “Chặt cây để cứu rừng”, “Kỷ luật một người để cứu muôn người”, “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức”... Bên cạnh đó, Đảng đã xây dựng, ban hành bổ sung các quy định, kết luận bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc (năm 2021), chúng ta đẩy mạnh triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là những “cẩm nang” thiết yếu để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có ý thức rèn luyện, tu dưỡng theo chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Văn hóa Đảng được cấu thành từ đạo đức, nếp sống, lối sống văn hóa của mỗi đảng viên. Văn hóa Đảng là nòng cốt của văn hóa dân tộc. Xây dựng Đảng về đạo đức, văn minh phải bắt đầu từ mỗi chi bộ, tổ chức cơ sở đảng, từ mỗi cán bộ, đảng viên. Hệ giá trị đạo đức, văn hóa cốt lõi của đảng viên là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét