Những ngày
đầu tháng 3, cùng với Lễ ra quân huấn luyện năm 2024 các đơn vị trong toàn quân
đã phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện
Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024) với chủ đề “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên-Tiến lên
giành 3 nhất”, đợt thi đua được triển khai từ ngày 1-3 đến 7-5, cùng với đó tổ
chức các hoạt động giáo dục nhằm tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức
sâu sắc về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền
thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử
của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngược lại
dòng lịch sử, những ngày cuối năm 1946, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các
thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Thực hiện đường lối kháng
chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô
sơ và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt
đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế, bước
vào Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp với sự can thiệp của Mỹ đã cho ra đời Kế
hoạch Nava với mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ
lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương.
Điện Biên
Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc
và Thượng Lào. Tuy kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava của
Pháp và Mỹ, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực
lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
Lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như “ một pháo đài không thể công phá”, là
nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành
quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.
Sau khi
phân tích thấu đáo tình hình chiến trường, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết
định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên
Giáp làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Chính phủ thành lập Hội
đồng hậu cần Trung ương cho mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ
tịch. Với tinh thần cả nước cho Điện Biên Phủ chiến thắng, từ các vùng tự do
đến các vùng địch hậu, căn cứ du kích đều dồn sức cho chiến trường Điện Biên
Phủ. Điểm mở màn chính của chiến dịch Điện Biên Phủ là đồi Him Lam.
Với phương
châm “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta càng đánh càng hăng. Ngay ở trận đầu ngày
13/3 địch mất Him Lam, ngày 15/3 mất Độc Lập và ngày 17/3 mất tiếp Bản Kéo. Như
vậy, cả một phòng tuyến vòng ngoài của địch suốt từ Tây Bắc sang Đông Bắc lòng
chảo Mường Thanh, đã bị đập tan... Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng với
3 đợt tấn công “máu trộn bùn non”, chiều ngày 7/5/1954 cứ điểm Điện Biên Phủ bị
tiêu diệt, buộc Tướng Đờ cát và toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ phải đầu hàng vô điều kiện.
Chiến thắng
Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao của chiến tranh giữ nước trong thời
đại Hồ Chí Minh đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện
chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi
chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng
dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi
vĩ đại của Nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp
bức trên thế giới”.
Gần 70 năm
trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy
năm châu, chấn động địa cầu”, cùng năm tháng, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện
lịch sử trọng đại này vẫn giữ nguyên giá trị trong lòng mỗi người dân đất Việt
và của bạn bè toàn thế giới; đặc biệt trong cảm nhận của thế hệ trẻ hôm nay
chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là niềm tự hào và niềm tin sâu sắc về ý chí
quyết tâm và sức mạnh của dân tộc. Để làm nên chiến thắng ấy, cả dân tộc đã
phải chiến đấu anh dũng, gian khổ, hy sinh bao máu xương. Thế hệ chúng ta được
sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hòa bình, thống nhất đất nước, song qua những
bài học, trang sách, những nhân chứng lịch sử, thế hệ trẻ hôm nay phải luôn coi
những chiến thắng hào hùng của dân tộc là một phần quan trọng trong hành trang
để xác định rõ tránh nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với dân tộc. Vì vậy, mỗi
quân nhân phải cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện, có nhận thức, động cơ,
quyết tâm thi đua đúng đắn, kiên quyết chống lại các quan điểm xuyên tạc lịch
sử và phản động của thế lực thù địch, “Tiến lên giành 3 nhất” phấn đấu hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét