Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

CÓ PHẢI VIỆT NAM CHI TIÊU QUỐC PHÒNG SAI MỤC ĐÍCH?

Chúng ta đã và đang chứng kiến một thế giới, với nhiều diễn biến, biến động khó lường. Trong khi các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng xảy ra nhiều hơn, hậu quả nặng nề hơn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần chung tay góp sức để ứng phó thì các vấn đề an ninh truyền thống còn nhiều phức tạp, có nguy cơ xảy ra ở một số nơi, một số khu vực.

Trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc. Để nâng cao năng lực quốc phòng thì hiện đại hóa quân đội là yêu cầu cấp thiết hiện nay và việc hiện đại hóa quân đội luôn đi đôi với việc phải tăng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì trong hơn 10 năm gần đây, sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản, đã hình thành khả năng triển khai quân sự để bảo vệ tổ quốc đặc biệt là bảo vệ lợi ích trên biển.

Tuy nhiên trái ngược với đánh giá của các tổ chức có uy tín trên thế giới, ngày 9/3/2024, trên trang blog VOA Tiếng Việt phát tán bài “Chi tiêu quốc phòng: Nhìn Trung Quốc và ngẫm”, nôi dung bài viết xuyên tạc việc chi tiêu ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ quốc phòng, dẫn các thông tin sai sự thật Quân đội sử dụng “sai mục đích” ngân sách quốc phòng; hạ thấp vị trí, vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam, kích động gây mâu thuẫn trong Đảng, Quân đội và Nhân dân. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, không có căn cứ khoa học và không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Trước hết chúng ta phải thấy việc so sánh chi tiêu quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc là không hợp lý vì điều kiện, hoàn cảnh và mục đích quốc phòng của mỗi nước là hoàn toàn khác nhau. Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của Trung Quốc và mối quan hệ với những vấn đề chính trị thế giới phức tạp hiện nay. Theo báo cáo về dự thảo ngân sách được công bố trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV, Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 7,2% trong năm 2023 đạt 1,55 nghìn tỷ Nhân dân tệ (224 tỷ USD). Đây là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng một con số cho ngân sách quốc phòng. Năm 2021, Trung Quốc cũng đã tăng ngân sách quốc phòng lên 7,1% đạt 1,45 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Theo Tân Hoa Xã, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giúp Trung Quốc “huấn luyện tốt hơn các lực lượng quân sự, trang bị thêm vũ khí hiện đại, đồng thời hỗ trợ quân đội giải quyết những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như đại dịch và thảm họa thiên nhiên”. 

Phó giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, chi tiêu quốc phòng vượt xa dự báo tăng trưởng kinh tế cho thấy Trung Quốc lường trước được sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong môi trường an ninh bên ngoài.

 Đối với Việt Nam nhờ sự phát triển kinh tế những năm qua, việc xây dựng tiềm lực kinh tế cho nền quốc phòng toàn dân đã đạt những kết quả quan trọng. Việt Nam đã có lượng dự trữ hậu cần đáp ứng yêu cầu đối phó với mọi tình huống khẩn cấp; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển ngày càng hoàn chỉnh và hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quốc phòng. Mặc dù nền kinh tế còn có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, lại chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Nhà nước Việt Nam đã dành một phần cần thiết ngân sách quốc gia cho các nhu cầu quốc phòng nói chung và đảm bảo trang bị, vũ khí cho lực lượng vũ trang nói riêng. GDP dành cho ngân sách quốc phòng: năm 2010: 2,23%; năm 2011: 2,82%; năm 2012: 2,88%; năm 2013: 2,69%; năm 2014: 2,69%; năm 2015: 2,72%; năm 2016: 2,64%; năm 2017: 2,51%; năm 2018: 2,36%.

Thứ hai, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là sự nghiệp sống còn của mỗi quốc gia. Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ nên thấu hiểu sự tàn phá và hậu quả của xung đột, bạo lực. Vì vậy, Việt Nam luôn chủ trương chi ngân sách nhà nước cho quốc phòng ở mức hợp lý nhằm xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xung kích trong ứng phó với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, ứng phó với đại dịch Covid-19; cử lực lượng tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bước đầu đạt nhiều thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế tôn vinh, ghi nhận.

Thứ ba, Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Mục tiêu xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Cam kết thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, mong muốn đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới.

Quan điểm của Việt Nam, tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ; chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.

Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang. Tăng cường khả năng quốc phòng thể hiện cả ở xây dựng tổ chức, biên chế, trang bị, nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, cơ sở bảo đảm hậu cần thường xuyên được duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, trước tiên và then chốt là xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tinh thần, với quan điểm “người trước, súng sau”; có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống quân sự, quốc phòng.

Thứ tư, Việt Nam chủ trương phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, tự cường và mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác tiềm năng. Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trương phát triển nền công nghiệp quốc phòng không chỉ phục vụ mục đích quân sự, mà còn phục vụ nhu cầu dân sinh, với các công nghệ, sản phẩm lưỡng dụng; như thế, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng quốc phòng để làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, theo đúng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. 

Năm là, để tăng cường khả năng quốc phòng, đương nhiên không thể thiếu hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chủ trương chỉ tập trung hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ mục đích bảo vệ Tổ quốc. Nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Như vậy chúng ta có thể thấy chính sách quốc phòng nói chung và định hướng chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam là hết sức rõ ràng và hiệu quả, sự hiệu quả ấy được khẳng định bằng việc tăng cường thực lực quốc phòng nên mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Quân đội chi tiêu ngân sách quốc phòng sai mục đích là hết sức phi lý./.

.ANKHE.21

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét