Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

LỊCH SỬ LÀ SỰ THẬT

 

Hàng năm, cứ đến gần ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, thì các trang mạng xã hội phản động lại bắt đầu viết bài chống phá. Mỗi năm một chủ đề, xung quanh việc xét lại vấn đề lịch sử và luôn xem ngày đại thắng của cách mạng Việt Nam là ngày quốc hận của chế độ Sài Gòn. Năm 2023, bọn chúng lại đặt ra câu hỏi “Ai là người có quyền viết lịch sử Việt Nam?”.

Lý lẽ bọn chúng đưa ra rằng : Cuộc chiến chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc không phải tính từ năm 1930 đến 1975. Công khai phá, dựng xây đất nước Việt Nam không phải của Đảng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Bằng chứng chúng đưa ra là, từ năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng thì đã có vua tôi Nhà Nguyễn đứng lên chiến đấu để bảo vệ đất nước với những gương hy sinh oanh liệt như: Nguyễn Tri Phương, Võ Tánh, Hoàng Diệu, Ngô Tùng Châu…Sau đó là công lao khai sáng con đường cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh với tư tưởng dựa vào ngoại quốc để chống xâm lược. Chúng còn cho rằng, nếu như không có Việt Minh can thiệp, thì Chính phủ Bảo Đại đã có thể dựa vào lực lượng thân Mỹ, có thể lật đổ được sự đô hộ của giặc Pháp…

Những vấn đề chúng nêu ra trên đây là sự bôi đen lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam là một cuộc trường chinh chống kẻ thù xâm lược, từ thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt…cho đến Lê, Lý, Trần, Lê trải dài gần 4000 năm nhân dân Việt Nam luôn trong tư thế thọ địch. Truyền thống yêu nước, thương nòi chảy từ đời này đến đời khác ngọt ngào như dòng sữa mẹ. Vì thế không thể nói rằng điểm xuất phát của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm bắt đầu từ năm 1858, khi Thực dân Pháp tấn công Triều đình nhà Nguyễn được.

Đối với Vương triều nhà Nguyễn, trong thời kỳ cầm quyền, đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” không chịu tiếp thu những tiến bộ khoa học từ bên ngoài, không tập trung xây dựng phát triển kinh tế, củng cố sức mạnh quân sự, quan lại tham ô, tham nhũng áp bức nông dân, khiến cho lòng dân không yên, khối đại đoàn kết toàn dân bị phá vỡ. Do đó, khi giặc Pháp tấn công, mặc dù triều đình nhà Nguyễn có tổ chức phòng ngự và chống đỡ, nhưng vì lực yếu nên đã sớm đầu hàng với việc ký hàng loạt Hiệp ước dâng đất đai cho giặc. Sau 30 năm chống chọi không thành, đầu năm 1889, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay giặc. Từ đây, người dân Việt Nam sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, một cổ 2 tròng, kéo dài gần 100 năm. So với các triều đại trước, như nhà Trần, 3 lần quân Mông-Nguyên sang xâm lăng đều bị quân dân ta đánh bại, khiến tướng giặc phải chui ống đồng chạy trốn. Lê Lợi chỉ mất 10 năm kháng chiến đã đánh bại giặc Minh. Nguyễn Huệ chỉ trong một mùa Xuân, đã vùi chôn quân Thanh ở Ngọc Hồi, Đống Đa-Hà Nội. Như vậy quan quân nhà Nguyễn (Gia Long) không hề có công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là những nhà yêu nước đi theo đường lối tiểu tư sản. Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Phan Bội Châu đã chọn Kỳ Ngoại hầu - Cường Để (cháu 6 đời của Gia Long) làm hội chủ nghĩa, tức là ông muốn quay lại chế độ quân chủ, vì lúc này tư tưởng trung quân ái quốc còn tồn tại nặng nề trong tư tưởng, nhận thức của Phan Bội Châu.

Cũng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh tuy xác định kẻ thù dân tộc là thực dân Pháp, nhưng đều đi theo con đường dân chủ tư sản, dẫn đến kết quả đều bị đàn áp và đi đến con đường thất bại. Cả 2 ông là những nhà yêu nước, nhưng công lao đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc chỉ ở mức độ.

Trong lúc cách mạng Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài đi tìm đường cứu nước. Qua nhiều năm đi qua nhiều nơi trên thế giới, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng, qua đó để tìm đường cứu nước, giành lại độc lập dân tộc. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, từ đây Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đó là “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Đối với Nguyễn Ái Quốc, đây là bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Sự kiện đó cũng đánh dấu bước ngoặt mở đường thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào nước ta.

Chủ nghĩa Mác Lênin và các tài liệu tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đón nhận như “Người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Nó lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản , làm dấy lên cao trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi khắp cả nước, dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.

Ngay khi vừa mới ra đời, với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng cộng sản Việt Nam đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Qua 15 năm đầu tiên lãnh đạo cách mạng (1930-1945), khi thời cơ đến, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phải đối mặt với 3 thứ giặc; giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nạn đói hoành hành đầu năm 1945 đã làm chết hơn 2 triệu người ở miền Bắc. Trên 95% dân Việt Nam mù chữ. Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã tràn vào với mưu đồ “Diệt cộng, cầm Hồ”. Ở miền Nam, hơn 15 vạn quân Pháp với sự giúp sức của liên quân Anh-Ấn lăm le xâm lược nước ta. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Với đường lối chính trị sáng suốt, vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng ta đã động viên được sức mạnh đoàn kết, toàn dân, triệu người như một, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để củng cố, giữ vững chính quyền, đưa cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Bất chấp mong muốn độc lập và hòa bình của Chính phủ và nhân dân ta, mặc dù chúng ta đã nhân nhượng, nhưng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng có dã tâm cướp nước ta một lần nữa.

Lịch sử đã đặt dân tộc ta trước một thử thách mới, phải đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta, vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thắng lợi đó chứng tỏ rằng, chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập.

Sau khi kẻ thù phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời chia làm hai miền với 2 chế độ chính trị-xã hội đối lập nhau. Đảng xác định con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng.

Một là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước.

Hai là, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Tuy mỗi miền thực hiện một chiến lược khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó cách mạng XHCN ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vị trí quan trọng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong cuộc đọ sức quyết liệt này, đế quốc Mỹ đã huy động và sử dụng một lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh khổng lồ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền bắc. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thắng lợi oanh liệt mùa xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị tàn bạo trong hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, mở ra thời kỳ mới-thời kỳ độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Qua nội dung phân tích trên đây, chúng ta hoàn toàn thấy rõ, lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua 4000 năm là lịch sử chống ngoại xâm, nhưng nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mới có thể hoàn toàn thoát khỏi ách nô lệ, nô dịch, giành độc lập tự do, nhân dân hoàn toàn làm chủ vận mệnh đất nước. Luận điệu của các tổ chức phản động đặt ra câu hỏi “Ai là người có quyền viết lịch sử Việt Nam?” với những quan điểm thù địch là hoàn toàn sai trái, với ý đồ xuyên tạc, bôi đen hay bẻ cong lịch sử, hạ bệ ngày chiến thắng 30/4/1975, chúng ta cần phải kịch liệt lên án, lịch sử luôn luôn là sự thật và sự thật là lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét