“Muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh
quan liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng
tâm.”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định
quan liêu là một trong những căn bệnh rất nguy hại đến đạo đức cách mạng của
cán bộ, đảng viên. Theo Bác Hồ “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu
sát, không hiểu lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe
ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình”. Trong bài nói chuyện với
cán bộ, chiến sĩ đảng viên tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm,
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan
liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng tâm”.
Những cán bộ mắc phải bệnh quan liêu thì “có mắt mà không thấu suốt, có tai mà
không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết
quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Như vậy bệnh
quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Ở đâu có bệnh
quan liêu nặng thì ở đó tham ô, lãng phí nhiều. Quan liêu tiếp tay cho cán bộ
yếu kém, thoả hiệp với những kẻ xấu làm tổn hại tới sự nghiệp phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước, làm băng hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ,
đảng viên. Quan liêu, mệnh lệnh vô hình trở thành một bức tường ngăn cách, tách
rời Đảng, Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách
của Đảng và Nhà nước.
Để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có
hiệu quả, theo Người, tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có
trọng tâm. Trước hết, cần làm cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là trọng
tội, là có lỗi với nhân dân, với Nhà nước. Quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham
nhũng và lãng phí, cần phải được bài trừ. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham
những, lãng phí, quan liêu phải huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng
nhân dân được tổ chức tốt, dưới sự chỉ đạo của các cơ quan. Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ: “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa
vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Ngoài ra phải tuyên
truyền giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý
kinh tế, tài chính; chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ trong các cơ quan
Đảng, Nhà nước. Có chính sách đúng đắn, lựa chọn cán bộ tốt, với tổ chức, quản
lý tốt là những giải pháp hiệu quả trong việc chống tham nhũng, lãng phí, quan
liêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét