Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Một số giải pháp phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”

 Một là, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”(1). Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa tác động của những âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”; tạo “sức đề kháng”, sự “miễn dịch” trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân ái, nhân văn trong truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, đó chính là sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại; tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

Xin chữ ngày xuân - nét đẹp văn hoá truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng ở cơ sở cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, gắn sát với đặc điểm của từng đối tượng; trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông; tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trường, ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của các tổ chức quần chúng trong hoạt động tuyền truyền giáo dục đoàn viên, hội viên. Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với tổ chức các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ để định hướng nhận thức tư tưởng một cách sinh động, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt ở địa phương, cơ sở.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; có cơ chế khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin, nhất là trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội. Kiên quyết ngăn ngừa, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục…

Phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp có tác dụng lan tỏa rất lớn trong giáo dục, định hướng giá trị văn hóa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Ban Chấp hành Trung ương, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quán triệt quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, cơ sở phải là những tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức, lối sống, phong cách và tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa cao đẹp đến các tầng lớp nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các địa phương, cơ sở.

Môi trường văn hóa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, là môi trường xã hội trực tiếp hình thành, nuôi dưỡng, phát triển, hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch.

Xây dựng môi trường văn hóa ở địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay cần phải đồng bộ, toàn diện, bao gồm hệ thống các giá trị văn hóa, các quan hệ văn hóa, hoạt động văn hóa và thiết chế, cảnh quan văn hóa. Chăm lo xây dựng văn hóa từ trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đến văn hóa, nhân cách của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung xây dựng đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, “cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân…; bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp…”(2). Chăm lo xây dựng các quan hệ văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và trong mỗi gia đình…; khắc phục sự xuống cấp về đạo đức trong các quan hệ văn hóa, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Xây dựng cảnh quan văn hóa hài hòa, thân thiện, văn minh; tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, tạo ra ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị một không gian văn hóa lành mạnh, tiến bộ, để ngăn chặn sự nảy sinh những biểu hiện phản văn hóa.

Đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc rực rỡ sắc màu trong Chương trình "Hội xuân dâng Bác" ở tỉnh Sơn La _Ảnh: TTXVN

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa gìn giữ, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người thời kỳ mới với kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” vừa là yêu cầu khách quan, vừa là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay. Những tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mưu đồ chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch đã và đang làm nảy sinh ngày càng gia tăng những biểu hiện phi văn hóa, phản giá trị, suy thoái, tệ nạn, tiêu cực... Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” nhằm lấy “xây” để “chống”, lấy “cái đẹp” để “dẹp cái xấu” và lấy “chống” để “xây”, kiên quyết “nhổ cỏ dại” để “hái mùa vàng”.

Trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi trọng giáo dục, gìn giữ, bồi đắp và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện bản sắc giá trị của mình; đồng thời, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, để có những giá trị văn hóa mới, mang tính tiên tiến, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng; các hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhất là vai trò của cơ quan chức năng, các ban chỉ đạo 35, lực lượng nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, được tiến hành một cách bền bỉ, kiên trì trên mọi lĩnh vực, hoạt động, tổ chức, lực lượng và trong mỗi con người. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa khơi dậy và phát huy vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên với tăng cường quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét