Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

NHÀ VĂN HÓA VÕ NGUYÊN GIÁP

Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nói đến một vị tướng lừng danh, một nhà quân sự thiên tài, một trong những người sáng lập và là chỉ huy trực tiếp của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng tư lệnh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng ông còn được biết đến là một nhà chính trị, một nhà sử học, nhà ngoại giao, đặc biệt, ông là một nhà văn hóa uyên bác.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước, Võ Nguyên Giáp thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam. Từ nhỏ được nghe mẹ kể chuyện "Cần vương", nghe cha đọc vè "Thất thủ kinh đô", trong tâm hồn trẻ thơ của Võ Nguyên Giáp đã chớm nở tinh thần yêu nước, căm thù giặc cướp nước. Năm 14 tuổi, Võ Nguyên Giáp vào học Trường Quốc học Huế, tham gia phong trào yêu nước đòi thả cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh... tìm đọc những sách báo tiến bộ, kể cả những tờ báo và tài liệu bí mật, như: "Người cùng khổ" (Le Paria), "Bản án chế độ thực dân Pháp"... Năm 1927, Võ Nguyên Giáp tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6-1940.

Những năm tháng giảng dạy và hoạt động cách mạng nửa công khai tại trường tư thục Thăng Long nổi tiếng trước tháng 4-1940 đã tạo cho Võ Nguyên Giáp một uy tín đặc biệt cao trong giới trí thức nói chung và trong giáo giới hồi đó nói riêng. Ông được coi là một thầy giáo sử học mẫu mực với những giờ dạy hùng hồn về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Việt và lịch sử cách mạng Pháp bằng tiếng Pháp. Thầy giáo sử học Võ Nguyên Giáp đã cuốn hút nhiều học sinh vào con đường cách mạng. Trong số đó có không ít người sau này trở thành sĩ quan cao cấp của quân đội, công an hoặc trở thành cán bộ lãnh đạo các ngành giáo dục, khoa học, chính trị, văn hóa, nghệ thuật...

Võ Nguyên Giáp cũng là một nhà báo, một nhà báo cách mạng, một nhà cách mạng trong báo giới Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông là một trong những người làm báo sớm nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam khi năm 16 tuổi, đang học tại Trường Quốc học Huế, đã viết bài báo đầu tiên với tiêu đề "Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học" bằng tiếng Pháp và gửi cho tờ L’Annam xuất bản ở Sài Gòn, gây tiếng vang lớn. Khi dạy học ở trường tư thục Thăng Long, nhà giáo Võ Nguyên Giáp đã cùng đồng nghiệp của mình, muốn tiếp nối trường Đông Kinh nghĩa thục của cụ Lương Văn Can, một nhà giáo có lòng yêu nước nồng nàn, gắng công đưa lớp trẻ nước nhà đến bờ bến mới. Cũng trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp không chỉ tham gia giảng dạy mà còn tích cực viết báo. Một loạt bài báo về nông thôn và nông nghiệp Việt Nam trong nỗi thống khổ bị áp bức, bóc lột đã được đăng trên các báo, sau được tập hợp thành sách in chung với các bài viết của nhà cách mạng Trường Chinh (sau là Tổng Bí thư của Đảng). Cuốn sách mang tên "Vấn đề dân cày" dưới hai bút danh Qua Ninh và Vân Đình.

Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24-4-1937. Nhà giáo, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Hội Báo chí Bắc Kỳ. Với sự kiện này và hoạt động báo chí của ông, năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam (nay là Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam).

Nhà báo Pháp Daniel Roussel, phóng viên thường trú của Báo Nhân đạo (L'Humanite) tại Việt Nam từ năm 1980 đến 1986, đã ghi lại nguyên văn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về quá trình ông trở thành quân nhân như thế nào: "Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm, Người đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Năm 1944, việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ngày càng phát triển. Đã đến lúc phải thành lập đơn vị quân đội đầu tiên gồm những chiến sĩ giỏi nhất. Hồ Chủ tịch đã nói với tôi: "Đồng chí Văn có nhận nhiệm vụ này được không?", sau đó, Người nói tiếp: "Chúng ta giao cho đồng chí Văn nhiệm vụ thành lập đội giải phóng quân". Lúc đó, tên đội còn chưa có hai từ "tuyên truyền". Vài ngày sau, Hồ Chủ tịch đề nghị nên gọi "Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân", bởi vì theo Người, "đồng chí Văn phải hết sức quan tâm đến tác động của các hoạt động quân sự đối với sự phát triển của công tác chính trị và phong trào chính trị".

Ngoài tên chính thức là Võ Nguyên Giáp, mọi người còn gọi Đại tướng bằng một cái tên thân yêu bình dị: Anh Văn. Văn là người, từ người lính đến vị đại tướng, từ người nông dân đến người công nhân, từ người trí thức bình thường đến nhà khoa học lớn, từ văn nghệ sĩ trẻ tuổi đến văn nghệ sĩ cao tuổi... ai nấy đều gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng hai chữ thân mật: Anh Văn. Hai chữ "Anh Văn" vừa nói lên vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quân đội, vừa nói lên quan hệ vô cùng thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với toàn quân và giới trí thức cũng như văn nghệ sĩ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận xét: "Võ Nguyên Giáp tham dự vào thế kỷ này như một con người "làm nên lịch sử" theo nghĩa là một nhân vật của lịch sử và là một người viết sử. Bởi lẽ, ông là một nhà hoạt động chính trị rồi trở thành một vị tướng hàng đầu trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Nhưng ông lại cũng từ một thầy giáo dạy sử, rồi trở thành một nhà tổng kết lịch sử hàng đầu Việt Nam".

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất coi trọng công tác tổng kết lịch sử, nhất là những bước ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn, để rút ra những bài học bổ ích cho lãnh đạo và cho chính bản thân mình. Trong lĩnh vực này, ông là một người có kiến thức uyên thâm với một tư duy mới. Ông đã viết và xuất bản gần 100 tác phẩm bao gồm các luận văn về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối quân sự của Đảng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, về chiến tranh nhân dân, về các đề tài kinh tế, khoa học, văn hóa nghệ thuật... Ông đã thể hiện tài năng của một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong hoạt động quân sự, nhất là trong chiến tranh, ông là người anh của mọi cán bộ, chiến sĩ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: "Một vị Tổng tư lệnh, đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước". Còn cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam từng khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh". Trên cương vị Tổng tư lệnh, ông kiên trì thực hành một trong những quan điểm cốt lõi của chiến tranh chính nghĩa là dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất, với sự hy sinh ít nhất của cán bộ, chiến sĩ.

Nhiều tướng lĩnh nói rằng, tính nhân văn trong phong cách cầm quân của Võ Nguyên Giáp là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến ông được toàn quân quý mến. Sinh thời, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo cho biết: "Tổng tư lệnh không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả bằng bất kỳ giá nào về xương máu chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Không bao giờ, không bao giờ Tổng tư lệnh chấp nhận như vậy. Tất cả xuất phát từ trái tim của anh. Đó là cách đánh, cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp".

 Là một Tổng tư lệnh, ông luôn tôn trọng phẩm giá của cán bộ, chiến sĩ. Chính vì biết tôn trọng nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người lính trẻ mà Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được toàn quân, từ cán bộ cấp cao đến anh lính binh nhì, các chị thanh niên xung phong đặc biệt yêu quý và nghiêm túc chấp hành các chỉ thị và mệnh lệnh của ông./. 

.ankhe.28bqd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét