Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

NHẬN THỨC VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI QUỐC PHÒNG AN NINH

 

Kinh tế - xã hội là nền tảng, là yếu tố hàng đầu quyết định sức mạnh của một quốc gia, dân tộc. Trong thời đại mà quyền lợi đan xen, tác động chi phối kinh tế giữa các quốc gia ngày càng gia tăng bởi tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất xã hội, nhất là những đóng góp của khoa học - công nghệ thì yếu tố kinh tế mạnh, có khả năng độc lập tự chủ cao, hội nhập hiệu quả càng trở nên đặc biệt quan trọng để tạo cơ sở, nền tảng cho đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong định hướng mục tiêu, nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, Cương lĩnh của Đảng cũng nêu rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”. Thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh là một giải pháp rất căn bản để ngăn chặn từ xa những nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đối với Việt Nam.

Thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm hiệu quả, khả thi, sát thực tế, trọng tâm là: Phương án phòng, chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, “cách mạng đường phố”; phòng, chống hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập; bảo vệ hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến thăm, làm việc trên địa bàn tỉnh; bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng; bảo vệ các cơ quan đảng, chính quyền; bảo vệ an ninh biên giới, khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong chỉ đạo giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống cần đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, khi có tình huống xảy ra thì tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ, để giải quyết ban đầu các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống xảy ra ở địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét