Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Nhìn thẳng - Nói thật: Chuyên gia... ở đâu?

 Nhìn thẳng - Nói thật: Chuyên gia... ở đâu?

Cách đây ít lâu, một thần tượng nhạc rap kết hợp với một nhạc sĩ có tiếng chuyển soạn 8 ca khúc rap trên nền nhạc giao hưởng.
“Fan cuồng” của thần tượng nhạc rap nọ theo tâm lý đám đông tung hô với những lời khen đại loại như thiên tài sáng tạo. Nhiều ấn phẩm báo chí, truyền thông cũng không tiếc lời ca ngợi sản phẩm âm nhạc này như một bước đột phá của âm nhạc Việt Nam. Thật ra, hơn 30 năm trước, một số ngôi sao nhạc rap Âu-Mỹ đã thử nghiệm cách làm trên. Chuyện đi trước hay đi sau không quá quan trọng, cốt yếu là chất lượng sản phẩm âm nhạc này như thế nào.
Công chúng chỉ có thể nghe rồi phán đoán sản phẩm này dựa theo kinh nghiệm nghe nhạc trước đây; họ không thể nào diễn đạt cảm nhận một cách thuyết phục, có tính khoa học. Bởi lẽ đơn giản, họ không có kiến thức âm nhạc sâu, không có đủ trải nghiệm thưởng thức âm nhạc để so sánh, đối chiếu. Lúc này rất cần vai trò các nhà phê bình âm nhạc-những chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm, trực giác để đưa ra nhận định giá trị, kịp thời định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Rất đáng tiếc, không có một nhà phê bình âm nhạc nào lên tiếng; thế nên công chúng bị bỏ rơi, không hiểu sản phẩm âm nhạc hay dở ra sao.
Đây là một ví dụ điển hình cho vai trò của phê bình và những chuyên gia phê bình trong đời sống văn nghệ. Bản chất của phê bình là đồng hành, đồng điệu với sáng tác, không hề yếm thế “ăn theo” sáng tác và cũng không trịch thượng là “cái roi quất con ngựa sáng tác đi đúng đường” như các nhà “học phiệt” ví von.
Soi chiếu đời sống văn nghệ Việt Nam đương đại nói chung và phê bình nói riêng, còn khá nhiều điều bất cập: Cánh hẩu, khen-chê tùy tiện, ít tính định hướng, ít hàm lượng khoa học... Một vấn nạn đáng lo ngại chính là sự mất tích của các chuyên gia. Thời gian qua, những câu chuyện ồn ào về các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, văn chương... thiếu vắng tiếng nói thẩm quyền. Thay vào đó, những người thiếu chuyên môn, thiếu trải nghiệm về văn nghệ lại tỏ ra hăng hái trên các diễn đàn. Đọc những bài viết, những phát ngôn của họ, dư luận không khỏi nghi ngờ “lợi ích nhóm” phía sau. Điều này dẫn đến lệch/loạn chuẩn hệ giá trị thẩm mỹ. Những sản phẩm thường thường bậc trung, thậm chí nhảm nhí, giải trí phù phiếm, lai căng kệch cỡm lại được tung hô “bốc trời”. Trong khi đó, những tác phẩm có giá trị chân-thiện-mỹ, thể hiện tinh thần sáng tạo mới mẻ lại dễ bị bỏ quên, không được lý giải sâu sắc cho công chúng.
Điều công chúng không khỏi bất bình là các chuyên gia đã đánh rơi chức phận của mình. Lý giải điều này chỉ có thể dùng từ “thoái chí” bởi sợ phiền phức khi đối diện với đám “fan cuồng”, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi và các mối quan hệ đang có, không mang lại lợi ích khi lên tiếng...
Tình trạng này nếu còn kéo dài sẽ mang đến sự nguy hại cho nền văn nghệ. Văn nghệ sĩ, nhất là người trẻ, sẽ chỉ cố gắng sáng tác tác phẩm dễ dãi, chiều theo nhu cầu thị hiếu rẻ tiền, ít dấn thân vào những khám phá sáng tạo vốn dĩ khó khăn. Công chúng với tâm lý đám đông tung hô những thần tượng quá đà, cổ vũ cho tác phẩm phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, ít nhiều đều ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của đời sống văn hóa tinh thần.
Bên cạnh đòi hỏi sự dấn thân, dũng khí của các chuyên gia, cũng cần có những đầu tư không chỉ là vật chất mà còn là động viên tinh thần để các chuyên gia phê bình văn nghệ “ứng chiến” kịp thời, đưa ra những kiến giải sâu sắc. Có như vậy, lĩnh vực phê bình mới phát huy hết vai trò vốn có, tạo nên gam màu tươi sáng hơn cho nền văn nghệ nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét