- Trên tuyến đường Trường Sơn
trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những đoàn xe vận tải luôn là mục
tiêu đánh phá số 1 của máy bay địch...
Những nhiệm vụ “cảm tử”
Mỗi lần trở lại với tuyến đường
20 Quyết Thắng, hình ảnh những chiếc xe vận tải xuyên qua làn mưa bom, bão đạn
của đế quốc Mỹ trên tuyến đường này năm xưa lại trở lại vẹn nguyên trong ký ức
của cựu chiến binh Lê Hồng Huân. Năm 1963, chàng thanh niên Lê Hồng Huân tạm
biệt Thủ đô lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông nhận nhiệm vụ lái
xe vận tải tại Đại đội 4, Tiểu đoàn vận tải 52 với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa
trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Tuyến đường có cụm trọng điểm liên hoàn gồm
cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Phu La Nhích (gọi tắt là A-T-P). Đây là “túi bom”,
“tọa độ lửa” mà không quân Mỹ tạo ra để ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam
của ta. “Có thể thấy rõ, bom đạn làm cho những quả đồi bị bạt thấp hẳn đi, mặt
đường bị cày đi xới lại, cây cối cháy rụi, rừng già biến thành đồi trọc… Cảnh
tượng hoang tàn như vùng đất chết”, ông Huân kể lại.
Năm 1967, Đại đội 4 của ông Huân
được lệnh vận chuyển một lô hàng qua A-T-P với khối lượng cần 4 chuyến xe mới
chở hết. Ông Huân báo cáo cấp trên nhận trách nhiệm một mình vận chuyển lô hàng
mà không cần điều động cùng lúc 4 chiếc xe, vì dễ làm lộ mục tiêu cho máy bay
địch đánh phá và cũng để đồng đội có thời gian nghỉ ngơi. Trong một đêm, với 4
chuyến hàng, 8 lượt đi, về qua A-T-P, ông Huân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,
bảo đảm an toàn phương tiện, hàng hóa và con người. Đây là một kỷ lục được lan
truyền rộng rãi trên khắp những cung đường vận tải của bộ đội Trường Sơn. Sau
chiến công này, ông được đồng đội đặt biệt danh là “Con sóc Hà Nội - Con sóc
Trường Sơn”.
Cũng trong năm 1967, tiểu đội xe
do ông Lê Hồng Huân làm tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ thí điểm chạy xe cả
ban ngày lẫn ban đêm qua A-T-P do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đưa hàng hóa chi
viện cho chiến trường và làm cho địch không đoán định được việc tổ chức vận tải
của ta. Chiếc xe cũng được bố trí súng máy 14,5mm trên thùng để sẵn sàng đánh
trả máy bay, bảo vệ hàng hóa. Đây có thể nói là một nhiệm vụ “cảm tử” vì vận
chuyển ban ngày rất dễ bị lộ, trở thành mục tiêu đánh phá của địch. Và rồi
người chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với chiến
công của mình, ông Huân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được
kết nạp Đảng. Cũng chính chiếc xe GAZ-63 do ông Huân điều khiển là chiếc xe đầu
tiên của Đoàn 559 được thí điểm sử dụng đèn gầm “Con rùa” để chạy ban đêm.
Trên đường Trường Sơn huyền
thoại vào những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, có lẽ không
ai là không biết đến Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Văn Tiến (Trung
đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 31). Hình ảnh sống động về chiếc xe
vận tải Zil 157 của ông chính là cảm hứng để nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác
bài thơ “Tiểu đội xe không kính” nổi tiếng. Ngày cũng như đêm, dù có hôm bị sốt
rét ác tính, ông vẫn cần mẫn chở từng chuyến hàng vượt qua mưa bom, bão đạn.
Theo yêu cầu của đơn vị, mỗi chiến sĩ thực hiện 3 đêm/1 chuyến, nhưng bằng sự
anh dũng và nỗ lực không mệt mỏi, ông đã liên tục trong 1.000 ngày đêm vận
chuyển vượt chỉ tiêu 300%. Có tháng, ông vận chuyển 32 chuyến, đưa hàng đến địa
điểm tập kết an toàn.
Mưu trí lừa máy bay địch
Được tôi luyện trong bom đạn,
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Văn Tiến nắm rõ những quy luật đánh phá
của máy bay địch để tìm phương án đối phó. Ông kể, để không bị máy bay địch
phát hiện, nếu trong điều kiện có ánh trăng thì xe không bật đèn gầm, chiến sĩ
lái xe chỉ dựa vào đôi mắt. Đặc biệt, khi đi qua sông thì xe phải tắt hết đèn
để tránh bị máy bay địch phát hiện do ánh sáng phản chiếu trên mặt nước. Khi xe
vượt dốc cũng phải tắt hết đèn... Đặc biệt, một lần ông đã “chống lệnh” cấp
trên để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, hàng hóa. Hôm đó, đơn vị chở
hàng tiếp cận trọng điểm đánh phá của địch lúc gần 19h. Xe của ông dẫn đầu cả
đoàn. Lúc này, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tiếp tục lên đường nhưng ông Tiến không
đồng ý vì ông biết quy luật thường đến 19h máy bay địch sẽ ném bom đánh phá khu
vực này. Quả đúng vậy, đến 19h, hàng đàn máy bay Mỹ ào đến trút bom lên trọng
điểm. Hôm sau, đích thân Chính ủy Binh trạm 31 đã tặng ông Tiến bằng khen và
một chiếc đồng hồ, phần thưởng xứng đáng cho người chiến sĩ lái xe có nhiều
kinh nghiệm, bản lĩnh...
Năm 1970, tình nguyện nhập ngũ
với lá đơn được ký bằng máu, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Bổng được học lái xe 6
tháng rồi nhận công tác tại Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 536, Sư đoàn vận tải 471.
Quá trình lái xe vận tải trên đường Trường Sơn, ông đã tham gia chuyển hàng
hóa, đạn dược cho hai chiến dịch lớn là Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và bảo vệ
Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đối với ông Bổng và những chiến sĩ lái xe trong
thời kỳ này, đối thủ cần cảnh giác nhất là loại máy bay C-130 của Mỹ. Loại máy
bay này thường xuyên tuần tiễu trên không, khi phát hiện dấu hiệu xe vận tải
thì lập tức sử dụng pháo, súng máy tự động có độ chính xác cao để tiêu diệt mục
tiêu. Có những lần xe bị trúng đạn bốc cháy, ông Bổng còn lao vào cứu những
thùng đạn, bất chấp hiểm nguy.
Không để xe, hàng hóa trở thành
bia bắn di động cho máy bay địch, ông Bổng và đồng đội đã nghĩ ra nhiều phương
pháp ngụy trang cho xe. “Để đối phó với những vũ khí công nghệ cao của địch,
kinh nghiệm lái xe của tôi là cứ di chuyển khoảng 10-20km thì dừng xe, tắt máy
cho động cơ nguội bớt nhằm hạn chế nguy cơ bị máy dò nhiệt trên máy bay địch
phát hiện”, ông Bổng kể.
Không quản ngại vất vả, hy sinh,
những chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm
trong chiến đấu, vượt qua bom đạn, vũ khí công nghệ cao của địch, đưa hàng hóa,
đạn dược từ hậu phương chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước... "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong
xe có một trái tim” - nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết về họ như thế - để rồi,
những trái tim ấy mãi nóng hổi đến ngày hôm nay…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét