Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Phê phán luận điệu xuyên tạc: Đổi mới ở Việt Nam là “đổi mới nửa vời” vì “không đổi mới chính trị”, “không hiệu quả”

Trong những năm qua, bằng nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, nhất là thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch thường xuyên rêu rao luận điệu, mặc dù Việt Nam tuyên bố đổi mới từ năm 1986, đến nay đã gần 40 năm, nhưng đổi mới ở Việt Nam là “đổi mới nửa vời” vì “không đổi mới chính trị”, “không hiệu quả”(?!). Những luận điệu trên hoàn toàn xuyên tạc và không thể phủ nhận được sự thật rằng, công cuộc đổi mới đồng bộ và toàn diện ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, bóp méo, hòng phủ nhận thành quả to lớn của quá trình gần 40 năm đổi mới. Họ rêu rao rằng, Việt Nam chỉ bước đầu đổi mới về kinh tế, chứ không đổi mới chính trị. Vì kinh tế quyết định chính trị, nên khi kinh tế đổi mới mà chính trị không đổi mới thì dẫn tới chính trị trì trệ, lạc hậu, cản trở sự phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam cần đổi mới chính trị một cách mạnh mẽ, quyết liệt để phù hợp với kinh tế theo hướng thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như các nước tư bản chủ nghĩa đang áp dụng (!?). Dã tâm của các thế lực thù địch hòng phủ nhận thành tựu của đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, tiến tới phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ đó hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ nhất, phê phán luận điệu cho rằng “đổi mới ở Việt Nam là đổi mới nửa vời vì không đổi mới chính trị”. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam là đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế và chính trị, bắt đầu từ đổi mới lĩnh vực kinh tế, trên cơ sở đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới các lĩnh vực khác, trong đó có chính trị. Lộ trình thực hiện như vậy phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, trong quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người, xét đến cùng thì kinh tế quyết định chính trị, “những quan niệm chính trị, pháp lý và những quan điểm tư tưởng khác và những hành vi do chúng quy định đều được rút ra từ các thực tế kinh tế là cơ sở của chúng”(1). “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật,… đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế”(2). Đảng Cộng sản Việt Nam xác định bắt đầu đổi mới từ lĩnh vực kinh tế, lấy đổi mới kinh tế làm cơ sở, tiền đề, động lực để đổi mới chính trị là hoàn toàn đúng đắn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VI về “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay” chỉ rõ: “Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ,... dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới”(3). Nhận định trên là hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ đổi mới chính trị cần có cơ sở, điều kiện, tiền đề nhất định, không thể đổi mới một cách tùy tiện, vô nguyên tắc. Bài học từ cải tổ chính trị một cách vô nguyên tắc dẫn đến sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX vẫn còn nguyên giá trị. Văn kiện Đại hội VII của Đảng khẳng định từ những năm đầu đổi mới: “Phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị”(4). Tuy nhiên, chính trị, cũng như các nhân tố khác của thượng tầng kiến trúc, có sự độc lập tương đối và tác động trở lại đối với kinh tế, theo hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm. Do đó, đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới chính trị, một cách phù hợp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đổi mới chính trị ở Việt Nam trọng tâm là đổi mới tư duy chính trị và hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay gồm các bộ phận cấu thành như: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp khác được thành lập, hoạt động trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện và bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam chính là đổi mới các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị để có một hệ thống chính trị tinh gọn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao nhằm dẫn dắt lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét