Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và tư cách của người đại biểu nhân dân

 Vai trò và tư cách của đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào - hiện thân tiêu biểu cho vai trò, tư cách của người đại biểu nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nghiền ngẫm, tổng kết cả một “Tổng kho tri thức cách mạng”, trong đó có “kho tàng tri thức” về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Ngay từ tháng 10-1944, Người đã chỉ rõ rằng, muốn lập nên một Nội các (Chính phủ) thì về trình tự là phải thành lập Nghị viện (Quốc hội) trước đã. Trong điều kiện chưa giành được chính quyền thì phải có một tổ chức tương đồng. Người nói: “... chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”(1). Cơ cấu đó chính là Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân Quốc hội, với vai trò một Quốc hội lâm thời của đất nước, được Đảng ta do Người đứng đầu, tiến hành tổ chức vào các ngày trung tuần tháng 8-1945.

Quốc dân Đại hội Tân Trào chỉ có hơn 60 đại biểu, nhưng tư cách, phẩm chất của các đại biểu hoàn toàn xứng đáng với vai trò đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân, cả về cơ cấu vùng, miền, đoàn thể, cơ cấu theo đảng phái chính trị cũng như đại diện cho các giới và các tầng lớp xã hội... Có thể nói, trong Quốc dân Đại hội Tân Trào, đại biểu vùng, miền, trí thức, công, nông, thanh, phụ, dân tộc đều có mặt đầy đủ, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội. Trong điều kiện giao thông liên lạc đầy khó khăn, việc đi lại qua các vùng địch kiểm soát gắt gao, hết sức phức tạp và nguy hiểm, thì việc Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh xây dựng được cơ cấu thực tế của Đại hội như vậy là nỗ lực rất lớn. Tất cả đều có chung một ý chí, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp lớn, giải phóng dân tộc, giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đó cũng chính là vai trò, thể hiện trọng trách và tư cách lớn lao của các đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào. Như vậy, vai trò và tư cách của người đại biểu nhân dân đã được xác lập ngay từ “đêm trước” của Cách mạng Tháng Tám.

Quốc dân Đại hội Tân Trào xác định 10 chính sách lớn của Việt Minh được ghi trong Nghị quyết của Đại hội ngày 16, 17-8-1945(2). Cũng cần phải nói thêm rằng, 10 chính sách lớn của Việt Minh có giá trị như một bản Hiến pháp tạm thời để Mặt trận dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) sau khi Cách mạng thành công, giành được chính quyền thì căn cứ vào đó mà hành động. Mười chính sách của Việt Minh nói chung, vai trò và tư cách của đại biểu Quốc dân Đại hội nói riêng đều thấm đẫm tư tưởng, trí tuệ mẫn tiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và sau này, Người cũng nhắc lại nhiều lần các tiêu chí này của người đại biểu nhân dân trong hoạt động ở Quốc hội.

Đại biểu nhân dân phải một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

 Ngày 5-1-1946, trong đợt tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” và “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”(3).

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Ngày 26-4-1960, phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa II tại Hà Nội ra mắt cử tri, Người nói: “Quốc hội khóa I là Quốc hội chiến đấu. Quốc hội đã đoàn kết nhân dân và giúp đỡ Chính phủ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang... Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội... Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”(4).

Sau đó, phát biểu tại lễ bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.

Về phần tôi,

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già,
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng(5).

Ngày 20-5-1968, dịp khai mạc Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III, Người đọc mấy câu thơ:

Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta(6).

Như vậy, Người đại biểu nhân dân Hồ Chí Minh luôn trăn trở, thường xuyên nghĩ đến trách nhiệm cao cả của mình, đó là phải vững vàng “hai vai việc nước nhà”.

Đại biểu nhân dân phải là người dũng cảm chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu

Suốt 24 năm (1945 - 1969), là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, người đại biểu nhân dân mẫu mực nhất, bao giờ Bác Hồ cũng quan tâm tới thực tiễn chiến đấu, sản xuất, dựng xây phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, tham nhũng và Người là người thực hành điều đó triệt để nhất. Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Người tuyên bố: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(7). Ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ từ 5 năm đến 20 năm khổ sai và kẻ nhận hối lộ phải nộp phạt số tiền gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Người dạy rằng, pháp luật của ta phải “... thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(8). Người giải thích, phải nghiêm trị như thế vì “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(9). Như chúng ta đã biết, kể từ khi tuyên bố điều đó cho đến khi “đi vào cõi vĩnh hằng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện hết sức nghiêm túc, có hiệu quả cao công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Đại biểu nhân dân phải là người làm việc khoa học, phải biết chấn chỉnh lề lối làm việc, giảm dần nạn giấy tờ

Lề lối làm việc khoa học, sắp xếp giấy tờ gọn gàng và hợp lý là yêu cầu được Bác Hồ đặt ra ngay từ đầu tháng 3-1954. Người đã phê bình rất nghiêm khắc nạn giấy tờ dài dòng, tình trạng làm việc luộm thuộm, thiếu tính khoa học ở nhiều cơ quan nhà nước. Người thẳng thắn chỉ rõ: “Từ các bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều.

... - Giấy tờ quá nhiều, quá dài

... - Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã qua lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ.

Không đúng nguyên tắc: có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.

Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được, phải gửi trả lại.

Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển, mà nói cả những điều cần giữ bí mật...”(10).

Qua một vài dẫn chứng trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rất chi tiết, tường tận, thấu đáo cung cách điều hành, xử lý công việc ở từng cơ quan trong bộ máy chính phủ, trong khi lãnh đạo các cơ quan đó chưa chắc đã biết tường tận tình trạng công việc của cơ quan mình. Quan điểm, tư tưởng của Người về lĩnh vực này chính là cơ sở thực tiễn, là căn cứ định hướng cho công cuộc cải cách hành chính ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh đạo cao nhất tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, đồng thời cũng là một đại biểu của Đại hội. Từ khi có Quốc hội chính thức đầu năm 1946, với sự tín nhiệm đặc biệt của cử tri, Người liên tiếp làm nhiệm vụ đại biểu cho đến khi “về cõi vĩnh hằng” ngày 2-9-1969 (23 năm). Tất cả quan điểm, tư tưởng của Người về vai trò, sứ mệnh và tư cách, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân được coi là chuẩn mực, là thước đo, tiêu chuẩn để chỉ đạo việc lựa chọn những người có tài, có đức làm đại biểu của nhân dân trong tất cả cuộc bầu cử sau này. Nội dung cốt lõi của quan điểm, tư tưởng đó là: Đoàn kết, đấu tranh giành độc lập và kiên quyết bảo vệ, giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc; ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó vừa là nội hàm của vai trò, tư cách người đại biểu nhân dân, vừa là sự thể hiện đức, tài, trí tuệ, bản lĩnh và phong cách làm việc của người đại biểu ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng. Nội dung, bản chất của vai trò và tư cách người đại biểu nhân dân được xác lập đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn nguyên giá trị trong các giai đoạn phát triển của đất nước ta. Những nội dung này đều được ghi trong các Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 do chính Người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo. Các Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều kế thừa nội dung các điều khoản đó. Các điều này được thể hiện cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (nay là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).

Riêng đối với đại biểu Quốc hội, từ Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2014) đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2020) đã quy định thành một chương gồm 24 điều; trong đó, Điều 21 quy định về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội; Điều 22 quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, được cụ thể hóa thành 5 tiêu chuẩn của đại biểu. Vai trò và tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được ghi tại Điều 6 và Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015), chỉ khác là đại biểu Hội đồng nhân dân thực thi nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi địa phương của đại biểu.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ở nhiều đơn vị bầu cử, cử tri đã yêu cầu từng ứng cử viên báo cáo cụ thể từng tiêu chuẩn, đạt được đến mức độ nào, ưu điểm, khuyết điểm ra sao...  Đây quả là một cuộc “sát hạch” thực sự đối với các ứng cử viên đại biểu dân cử.

Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất của vai trò và tư cách người đại biểu nhân dân hội tụ lại trong hai thuật ngữ “đức” và “tài”, mà đức là gốc. Vai trò và tư cách đó thể hiện rõ ở bản lĩnh và trí tuệ cùng cách thức (phong cách) làm việc của đại biểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét